Ảnh Internet

Ảnh Internet

Thông tư 36: nâng chuẩn an toàn cho thị trường tài chính

(ĐTCK) Chia sẻ với ĐTCK về việc chuẩn bị áp dụng Thông tư 36 và những tác động của thông tư này đến thị trường cũng như hoạt động của các ngân hàng, lãnh đạo nhiều nhà băng cho rằng, những quy định của Thông tư sẽ giúp các ngân hàng quản trị tốt rủi ro theo chuẩn, đồng thời sẽ thúc đẩy TTCK phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững hơn.

“Quy định tỷ lệ dư nợ cho vay là 80% phù hợp đặc thù thị trường Việt Nam”

Ông Đỗ Tuấn Anh, Thành viên HĐQT kiêm quyền Tổng giám đốc Techcombank

Thông tư 36 có quy định về tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi là 80% với ngân hàng TMCP, theo tôi là khá phù hợp với đặc thù thị trường Việt Nam. Hiện tỷ trọng cho vay trung, dài hạn của các ngân hàng chiếm khoảng 40 - 60% tổng tiền gửi, trong khi tỷ trọng huy động trung dài hạn chỉ chiếm 20 - 25%. Do vậy, cần thiết phải giới hạn tỷ lệ LDR (Loan/Deposit Ratio) <100%, nhằm kiểm soát rủi ro thanh khoản. Tỷ lệ LDR của toàn hệ thống ngân hàng đang duy trì quanh mức này, khoảng 82%.

Bên cạnh đó, Thông tư 36 nâng cao quy định về các tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của ngân hàng, nhằm giúp các ngân hàng tránh những rủi ro mất thanh khoản. Theo tôi, với các ngân hàng đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng, những quy định của Thông tư 36 hoàn toàn không ảnh hưởng tới hoạt động của ngân hàng, thậm chí còn có thêm cơ sở nắm bắt các cơ hội kinh doanh mới, đồng thời tạo tâm lý yên tâm hơn cho khách hàng gửi tiền.

Đối với Techcombank, luôn kiên định với định hướng phát triển bền vững dựa trên nền tảng an toàn về mặt rủi ro, đặc biệt vấn đề rủi ro tín dụng và thanh khoản. Tỷ lệ cho vay trên huy động hợp lý (luôn duy trì ở mức thấp so với hạn mức 80%) là một trong những yếu tố đảm bảo khả năng thanh khoản cao, tạo tiền đề để Techcombank nắm bắt các cơ hội kinh doanh. Ngân hàng đã sẵn sàng áp dụng các quy định mới của Thông tư 36.

“Hướng tới lộ trình áp dụng Basel II từ nay đến năm 2018”

Ông Trần Phương, Phó tổng giám đốc BIDV

Trong quá trình thực hiện Đề án tái cơ cấu các TCTD, có thể nói, Thông tư 36 là văn bản được thị trường tài chính nói chung và các TCTD nói riêng rất chờ đợi, là bước đi cần thiết nhằm tạo hành lang pháp lý chặt chẽ, đồng bộ cho hoạt động kinh doanh của các TCTD, giúp nâng cao tiêu chuẩn an toàn theo thông lệ quốc tế, phòng ngừa rủi ro hệ thống, hỗ trợ thị trường tài chính tiền tệ phát triển lành mạnh.

Về kết cấu và nội dung văn bản, Thông tư 36 mang chuẩn mực cao hơn, toàn diện hơn trong việc quy định 6 nhóm tỷ lệ, giới hạn an toàn đối với các TCTD.

Cụ thể, bổ sung khái niệm người có liên quan của cá nhân, tổ chức làm căn cứ duy trì, tính toán các giới hạn; bổ sung và xác định rõ giới hạn cấp tín dụng để đầu tư, kinh doanh cổ phiếu (tối đa 5% vốn điều lệ); nâng cao điều kiện được cấp tín dụng để đầu tư cổ phiếu (TCTD phải đảm bảo tỷ lệ nợ xấu dưới 3% thay vì 5% như quy định tại thông tư trước đó); quy định các tỷ lệ thanh khoản, khả năng chi trả, tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn, dài hạn phù hợp với từng loại hình TCTD; bổ sung giới hạn góp vốn, mua cổ phần của TCTD khác... 

Đặc biệt, Thông tư thể hiện tính tích cực qua định hướng, yêu cầu các TCTD nâng cao năng lực quản trị rủi ro, hướng tới lộ trình áp dụng Basel II từ nay đến năm 2018. Thông tư dành riêng một điều quy định các nội dung cơ bản về các văn bản quy định nội bộ mà các TCTD phải xây dựng, trong đó, điểm mới là hướng dẫn cụ thể về nội dung quy định nội bộ về đánh giá chất lượng tài sản có và tuân thủ tỷ lệ an toàn vốn.

Trong thời gian qua, BIDV đã chủ động áp dụng và đáp ứng các yêu cầu quy định của Thông tư 13, Thông tư 19, nên theo lộ trình 2 tháng tới khi Thông tư 36 chính thức có hiệu lực, Ngân hàng chắc chắn đáp ứng các điều kiện để áp dụng.

“TTCK sẽ phát triển ổn định và bền vững”

Tổng giám đốc một Ngân hàng TMCP

Thông tư 36 tập trung cho chất lượng của hệ thống, tính minh bạch bằng các quy định về tỷ lệ an toàn hơn về sở hữu, bên cạnh đó là hỗ trợ cho thị trường tiền tệ.

Liên quan đến TTCK, theo ước tính, tổng vốn điều lệ của toàn hệ thống NHTM hiện  vào khoảng 450.000 tỷ đồng, tổng mức dư nợ cấp tín dụng tối đa cho riêng đầu tư kinh doanh cổ phiếu (5% vốn điều lệ) sẽ tương đương khoảng 22.000 tỷ đồng. Trong khi đó, số dư cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán bao gồm cả cổ phiếu và trái phiếu được ước tính khoảng 17.000 tỷ đồng trên toàn thị trường, bao gồm cả phần cho vay từ nguồn vốn chủ sở hữu của CTCK. Như vậy, con số 5% vốn điều lệ vẫn đang lớn hơn nhiều số dư cho vay đầu tư kinh doanh chứng khoán hiện tại trên thị trường.

Thông tư 36 quy định điều kiện được cấp tín dụng để đầu tư cổ phiếu là TCTD phải đảm bảo tỷ lệ nợ xấu dưới 3%, đã thể hiện rất rõ định hướng của NHNN trong quản lý hoạt động cho vay đầu tư kinh doanh cổ phiếu tại các TCTD. Nói chung, về tỷ lệ giới hạn đưa ra, đối với TTCK có thể phần nào ảnh hưởng, tuy nhiên, như tôi đã phân tích ở trên, tác động của quy định này đến TTCK chỉ mang tính tâm lý, còn về bản chất, quy định này sẽ thúc đẩy TTCK phát triển lành mạnh, ổn định và bền vững hơn nhờ nguồn vốn đầu tư thực chất, vì mục đích phát triển DN. 

Trong quá trình nghiên cứu và tham gia ý kiến đối với Dự thảo Thông tư 36, các NHTM đã hình dung cơ bản được yêu cầu nội dung, khối lượng công việc cần triển khai, thậm chí cả về chi phí. Do vậy, tôi tin rằng những quy định mới tại Thông tư 36 khi có hiệu lực sẽ được triển khai bình thường tại các NHTM.

Tin bài liên quan