Nếu ngân hàng không thực hiện thanh toán bảo lãnh, bên thụ hưởng có quyền khởi kiện ra tòa án mà không cần xác định lỗi của bên vi phạm

Nếu ngân hàng không thực hiện thanh toán bảo lãnh, bên thụ hưởng có quyền khởi kiện ra tòa án mà không cần xác định lỗi của bên vi phạm

Thoái thác chứng thư bảo lãnh thanh toán: Ngân hàng làm trái luật

(ĐTCK) Thực tế cho thấy, mặc dù đã phát hành chứng thư bảo lãnh với cam kết “không hủy ngang”, “thanh toán vô điều kiện”, song vẫn có ngân hàng tìm cách thoái thác trách nhiệm với bên thụ hưởng.

Hồi cuối tháng 4 vừa qua, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án tranh chấp hợp đồng bảo lãnh giữa Công ty Posco (Hàn Quốc) và Ngân hàng X.

Posco là nhà thầu chính thực hiện gói thầu A5, thuộc Dự án Đường cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi (chủ đầu tư là Tổng công ty Phát triển đường cao tốc Việt nam – VEC).

CTCP Hạ tầng Thiên Ân và Tổng CTCP Xuất nhập khẩu và xây dựng Việt Nam (Vinaconex) thành lập Liên doanh làm nhà thầu phụ cho Posco. Năm 2015, Posco và Liên doanh ký hợp đồng thầu phụ, thời gian thực hiện từ ngày 22/12/2014 đến ngày 24/5/2017.

Theo đó, Posco chuyển cho Liên doanh khoản tiền hơn 77,3 tỷ đồng vào tài khoản ngân hàng. Theo yêu cầu của Liên doanh, Ngân hàng X phát hành 2 chứng thư bảo lãnh thanh toán (giá trị 77,3 tỷ đồng và 33 tỷ đồng), bên thụ hưởng là Posco.

Với 2 chứng thư bảo lãnh này, Ngân hàng X đều cam kết không hủy ngang và thanh toán vô điều kiện ngay khi nhận được văn bản đầu tiên thể hiện bên B không thực hiện đúng nghĩa vụ, mà không cần bất cứ bằng chứng hay điều kiện nào khác.

Thư bảo lãnh là văn bản pháp lý đơn phương của ngân hàng. Các cam kết như không hủy ngang, thanh toán vô điều kiện được gọi là hành vi pháp lý đơn phương theo Bộ luật Dân sự và có hiệu lực pháp luật

Theo đơn khởi kiện của Posco, Liên doanh nhiều lần vi phạm nghĩa vụ, buộc Ban Quản lý dự án và đơn vị tư vấn giám sát của chủ đầu tư yêu cầu Posco phải chấm dứt hợp đồng thầu phụ với Liên doanh do sự chậm trễ trong thi công gói thầu A5.

Vì vậy, Posco đã chấm dứt hợp đồng thầu phụ với Liên doanh, đồng thời gửi công văn yêu cầu Ngân hàng X thanh toán bảo lãnh.

Tuy nhiên, Ngân hàng X đã thoái thác, trì hoãn việc thanh toán. Do đó, Posco khởi kiện ra tòa án, với yêu cầu Ngân hàng phải thanh toán bảo lãnh tổng số tiền là 109,7 tỷ đồng.

Trong khi đó, Liên doanh khẳng định, không vi phạm hợp đồng và hiện cũng khởi kiện Posco ra Trung tâm Trọng tài quốc tế (VIAC) tại TP.HCM yêu cầu thanh toán chi phí phí chờ, tạm dừng thi công...

Cả Liên doanh và Ngân hàng X cùng cho rằng, chưa xác định được các khoản tiền tạm ứng hoàn trả giữa kỳ để làm căn cứ đối chiếu số tiền bảo lãnh.

Các bên đề nghị tòa tạm đình chỉ giải quyết vụ việc để chờ kết quả của VIAC. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử bác bỏ yêu cầu này vì xác định, đây là 2 quan hệ pháp luật khác nhau. Đồng thời, buộc Ngân hàng X có nghĩa vụ thanh toán bảo lãnh cho Posco số tiền 97,7 tỷ đồng.

Thực tế cũng cho thấy, việc thu thập, chứng minh chứng cứ để xác định lỗi của bên vi phạm là không đơn giản. Điển hình như vụ việc của Tổng công ty Phát triển hạ tầng và đầu tư tài chính Việt Nam (Vidifi), chủ đầu tư Dự án Đường cao tốc Hà Nội-Hải Phòng.

Cuối năm 2015, tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng đã thông và thu phí, nhưng Vidifi vẫn chưa đòi được tiền bảo lãnh liên quan đến hạng mục mua thép ký kết với CTCP Công nghiệp nặng Cửu Long (số lượng 40.000 tấn, mức giá 10,6 triệu đồng/tấn).

Ngân hàng Y đã phát hành thư bảo lãnh cho Công ty Cửu Long số tiền 53 tỷ đồng, thời hạn đến hết ngày 31/12/2011 và cam kết không hủy ngang.

Trong quá trình thực hiện hợp đồng, do Công ty Cửu Long không giao hàng đúng tiến độ, nên Vidifi buộc phải giao cho các nhà thầu khác mua thép bổ sung. Vidifi khởi kiện đòi Ngân hàng Y thanh toán tiền bảo lãnh 53 tỷ đồng và lãi chậm thanh toán 20 tỷ đồng.

Bằng chứng Vidifi đưa ra là văn bản chấm dứt hợp đồng, đồng thời chứng minh thiệt hại phát sinh là mức bù giá thanh toán cho các nhà thầu khác. Tuy nhiên, Ngân hàng Y cho rằng, Vidifi và Công ty Cửu Long tự ý ký thêm phụ lục hợp đồng mà không thông báo, làm gia tăng trách nhiệm nghĩa vụ của Ngân hàng.

Trong vụ việc này, Tòa án nhân dân TP.Hà Nội xác định cấp sơ thẩm có thiếu sót trong thu thập chứng cứ, chưa làm rõ các khoản thiệt hại phát sinh, văn bản 2 bên đơn phương chấm dứt hợp đồng..., nên tuyên hủy bản án sơ thẩm, xét xử lại từ đầu.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Thái (Công ty Luật Bross và Cộng sự), thư bảo lãnh là văn bản pháp lý đơn phương của ngân hàng. Các cam kết như không hủy ngang, thanh toán vô điều kiện được gọi là hành vi pháp lý đơn phương theo Bộ luật Dân sự và có hiệu lực pháp luật.

Khi xảy ra sự kiện bảo lãnh, theo các cam kết đưa ra, ngân hàng phải chuyển tiền cho bên thụ hưởng. Nếu ngân hàng không thực hiện, bên thụ hưởng có quyền khởi kiện ra tòa án mà không cần xác định lỗi của bên vi phạm.

Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, ngân hàng yêu cầu cung cấp chứng cứ chứng minh bên được bảo lãnh vi phạm hợp đồng. Lúc này, ngân hàng đã vi phạm cam kết, khi biến thư bảo lãnh “vô điều kiện” thành “có điều kiện”. Về mặt pháp lý, ngân hàng làm như vậy là trái luật.  

Tin bài liên quan