Còn dư địa rất lớn để “phủ sóng” tài chính toàn diện

Còn dư địa rất lớn để “phủ sóng” tài chính toàn diện

Thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam

(ĐTCK) Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, không có "một lời giải nào cho mọi vấn đề" khi nói đến tăng cường phổ cập tài chính và sự thành công của mỗi quốc gia phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau, bao gồm văn hóa, kinh tế chính trị và bối cảnh phát triển.

Tài chính toàn diện ở một số quốc gia và Việt Nam

Sau hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã đạt được những kết quả đầy ấn tượng trong việc duy trì tăng trưởng kinh tế và xóa đói giảm nghèo. Tuy nhiên, tình trạng đói nghèo vẫn còn tồn tại, nhất là ở khu vực trung du, miền núi phía Bắc và miền Trung, Tây Nguyên, nơi có nhiều nhóm dân tộc ít người sinh sống. Tình trạng bất bình đẳng về thu nhập ít nghiêm trọng hơn so với các quốc gia láng giềng, nhưng cũng đã gia tăng đáng kể trong một thời gian ngắn, với hệ số Gini tăng từ 0,42 trong năm 2002 lên 0,43 trong năm 2014. Ở khu vực nông thôn, bất bình đẳng thu nhập còn tăng nhanh hơn, với hệ số Gini tăng từ 0,36 trong năm 2002 lên 0,4 trong năm 2014.

Ông Nguyễn Minh Cường, Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Phát triển châu Á tại Việt Nam

Bằng chứng thực tế đã cho thấy mối liên hệ trực tiếp giữa tài chính toàn diện và bình đẳng về thu nhập. Điều này là do không phổ cập tài chính, làm mất đi cơ hội của người nghèo để tăng thu nhập thông qua tiết kiệm, tiếp cận vốn đầu tư và giảm thiểu rủi ro tài chính phát sinh từ thảm họa thiên nhiên và các cú sốc kinh tế. Ở Việt Nam, phổ cập tài chính còn tương đối thấp về mọi phương diện. Theo số liệu thống kê của Global Findex 

Database năm 2017, chỉ có khoảng 31% số người trưởng thành có tài khoản tại ngân hàng, so với mức 81,6% ở Thái Lan và 85,3% ở Malaysia. Mức phổ cập tiếp cận dịch vụ tài chính thậm chí còn thấp hơn ở nhóm 40% người nghèo nhất trong cả nước (20%) và cư dân nông thôn (25%).

Kinh nghiệm quốc tế cho thấy, không có "một lời giải nào cho mọi vấn đề" khi nói đến tăng cường phổ cập tài chính và sự thành công của mỗi quốc gia phụ thuộc vào các yếu tố khác nhau, bao gồm văn hóa, kinh tế chính trị và bối cảnh phát triển.

Ví dụ, sự thành công của chương trình nghị sự về phát triển tài chính toàn diện của Trung Quốc có thể chủ yếu bắt nguồn từ văn hóa tiết kiệm cao và những cải cách khu vực tài chính trên phạm vi toàn quốc. Trong khi đó, sự phổ cập dịch vụ tài chính của Kenya đạt được lại nhờ vào sự ứng dụng công nghệ tài chính. Tại Ấn Độ, các chương trình sử dụng ngân hàng đại lý hoặc đại lý kinh doanh đã được triển khai và mở rộng đáng kể khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính của chặng cuối.

Ở Philippines, sự kết hợp giữa môi trường chính sách hợp lý và sự hỗ trợ mạnh mẽ của thị trường đã chứng tỏ là cách tiếp cận có hiệu quả đối với tài chính toàn diện. Ví dụ cuối cùng, ở Thái Lan, chương trình nghị sự về phổ cập tài chính chủ yếu được thực hiện bởi lĩnh vực tài chính vi mô. Quỹ Nông thôn Thái Lan (Thailan Village Fund) hiện là chương trình tín dụng vi mô lớn thứ hai thế giới và quản lý các khoản vay tới 30% tất cả các hộ gia đình Thái Lan.

Việt Nam là quốc gia được đánh giá có dân số đông và trẻ, am hiểu công nghệ với tỷ lệ truy cập Internet và sử dụng điện thoại di động cao, người Việt Nam có truyền thống văn hóa tiết kiệm. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, nhu cầu vay vốn của người dân, doanh nghiệp ngày càng gia tăng đã thúc đẩy quy mô tín dụng ngày càng lớn.

Tuy nhiên, cho đến nay, vẫn còn những phân khúc khách hàng chưa tiếp cận được với dịch vụ ngân hàng. Bên cạnh khu vực tài chính chính thức dưới sự quản lý của Nhà nước, còn có tài chính phi chính thức hoạt động ngoài phạm vi điều chỉnh của pháp luật, còn được gọi là "tín dụng đen". Chính vì vậy, việc đẩy mạnh các hoạt động phổ cập dịch vụ tài chính để người dân và doanh nghiệp có thể tiếp cận tài chính dễ dàng, thuận lợi hơn có ý nghĩa vô cùng quan trọng.

