Số cặp các tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp vào năm 2012 xuống còn 1 cặp. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp đã giảm từ 56 cặp năm 2012 xuống còn 2 cặp tại 2 ngân hàng thương mại cổ phần.

Số cặp các tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp vào năm 2012 xuống còn 1 cặp. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp đã giảm từ 56 cặp năm 2012 xuống còn 2 cặp tại 2 ngân hàng thương mại cổ phần.

Thống đốc Lê Minh Hưng: Chỉ đạo quyết liệt xử lý sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng

(ĐTCK) Xử lý ngân hàng yếu kém, sở hữu chéo chậm… là những vấn đề “nóng” đại biểu Quốc hội chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, tại Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội đang diễn ra.

Đến năm 2020 phải xử lý dứt điểm sở hữu chéo

Cũng giống như một số kỳ họp của Quốc hội gần đây, sở hữu chéo tiếp tục là nội dung “nóng” được đại biểu Quốc hội chất vấn Thống đốc Lê Minh Hưng.

Thông đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng

“Theo Nghị quyết 55/2017 của Quốc hội về hoạt động chất vấn tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIV, yêu cầu tiếp tục rà soát, xử lý dứt điểm tình trạng sở hữu chéo, bảo đảm trật tự kỷ cương và an toàn trong hoạt động ngân hàng, chủ động kiểm soát tín dụng ở một số ngành, lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro. Vậy xin Thống đốc Ngân hàng cho biết tỷ lệ vay vào lĩnh vực chứng khoán, bất động sản… như thế nào và việc xử lý sở hữu chéo tại các ngân hàng thương mại ra sao?”, đại biểu Quốc hội Nguyễn Văn Dành (Bình Dương) chất vấn.

Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, số cặp các tổ chức tín dụng sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau đã giảm từ 7 cặp vào năm 2012 xuống còn 1 cặp. Sở hữu cổ phần trực tiếp lẫn nhau giữa ngân hàng và doanh nghiệp đã giảm từ 56 cặp năm 2012 xuống còn 2 cặp tại 2 ngân hàng thương mại cổ phần. Hiện số lượng tổ chức tín dụng có cổ đông là tổ chức sở hữu cổ phần vượt 15% vốn điều lệ đã giảm từ 19 tổ chức tín dụng năm 2012 xuống còn 4 tổ chức tín dụng.

“Vừa qua, chúng tôi cũng chỉ đạo rất quyết liệt để xử lý vấn đề sở hữu chéo trực tiếp lẫn nhau. Tuy nhiên, cũng do việc thoái vốn còn phụ thuộc vào tìm đối tác. Chủ yếu nắm giữ ở các ngân hàng là các doanh nghiệp nhà nước đang thực hiện lộ trình cơ cấu lại, cũng như cổ phần hóa cho nên việc thoái vốn của các doanh nghiệp nhà nước tại các ngân hàng cũng phải chọn thời điểm và giá cả để đảm bảo lợi ích của nhà nước…”, ông Hưng nói.

Tư lệnh ngành Ngân hàng cho biết thêm, tất cả những vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước đã nhận biết và theo chỉ đạo của Chính phủ tại Đề án 1058 (Quyết định 1058/2017 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 – 2020), chúng tôi đã yêu cầu các tổ chức tín dụng xây dựng lộ trình và phương án cơ cấu lại của từng ngân hàng, từ nay đến năm 2020 phải xử lý dứt điểm các vấn đề về sở hữu chéo, cũng như sở hữu vượt tỷ lệ cổ phần theo quy định của pháp luật.

Kiểm soát chặt tín dụng chảy vào lĩnh vực “nóng”

Trả lời chất vấn đại biểu Quốc hội về giải pháp kiểm soát tín dụng chảy vào một số lĩnh vực nhạy cảm như chứng khoán, bất động sản…, ông Hưng cho biết, dư nợ tín dụng đối với kinh doanh bất động sản cho đến cuối tháng 8/2018 tăng 5,2% so với cuối năm 2017. Tốc độ này thấp hơn tốc độ tăng trưởng tín dụng chung của toàn ngành và tín dụng cho kinh doanh bất động sản chiếm tỷ trọng 7,4%. Cùng kỳ năm 2017, tăng 9,79% và chiếm tỷ trọng khoảng 6,7%.

