Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối kinh doanh ngoại hối và thị trường vốn HSBC Việt Nam

Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối kinh doanh ngoại hối và thị trường vốn HSBC Việt Nam

Thị trường tiền tệ sẽ không chịu tác động quá đột biến khi Fed tăng lãi suất

Fed đã quyết định tăng lãi suất lần thứ 4 trong năm 2018 với mức tăng 25 điểm phần trăm, lên 2,25 - 2,50%/năm. Quyết định này có tác động như thế nào tới thị trường tiền tệ trong nước?
Ông Ngô Đăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối kinh doanh ngoại hối và thị trường vốn HSBC Việt Nam cho biết, đúng như kỳ vọng rộng rãi của thị trường cũng như các tín hiệu rất rõ ràng từ các thành viên của Ủy ban Thị trường Mở Liên bang (FOMC) đưa ra trước đó, Ủy ban đã quyết định nâng phạm vi lãi suất chuẩn 25 điểm phần trăm lên mức 2,25-2,50% trong cuộc họp thường kỳ tháng 12 đêm qua (giờ Việt Nam) với mức phiếu tuyệt đối 10-0.
Tuy nhiên, về định hướng, dự phóng bình quân lãi suất mà Ủy ban đưa ra trong thời gian tới đã thấp hơn 25 điểm phần trăm cho các năm 2019, 2020 và 2021, đồng nghĩa với việc hạ dự báo tăng lãi suất từ 3 lần xuống còn 2 lần cho năm 2019 – cho thấy sự thay đổi theo hướng ôn hòa hơn.

Sự thay đổi về định hướng lãi suất này cũng nằm trong dự báo của thị trường, câu hỏi duy nhất là Fed sẽ điều chỉnh ở mức nào.

Trong lần điều chỉnh này, sự thay đổi có phần ít “bồ câu” (“dovish”) hơn so với một số dự kiến khi Fed đã giữ lại phần lớn từ ngữ trong tuyên bố trước đó. Một điểm lưu ý có phần thận trọng cũng được thêm vào trong tuyên bố chính sách.

Đó là, Ủy ban hiện có kế hoạch “theo dõi sự phát triển tài chính toàn cầu và đánh giá tác động đối với triển vọng kinh tế”. Nội dung tương tự đã từng được đưa vào tuyên bố chính sách vào tháng 1/2016 trong bối cảnh giá hàng hóa và hoạt động kinh tế đều suy giảm mạnh trong năm 2015.

Việc căn cứ vào các điều kiện kinh tế tài chính toàn cầu cho thấy rằng Ủy ban sẽ hạn chế tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa nếu những biến động rủi ro trong thị trường tài chính toàn cầu vẫn tiếp diễn.  

Về phản ứng của thị trường, đặc biệt là thị trường ngoại hối, đồng bạc xanh trên thị trường quốc tế sẽ không có nhiều phản ứng đáng kể với các tuyên bố chính sách từ cuộc họp của Fed khi những nội dung này đã nằm trong kỳ vọng trước đó của thị trường.

Trong khi đồ thị điểm (“dot-plot”) thể hiện một chút thay đổi, Fed đã không đưa ra tuyên bố nào bất ngờ hoặc ít “diều hâu” (“hawkish”) hơn hôm nay.

Tương tự, ông Khoa cho rằng, thị trường tài chính tiền tệ trong nước sẽ không chịu tác động nào quá đột biến từ động thái mới nhất của Fed.

Trong thời gian gần đây, Ngân hàng nhà nước (NHNN) đã có những biện pháp điều hành chính sách linh hoạt thông qua các công cụ và sản phẩm trên cả kênh tỷ giá và lãi suất để ổn định thị trường.  

Tuy nhiên, theo ông Khoa, về triển vọng trung dài hạn, với việc Fed dự báo tiếp tục tăng lãi suất trong năm tới, áp lực lên mặt bằng lãi suất, đặc biệt là lãi suất USD sẽ tiếp tục tồn tại, và điều này cũng sẽ tạo áp lực về tăng lãi suất đối với Việt Nam trong bối cảnh NHNN cố gắng duy trì mức chênh lệch lãi suất USD-VND ở mức hợp lý nhằm tránh tạo áp lực lên tỷ giá.

Bên cạnh đó, nhìn chung trong năm 2019 đồng USD được dự báo sẽ tiếp tục mạnh hơn đồng nghĩa với tỷ giá USD/VND trong nước sẽ tiếp tục chịu áp lực tăng giá.

Áp lực này cũng đồng thời gián tiếp đến từ biến động của đồng Nhân dân tệ (NDT) trong bối cảnh diễn biến thị trường quốc tế tiếp tục biến động khó lường. Với chính sách tiền tệ đã và đang được điều hành linh hoạt, các biện pháp điều hành trên thị trường cần dung hòa được các yếu tố tăng trưởng kinh tế đồng thời đảm bảo ổn định vĩ mô.

Tin bài liên quan