Thúc đẩy phát triển tài chính toàn diện ở Việt Nam ảnh 2

Việt Nam là quốc gia được đánh giá có dân số đông và trẻ, ưa thích công nghệ

Trong những năm qua, Chính phủ đã triển khai một số sáng kiến để tăng cường phổ cập dịch vụ tài chính, nhất là thông qua việc thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia xóa đói giảm nghèo, các chương trình tín dụng chính sách cho những đối tượng mục tiêu và khu vực ưu tiên. Các sáng kiến tài chính toàn diện này có đặc điểm chung là tập trung mạnh mẽ vào các đối tượng chính sách xã hội, chưa hoàn toàn áp dụng các cơ chế thị trường. Ngân hàng Chính sách xã hội là một ví dụ trong việc cung cấp vốn hỗ trợ cho người nghèo, nông dân, các đối tượng chính sách nhưng thiếu tính bền vững.

Chính phủ cũng đã phê duyệt và triển khai Đề án thanh toán không dùng tiền mặt, Đề án xây dựng và Chiến lược phát triển tài chính vi mô đến 2020 ở Việt Nam, và Đề án nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng của nền kinh tế. Những nỗ lực và sáng kiến này đã giúp cho những người nghèo, cư dân vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, các doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ được tiếp cận nguồn vốn tín dụng, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng kinh tế bền vững và xóa đói giảm nghèo.

Bên cạnh đó, các ngân hàng thương mại trong nước cũng đã nhanh chóng nắm bắt xu hướng và cơ hội phát triển dịch vụ trên nền tảng công nghệ, tăng cường cải thiện và đa dạng hóa các dịch vụ thông qua khuyến khích tài chính điện tử, giao dịch ngân hàng trên mạng Internet, và hoạt động tín dụng lưu động nhằm đảm bảo đưa các dịch vụ và sản phẩm tài chính đến với người dân ở phạm vi rộng lớn hơn, chi phí thấp hơn một cách nhanh chóng, an toàn và tiện lợi. Hiện Ngân hàng Nhà nước cũng đang triển khai xây dựng Chiến lược tổng thể về tài chính toàn diện nhằm phân bổ và sử dụng hiệu quả tất cả các nguồn lực hướng tới mục tiêu tăng cường phổ cập dịch vụ tài chính tới các đối tượng người dân và doanh nghiệp.

Giải pháp công nghệ

Với ưu thế vượt trội dựa trên nền tảng công nghệ, các công ty công nghệ tài chính (FinTech) đang là những đơn vị đi tiên phong trong đổi mới, sáng tạo trong thúc đẩy phổ cập tài chính với những lợi ích như giảm chi phí đầu tư cho hạ tầng cung ứng sản phẩm và dịch vụ, rút ngắn thời gian và cắt giảm chi phí giao dịch. FinTech không những giúp việc tiếp cận khách hàng trở nên dễ dàng hơn, mà còn cho phép các nhà cung cấp đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ phù hợp hơn với nhu cầu của khách hàng.

Tại Việt Nam, FinTech vẫn ở giai đoạn khởi đầu, nhưng đang phát triển nhanh chóng. Làn sóng khởi nghiệp FinTech trong thời gian gần đây đã góp phần mở rộng dịch vụ tài chính tới những nhóm dân cư chưa được tiếp cận với một loạt các dịch vụ như thanh toán điện tử, cho vay ngang hàng... Theo ước tính sơ bộ của Ngân hàng Nhà nước, hiện có hơn 80 FinTech đang hoạt động tại Việt Nam ở nhiều phân khúc khác nhau như  dịch vụ thanh toán, cho vay ngang hàng (p2p lending), huy động vốn từ cộng đồng (crowdfunding)… Trong đó, các FinTech cung cấp dịch vụ thanh toán điện tử chiếm hơn 40% tổng số các FinTech khởi nghiệp.

Với xu hướng phát triển FinTech mạnh mẽ, các ngân hàng thương mại có xu hướng chuyển từ cạnh tranh sang hợp tác để tận dụng lợi thế của công nghệ mới và tạo ra các phương pháp tiếp cận mới trong phát triển và cung cấp dịch vụ tài chính. Từ năm 2014, Ngân hàng Nhà nước cho phép một số ngân hàng hợp tác với các tổ chức phi ngân hàng - Viettel, MoMo, Petrolimex - để thí điểm cung cấp dịch vụ thanh toán ở khu vực nông thôn và vùng sâu, vùng xa. Một số FinTech đang hợp tác với các ngân hàng để mở rộng giải pháp FinTech để thúc đẩy tài chính toàn diện.

