Tiền ảo, bão táp thật

Tiền ảo, bão táp thật

Việc Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị yêu cầu tăng cường quản lý các hoạt động liên quan đến bitcoin cùng các loại tiền ảo tương tự khác là động thái cần thiết và quan trọng, nhất là trong bối cảnh ngày càng có nhiều cảnh báo về những rủi ro liên quan tới bitcoin cũng như các loại tiền ảo khác.
Vụ iFan bị tố lừa đảo hơn 15.000 tỷ đồng đang gây xôn xao dư luận những ngày gần đây có thể xem như một cơn bão quét qua hàng chục ngàn gia đình, gây hậu quả khôn lường.

Thực tế, ngay từ khi tiền ảo mới xuất hiện ở Việt Nam, đã có rất nhiều cảnh báo được đưa ra, từ việc tiền ảo chưa được pháp luật Việt Nam thừa nhận nên người dùng cần rất thận trọng trong giao dịch, mua bán…, đến việc người tiêu dùng không nên tham gia các giao dịch liên quan đến tiền ảo, nhất là thông qua hình thức đa cấp, bởi tiềm ẩn rủi ro rất lớn.

Rằng, do không được thừa nhận, nên mọi hành vi thanh toán bằng bitcoin trong nền kinh tế bị cho là vi phạm pháp luật và có thể bị xử lý hình sự…

Nhưng bất chấp những cảnh báo, không ít người vẫn đổ tiền thật vào tiền ảo để rồi cay đắng nhận ra mình đã bị lừa.

Con số 15.000 tỷ đồng mà iFan huy động được chỉ trong một thời gian ngắn đã cho thấy điều đó. 15.000 tỷ đồng là con số rất lớn. Tỉnh Quảng Ninh đang kêu gọiđầu tư vào 5 dự án lớn ở Vân Đồn, với tổng vốn đầu tư 15.000 tỷ đồng.

Còn Hà Nội, năm 2017 đã phê duyệt quyết toán 2.278 dự án với tổng vốn trên 15.000 tỷ đồng. Bình quân một doanh nghiệp thành lập mới ở Việt Nam cũng chỉ có quy mô vốn 10 tỷ đồng, 15.000 tỷ đồng có nghĩa là đủ vốn cho khoảng 1.500 doanh nghiệp đi vào hoạt động…

Nếu những đồng tiền đó được đầu tư cho phát triển sản xuất, kinh doanh thì tốt biết bao.

Một con số, dù qua đơn thư tố cáo, chưa qua điều tra, nhưng đã khiến dư luận không khỏi bàng hoàng. Nó quá lớn so với mức tưởng tượng của nhiều người, trong khi ở Việt Nam, không chỉ có iFan, mà còn nhiều “sàn”, nhiều hình thức kinh doanh bitcoin, tiền ảo khác tương tự.

Tiền ảo nhưng nỗi lo là thật. Vụ việc của iFan là nhãn tiền. Bởi thế, gần như cùng thời điểm, trong khi Phó thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu các bộ, ngành xử lý vụ việc người dân tố bị lừa tiền ảo hơn 15.000 tỷ đồng, thì Thủ tướng Chính phủ ra chỉ thị về tăng cường quản lý hoạt động liên quan tới bitcoin, tiền ảo.

Phải quản chặt hơn bởi hoạt động sử dụng tiền ảo để huy động vốn theo phương thức đa cấp ngày càng diễn biến phức tạp, có nguy cơ ảnh hưởng đến sự ổn định của thị trường tài chính, trật tự, an toàn xã hội và có thể gây rủi ro rất lớn đối với tổ chức, cá nhân tham gia.

Theo đó, hàng loạt nhiệm vụ cụ thể đã được giao cho các bộ, ngành, từ Ngân hàng Nhà nước đến Bộ Công an, rồi Bộ Tài chính, Bộ Công thương…

Ngay cả với địa phương, Thủ tướng cũng chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong phạm vi chức năng, thẩm quyền được giao chỉ đạo các sở, ngành trực thuộc tăng cường phát hiện, ngăn chặn và xử lý kịp thời các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới hoạt động tiền ảo,

Đặc biệt là hoạt động huy động tài chính, kinh doanh theo phương thức đa cấp, lừa đảo trên mạng Internet qua tiền ảo hoặc mạo danh đầu tư, kinh doanh tiền ảo để chiếm đoạt tài sản…

Thực hiện chỉ thị là một chuyện. Chuyện khác là cần gấp rút hoàn thành khung pháp lý về quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.

Có khung pháp lý không có nghĩa là thừa nhận. Và dù không thừa nhận, nhưng việc quản lý là cần thiết, để tránh những hệ lụy khôn lường đến nền kinh tế, đến cuộc sống của người dân.

Tin bài liên quan