Đoàn công tác NHNN trong chuyến làm việc tại Thanh Hóa

Đoàn công tác NHNN trong chuyến làm việc tại Thanh Hóa

Thống đốc NHNN khuyến khích "có giải pháp cho vay tín chấp"

(ĐTCK) Tiếp nối những chuyến thực địa hoạt động ngành ngân hàng tại địa phương nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN, đầu tuần này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình đã làm việc tại tỉnh Thanh Hóa và vấn đề chính được đề cập là cho vay tín chấp.

DN “than” khó vay tín chấp

Ông Nguyễn Văn Đệ, Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Thanh Hóa, đại diện cho Tổng CTCP Đầu tư xây dựng cầu đường chia sẻ, theo quy định của các ngân hàng thương mại, việc vay vốn phải đáp ứng nhiều điều kiện, trong đó có điều kiện tài sản thế chấp, nhưng hiện các DN đang gặp nhiều khó khăn về vấn đề này.

Cụ thể, việc định giá tài sản thế chấp thường thấp hơn giá trị thực tế; đối với các DN vừa và nhỏ, tài sản thế chấp không có nhiều và không đủ để đáp ứng so với yêu cầu thế chấp để vay vốn.

“Đặc biệt, DN hoạt động trong lĩnh vực xây dựng cơ bản do việc thanh toán vốn đầu tư chậm nên hàng năm thường đọng lại 30 - 40% giá trị thực hiện mà Nhà nước và các chủ đầu tư còn nợ, nên rất khó khăn về nguồn vốn để hoạt động. Trong khi đó, các DN lại không được dùng chính giá trị sản lượng đã thực hiện để thế chấp vay vốn ngân hàng”, ông Đệ nói.

Cũng tương tự câu chuyện trên, đại diện CTCP Lợn giống Dân Quyền cho biết, Công ty là DN hoạt động trong lĩnh vực chăn nuôi lợn giống gốc, giá trị mỗi lợn nái là 15 triệu đồng, nhưng không được ngân hàng đưa vào tài sản đảm bảo để vay vốn. Đề nghị lãnh đạo NHNN có ý kiến để các ngân hàng thương mại xếp đàn lợn nái giống gốc vào loại tài sản đảm bảo, đúng với tinh thần ưu tiên đầu tư tín dụng cho phát triển nông nghiệp.

Ths. Nguyễn Hồng Phong, Chủ tịch Hội DN trẻ Thanh Hóa, Tổng giám đốc CTCP Công nông nghiệp Tiến nông cho rằng: “Hiện Nhà nước, Chính phủ đang khuyến khích phát triển DN nhỏ và vừa thì cần hỗ trợ, tạo động lực đặc biệt trong câu chuyện tín chấp, cần có những giải pháp tháo gỡ mạnh mẽ hơn”. Đồng thời, ông Phong cũng cho rằng, Nhà nước cần quan tâm hơn đến lực lượng DN trẻ, những người mới lập nghiệp kinh doanh nên còn nhiều khó khăn, bỡ ngỡ. 

…quan trọng là DN có đề án hiệu quả

Về vấn đề khó khăn vay vốn, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình phân tích, bản thân DN có đề án nhưng chưa chắc đề án đó sẽ thành hiện thực, mong muốn không phải lúc nào cũng đi đôi với thực tế cuộc sống.

“Ngân hàng cần phải chia sẻ với DN nhưng chúng ta phải nói thẳng với nhau, bản chất ngân hàng lấy tiền của người dân cho vay lại, nên dù ngân hàng có muốn đồng hành với DN bao nhiêu đi chăng nữa thì cũng phải thẩm định chặt chẽ. Do đó, điều này DN cũng cần chia sẻ với ngân hàng hơn”, ông Bình nói.

Bên cạnh đó, Thống đốc cũng gợi ý, DN trẻ có khẩu hiệu rất đúng là phải liên tục đổi mới, hội nhập sâu sắc, nhưng cần phải làm theo chứ không thể chỉ nói mà không làm. Cái được của DN trẻ là ý chí, sự dấn thân, nhưng đó mới chỉ là điều kiện cần, còn cần thêm tài năng và kinh nghiệm kinh doanh. Muốn làm giàu hiện nay thì ngoài ý chí, còn phải học hành, làm ăn theo nguyên tắc, bài bản.

