Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Diễn đàn.

Thúc chính sách tài chính - ngân hàng tiến nhanh hơn

Kiến nghị nới trần tín dụng, xây dựng khung pháp lý cho hoạt động chu chuyển vốn và cho phép các ngân hàng sử dụng công nghệ số thay cho các thủ tục trực tiếp trong mở tài khoản, xác nhận danh tính… là những nội dung chính được Nhóm Công tác ngân hàng (BWG) nêu lên tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2018 (VBF) tổ chức sáng 4/12 vừa qua.

Kiến nghị nới trần tín dụng, xây khung pháp lý chu chuyển vốn

Theo Nhóm Công tác ngân hàng (BWG), các vấn đề chưa được thống nhất về mặt quan điểm, cách thức xử lý ở cấp kỹ thuật giữa các đơn vị của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và BWG không còn điểm nào tồn đọng.

Tuy nhiên, vẫn còn những vấn đề đã được NHNN ghi nhận, có kế hoạch xử lý và các vấn đề liên quan đến thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, ngành khác cần tiếp tục giải quyết trong thời gian tới đây.

Liên quan đến trần tăng trưởng tín dụng, phát biểu tại Diễn đàn, ông Nirukt Sapru, Trưởng nhóm BWG nhận định, mặc dù tăng trưởng tín dụng có sự sụt giảm so với những năm trước đây, nhưng Việt Nam vẫn là một trong những quốc gia có nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất trong năm 2018.

Vấn đề là làm thế nào để tín dụng dồn vào trong lĩnh vực sản xuất, đây là câu chuyện rất quan trọng. Tại Việt Nam, khách hàng tư nhân vẫn thấy những khó khăn, thách thức khi tiếp cận khoản vay từ ngân hàng, trong đó, có các ngân hàng nước ngoài.

Các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài rất muốn có thể tiếp cận tốt hơn với các nguồn cung tài chính để góp phần tăng trưởng kinh tế đất nước…

“BWG mong muốn các cơ quan Chính phủ xem xét lại trần tăng trưởng tín dụng. Động thái này nhằm giúp các ngân hàng có điều kiện mở rộng khả năng phát triển tín dụng và danh mục tín dụng của mình.

Bên cạnh đó, có thể giúp các ngân hàng đa dạng hóa hoạt động cho vay, góp vốn vào nhiều hoạt động khác nhau của nền kinh tế, chứ không chỉ 1-2 lĩnh vực.

Hiện tại, cho vay bất động sản có những quy định rất chặt chẽ, cần có sự nới lỏng hơn nữa để các ngân hàng nước ngoài có thể phát triển, đáp ứng tốt các tiêu chí đề ra”, ông Nirukt nói.

Song song với đó, ông Nirukt cho rằng, cần thiết phải xây dựng khung khổ pháp lý của việc chuyển vốn. Làm thế nào để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao dịch tài chính giữa nội bộ của các doanh nghiệp quốc tế, toàn cầu, đa quốc gia đang hoạt động tại Việt Nam, nhằm giúp cho họ đa dạng hóa sản phẩm và tăng cường năng lực quản trị rủi ro trong kinh doanh.

“Chính phủ nên phân công cho các đơn vị liên quan ban hành những quy định cần thiết để cho phép các giải pháp này được thực hiện”, ông Nirukt nhấn mạnh.

Đề xuất về thủ tục e-KYC trong quy trình mở tài khoản, theo BWG, quy trình mở tài khoản truyền thống gồm có 2 bước mà các ngân hàng đều đang thực hiện: Mẫu chữ ký tươi và một buổi gặp mặt trực tiếp giữa nhân viên ngân hàng và khách hàng.

BWG đề nghị một số phương pháp mới để thực hiện 2 bước này dựa trên ứng dụng các công nghệ hiện đại, bảo mật và an toàn. BWG tin rằng, khách hàng và ngân hàng đều được bảo vệ bởi tính xác thực giao dịch được đảm bảo, đồng thời những quy trình cơ bản của việc mở tài khoản cũng được đảm bảo đầy đủ.

BWG phân tích, theo quy trình truyền thống, ngân hàng sẽ phải gặp mặt khách hàng trực tiếp để xác minh danh tính. Điều này dẫn đến tốn tiền và thời gian cho cả khách hàng và nhân viên ngân hàng khi phải di chuyển đến một địa điểm hẹn cụ thể.