Dư nợ tín dụng để đầu tư kinh doanh chứng khoán tăng 1,7% so với năm 2017 và chỉ chiếm tỷ trọng 0,36%.

“Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát rất chặt chẽ tín dụng vào những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro thông qua việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật như: tăng hệ số tỷ lệ an toàn đối với các khoản cho vay bất động sản, cũng như kiểm soát chặt chẽ dư nợ và tiến hành tập trung thanh tra để cảnh báo các tổ chức tín dụng còn tiềm ẩn rủi ro này…”, ông Hưng khẳng định.

Xử lý ngân hàng yếu kém chậm

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Yến (Bà Rịa - Vũng Tàu) về tình trạng xử lý ngân hàng yếu kém chưa đạt yêu cầu, Thống đốc Lê Minh Hưng, thừa nhận: đúng là tiến trình chậm, vì trên cơ sở chủ trương cửa Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đang phải tiến hành để định giá các ngân hàng này và đàm phán lần cuối với các nhà đầu tư…

“Quá trình đàm phán với các nhà đầu tư, đặc biệt là các phương án cụ thể để tham gia của họ vào xử lý các ngân hàng này mất thời gian. Trên cơ sở cam kết của các nhà đầu tư, định hướng của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong thời gian tới sẽ hoàn thiện phương án chi tiết để báo Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt để tổ chức thực hiện phương án cơ cấu lại các ngân hàng yếu kém này...”, ông Hưng cho hay.

Tuy nhiên, tư lệnh lĩnh vực ngân hàng khẳng định, việc triển khai trong thời gian vừa qua là rất quyết liệt và đã đạt được những kết quả khá tích cực. Nghị quyết 42/2017 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng, mới có hiệu lực từ 15/8/2017 và thời gian tổ chức thực hiện mới hơn một năm.

Sác tổ chức tín dụng đã xử lý số nợ xấu khoảng 140.000 tỷ đồng. Riêng công ty VAMC đã xử lý được khoảng 95.000 tỷ đồng số đã mua.    

Vào cuối tháng 9/2018 chúng tôi đã tổ chức sơ kết một năm việc triển khai Nghị quyết 42 của Quốc hội cũng như triển khai Đề án 1058. Kết quả đạt được về xử lý nợ xấu là rất tốt.

Trong vòng hơn một năm, các tổ chức tín dụng đã xử lý số nợ xấu mà như báo cáo Quốc hội là khoảng 140.000 tỷ đồng. Riêng công ty VAMC đã xử lý được khoảng 95.000 tỷ đồng số đã mua.

Số liệu nợ xấu và các khoản tiềm ẩn trở thành nợ xấu khi báo cáo Quốc hội cuối năm 2016 là 10,08%. Đến cuối năm 2017, số liệu tổng thể các khoản nợ xấu khoảng 7,7%. Đến tháng 6/2018 đã đưa số liệu nợ xấu, tổng thể các khoản nợ xấu xuống còn khoảng 6,7%. Nợ xấu nội bảng là 2,09%.

“Chúng tôi cho rằng kết quả là rất tích cực. Nhưng quá trình vừa rồi sơ kết việc triển khai Nghị quyết 42 cũng cho thấy một số tồn tại khó khăn, hạn chế liên quan đến các bộ, ngành và một số địa phương.

Tới đây tiếp tục phối hợp với các bộ như Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp, các địa phương và đặc biệt là tòa án nhân dân các cấp để triển khai quyết liệt hơn nữa, xử lý những vấn đề tồn tại trong quá trình phối hợp giữa các cơ quan. Qua đó tiến trình xử lý nợ xấu sẽ đạt kết quả tốt hơn trong thời gian tới…”, ông Hưng tin tưởng.

Tin bài liên quan