Thống đốc dẫn giải, có những DN hiện tại rất giàu bởi chạy xin được một mảnh đất, trao đi đổi lại, nhưng đó là cái giàu không bền vững. Thời buổi hiện nay phải làm ăn, kinh doanh bài bản, không thể chụp giật và tuân thủ theo đúng quy định của thị trường, từng bước xây dựng giá trị thương hiệu. Hệ thống ngân hàng không thiếu tiền, nhưng cho ai vay, vay bao nhiêu thì phải cân nhắc. Ban lãnh đạo NHNN vẫn chưa muốn lãi suất tăng lên nên vẫn để các ngân hàng dư tiền, có điều kiện giảm lãi suất, vậy vấn đề là làm sao các DN phải tốt lên để có đủ điều kiện vay vốn.

“Ngân hàng còn thừa tiền đến mức mua trái phiếu chính phủ, lãi suất 7 - 7,5%/năm, mua hơn 200.000 tỷ đồng trái phiếu tính đến thời điểm này, cho thấy câu chuyện ở đây không phải là lãi suất hay thiếu tiền. Tại sao ngân hàng không cho DN vay mà lại mua trái phiếu? Là do thiếu DN tốt, làm ăn bài bản…, nên chúng ta cần phải cùng hợp tác trong xử lý câu chuyện cung - cầu vốn”, Thống đốc nhấn mạnh. 

Cho vay tín chấp sẽ được thực hiện rộng rãi hơn

Liên quan đến vấn đề cho vay tín chấp, Thống đốc Bình cho biết, NHNN đang xây dựng nghị định mới về cho vay tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn, Nghị định 41 ra đời năm 2008 thì đến năm vừa rồi sơ kết 5 năm cho thấy, cơ chế này đã phát huy hiệu quả lớn với tổng dư nợ nông nghiệp tăng 2,5 lần. GDP trước đây tăng bao nhiêu thì tỷ trọng nông nghiệp giảm bấy nhiêu, nhưng nay thì nông nghiệp duy trì 19 - 20% GDP và hiện nay tỷ trọng cho vay nông nghiệp cũng chiếm 20% tổng dư nợ.

“Tuy nhiên, Nghị định cũng bộc lộ hạn chế bởi nó phù hợp với nền nông nghiệp dựa vào hộ gia đình, còn muốn sản xuất lớn, áp dụng cơ khí hóa vào sản xuất nông nghiệp thì văn bản này còn nhiều bất cập liên quan đến việc đưa đất của người nông dân đi thế chấp ngân hàng, trong khi lĩnh vực này ngân hàng phải cho vay tín chấp dựa trên đề án hiệu quả”, Thống đốc thừa nhận.

Hiện các ngân hàng cũng chủ động đăng ký với Chính phủ thực hiện thí điểm chương trình sản xuất nông nghiệp áp dụng công nghệ cao, xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp theo chuỗi… trên 8 tỉnh thành, DN được vay theo mô hình mới. Theo đó, chương trình có nguồn vốn khoảng 300 tỷ đồng, trong đó 200 tỷ đồng đầu tư trung và dài hạn, 100 tỷ đồng vốn lưu động thì ngân hàng cho vay ngay. DN có tài sản bao nhiêu thì thế chấp còn lại là tín chấp để chủ động kế hoạch sản xuất của mình, không bị ảnh hưởng bởi những biến động về nguồn vốn.

Thống đốc cho biết: “Hiện đang làm thí điểm khoảng 20 - 25 DN, dự kiến kết thúc thí điểm vào khoảng cuối năm sau để tổng kết sửa đổi Nghị định 41 sẽ rút kinh nghiệm rồi thực hiện đại trà”.

Cũng trong câu chuyện này, ông Tiết Văn Thành, Quyền Tổng giám đốc Agribank cho biết thêm, về cơ bản, Agribank sẵn sàng giải quyết trên cơ sở tính toán chi phí sản xuất, dự án mang lại hiệu quả cao bởi trên thực tế, cho vay có tài sản đảm bảo nhưng dự án không hiệu quả khiến việc thu hồi nợ khá khó khăn.

“Cho vay tín chấp của Agribank tại mỗi địa phương đều dựa vào các đoàn thể hay cho vay trực tiếp. Ước tính, đến thời điểm hiện nay, cho vay tín chấp của Ngân hàng đạt khoảng 61.000 tỷ đồng, khoảng 2 triệu hộ, chiếm xấp xỉ 30% tổng dư nợ”, ông Thành nói.  

Tin bài liên quan