“Với sự phát triển không ngừng của công nghệ hiện đại, chúng tôi nghĩ rằng, quá trình này có thể được thực hiện bằng một phương pháp khác trong thời gian thực mà vẫn đảm bảo tính an toàn cao nhất”, BWG nêu và chia sẻ ví dụ, khách hàng và nhân viên ngân hàng thực hiện xác thực danh tính qua việc gọi video (được chấp nhận trong liên minh châu Âu); khách hàng và nhân viên ngân hàng trao đổi qua cuộc gọi có chức năng ghi âm; một bên thứ ba được chỉ định sẽ có quyền thực hiện quá trình xác thực danh tính và ngân hàng có thể sử dụng để hoàn thiện quá trình nhận biết (KYC)…

Đối với vấn đề chữ ký trong mẫu đơn mở tài khoản, BWG cho biết, theo truyền thống, việc xác nhận giao dịch giữa ngân hàng và khách hàng được yêu cầu chữ ký tươi. Tuy nhiên, với sự phát triển của công nghệ, có nhiều cách khác nhau để xác nhận giao dịch giữa 2 bên mà BWG đưa ra để thay thế:

Khách hàng có thể ký trực tiếp trên ứng dụng (trên điện thoại) của ngân hàng; khách hàng chụp ảnh chữ ký của mình và đăng tải/gửi tới ngân hàng thông qua đường link bảo mật; khách hàng điền đơn online có sẵn ô tích trong việc chấp thuận cho ngân hàng và đồng ý với việc được hỗ trợ qua mã xác thực OTP; khách hàng có thể tải mẫu đơn online, ký và scan gửi lại ngân hàng; khách hàng có thể cung cấp chữ ký của mình qua DocuSign (các văn bản được mã hóa và lịch sử hoạt động/kiểm toán truy nguyên được duy trì).

“Với việc ứng dụng công nghệ hiện đại nhằm giảm thiểu rủi ro, BWG mong nhận được ý kiến của NHNN để trao đổi thêm về tính khả thi của đề xuất này”, BWG kiến nghị.

Ông Nirukt nhấn mạnh, BWG mong muốn Chính phủ tiếp tục thúc đẩy số hóa trong nền kinh tế. Trong quá trình đó, việc bảo vệ thông tin khách hàng là điều rất quan trọng.

Tuy nhiên, dự thảo về Luật An ninh mạng có những quan ngại, cần làm rõ hơn để đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp. BWG luôn đi đầu trong việc bảo vệ quyền lợi cho khách hàng, quy định chặt chẽ việc bảo vệ hiệu quả thông tin khách hàng, đông thời không ngừng nỗ lực hỗ trợ cho sự phát triển của nền kinh tế số.

“Chính phủ cần một cách tiếp cận tổng thể và hiệu quả trong lĩnh vực ngân hàng liên quan đến nền kinh tế số. NHNN đã có khung khổ quản lý rất chặt chẽ đối với ngành tài chính - ngân hàng, nhưng vẫn cần đảm bảo sự tuân thủ”, ông Nirukt nói.

Ngân hàng Nhà nước: Sẽ có những sửa đổi cụ thể

Phát biểu tại Diễn đàn, đại diện NHNN, bà Nguyễn Thị Hồng, Phó thống đốc chia sẻ, trong năm 2018, ngành ngân hàng đã làm tốt vai trò cung ứng tín dụng, thanh khoản đóng góp trực tiếp vào sự phát triển của nền kinh tế, góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ môm kiểm soát lạm phát.

Bên cạnh đó, NHNN tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu và xử lý nợ xấu hệ thống ngân hàng, tiếp tục hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý, đồng thời tích cực mở rộng hội nhập và tự do hoá tài chính hệ thống ngân hàng. Qua đó, hỗ trợ khả năng tăng cường hoạt động thị trường vốn và thị trường tín dụng chính thức.

“NHNN đã tích cực lắng nghe các đối tác, khẩn trương xử lý những vấn đề trong thẩm quyền của mình. Trong thời gian qua, NHNN đã phối hợp với BWG để ghi nhận, lắng nghe và đưa ra hướng xử lý đối với những vấn đề kiến nghị của nhóm”, bà Hồng nói và nêu ra 2 vấn đề chính là quản lý dòng tiền và chủ thể mở tài khoản.

Cụ thể, vấn đề quản lý dòng tiền đang được giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư là đầu mối phối hợp với các bộ, ngành có liên quan nghiên cứu, dự thảo.

Trong đó, NHNN sẽ nghiên cứu điều chỉnh hành lang pháp lý, ủy thác đầu tư, hợp tác kinh doanh với những tổ chức không phải tổ chức tín dụng.

Về chủ thể mở tài khoản, NHNN sẽ có buổi làm việc với Bộ Tư pháp để thống nhất vấn đề về cách hiểu của Bộ luật Dân sự.

Ngoài ra, các vấn đề khác như giao dịch ngoại hối hay số tiền thanh toán bằng chữ trên ủy nhiệm chi…, NHNN sẽ phối hợp với các cơ quan có liên quan để có những sửa đổi cụ thể trong thời gian tới.

Tin bài liên quan