Khuyến nghị

Kinh nghiệm từ các nước thành công trong phát triển tài chính toàn diện cho thấy, tài chính toàn diện sẽ đạt được kết quả tốt nhất nếu được hỗ trợ bởi những chính sách và chỉ đạo, điều hành có hiệu quả của chính phủ. Vai trò của chính phủ vô cùng quan trọng trong việc hình thành khung pháp lý phù hợp, tạo điều kiện cho ổn định tài chính, phát triển cơ sở hạ tầng cung cấp dịch vụ tài chính dễ tiếp cận hơn cho các doanh nghiệp và cá nhân, đảm bảo sự cạnh tranh công bằng và đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng.

Tham khảo các bài học kinh nghiệm từ các quốc gia trong khu vực như Thái Lan, Singapore, Malaysia và Philippines, Việt Nam có thể tìm kiếm thêm các giải pháp FinTech với mục tiêu phát triển tài chính toàn diện, nhưng cũng cần chú trọng vào việc rà soát, hoàn thiện các quy định và giám sát để phát triển các sản phẩm, dịch vụ tài chính, bảo vệ tốt hơn cho khách hàng.

Các chuyên gia cũng khuyến nghị cơ quan quản lý có thể xem xét thử nghiệm chính sách trên quy mô nhỏ trước khi áp dụng đại trà để đảm bảo tính an toàn và bền vững trong việc ứng dụng các giải pháp công nghệ mới nhằm phát triển tài chính toàn diện.

Việt Nam cũng cần tiếp tục nỗ lực nhằm phát triển lĩnh vực tài chính vi mô một cách bền vững, từng bước mở cửa thị trường tài chính vi mô, đồng thời tái cơ cấu Ngân hàng Chính sách xã hội nhằm đạt được tiến bộ hơn nữa trong phát triển tài chính toàn diện. Bên cạnh việc tiếp tục tái cơ cấu, phát triển lĩnh vực tài chính ngân hàng vững mạnh, Ngân hàng Nhà nước cũng cần phối hợp với các cơ quan, bộ ngành chức năng đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền, nâng cao hiểu biết về dịch vụ tài chính trong xã hội và sự tham gia của người dân về chiến lược phát triển tài chính toàn diện, đặc biệt là thế hệ trẻ.

Quan hệ đối tác ADB - Việt Nam trong phát triển tài chính toàn diện

Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) là một trong những đối tác phát triển chính thực hiện hỗ trợ phát triển tài chính vi mô, sau đó tiến tới tài chính toàn diện ở Việt Nam từ những năm 2000. Với sự hỗ trợ trọn gói được thực hiện thông qua Chương trình phát triển ngành tài chính vi mô (MSDP), Đề án thành lập và phát triển ngành tài chính vi mô tại Việt Nam cung cấp các định hướng chung nhằm phát triển ngành tài chính vi mô bền vững đã được xây dựng.

Cùng với MSDP, ADB đã hỗ trợ Chính phủ tạo ra môi trường chính sách và pháp lý thuận lợi cho phát triển ngành tài chính vi mô toàn diện và bền vững, tăng cường năng lực của các nhà cung cấp dịch vụ tài chính vi mô, tăng cường năng lực giám sát và điều tiết của các cơ quan quản lý ngành tài chính vi mô. ADB cũng hỗ trợ chính thức hóa các tổ chức tài chính vi mô được cấp phép bởi Ngân hàng Nhà nước.

ADB gần đây đã hợp tác với Ngân hàng Nhà nước để thúc đẩy hệ sinh thái FinTech non trẻ ở Việt Nam thông qua nâng cao nhận thức, nâng cao năng lực, chia sẻ các thực tiễn tốt nhất và thúc đẩy chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm giữa các nhà quản lý từ khu vực ASEAN và quốc tế.

Từ cuối năm 2017, ADB, Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và các đối tác doanh nghiệp khác đã phát động Chương trình thử thách FinTech Việt Nam đầu tiên để thúc đẩy sự hợp tác giữa các ngân hàng và công ty FinTech, khuyến khích áp dụng các giải pháp FinTech nhằm thúc đẩy tài chính toàn diện.

Tháng 12/2018, ADB đã phê duyệt Chương trình phát triển khu vực tài chính và tài chính toàn diện - Tiểu  chương trình I để thúc đẩy tài chính toàn diện ở Việt Nam thông qua phát triển khung pháp lý cho các tổ chức tài chính và môi trường pháp lý để thúc đẩy tài chính toàn diện, tăng cường năng lực các tổ chức tài chính để cung cấp các dịch vụ tài chính đa dạng, đổi mới và toàn diện, nâng cao chức năng giám sát tài chính và thúc đẩy phổ biến kiến thức tài chính.

ADB cũng sẽ đồng hành cùng Chính phủ để tiếp tục nỗ lực tăng cường phổ cập tài chính đến các tầng lớp dân cư, nhất là phụ nữ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp siêu nhỏ… vốn gặp khó khăn trong việc tiếp cận tài chính; thúc đẩy phát triển tài chính vi mô, công nghệ tài chính FinTech…

Tin bài liên quan