Thị trường ngoại tệ rơi vào trầm lắng

Thị trường ngoại tệ rơi vào trầm lắng

(ĐTCK) Tỷ giá ổn định là cơ hội để NHNN tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là thời điểm thích hợp để thu hẹp trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng từ 30% xuống 20%.

Thông tin từ Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến cuối tháng 2, tiền gửi bằng ngoại tệ giảm 0,81%, tín dụng bằng ngoại tệ giảm 1,11%. Nguồn cung ngoại tệ dồi dào khiến thanh khoản ngoại tệ của hệ thống ngân hàng được cải thiện. Nhờ vậy, suốt từ 24/12/2011 đến nay, tỷ giá bình quân liên ngân hàng cố định ở mức 20.828 VND/USD, nhưng tỷ giá giao dịch của các NHTM chỉ xoay quanh mức 20.790/20.850 VND/USD.

Tỷ giá ổn định là cơ hội để NHNN tăng dự trữ ngoại hối quốc gia. Đầu tuần trước, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình cho biết, dự trữ ngoại hối tính đến nay tăng khoảng 30% so với cuối năm 2011 và cuối năm 2011 cũng đã tăng khoảng 50% so với đầu năm 2011.

“Đây là thời điểm thích hợp để thu hẹp trạng thái ngoại tệ của các tổ chức tín dụng (TCTD) từ 30% xuống 20%, nhằm tập trung ngoại tệ vào NHNN để tiếp tục tăng dự trữ, tăng khả năng kiểm soát, đảm bảo nguồn ngoại hối được chủ động, cân đối, không bị lãng phí…, giúp ổn định thị trường ngoại hối”, TS. Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc NHNN nhận định.

Tỷ giá ổn định là cơ hội để NHNN tăng dự trữ ngoại hối quốc gia

Theo ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Quốc tế (VIB), hiện nay, các NHTM hầu như có 2 chốt chặn trong hoạt động ngoại hối. Thứ nhất là quy định theo luật pháp. Thứ hai, tự bản thân các NHTM cũng phải cân đong đo đếm định lượng được rủi ro để duy trì thái ngoại tệ. Tùy điều kiện hoặc từng thời điểm mà ngân hàng đưa ra mức được dương và âm trạng thái là bao nhiêu.

“Tôi cho rằng, việc giảm trạng thái ngoại hối từ 30% xuống 20% là hợp lý ở thời điểm này, bởi việc cắt giảm không ảnh hưởng nhiều đến hoạt động ngoại hối. Đồng thời, quyết định này sẽ giúp thị trường lành mạnh hơn”, ông Trung nói.

Một chuyên gia ngân hàng phân tích, NHNN vừa ban hành Thông tư số 03/2012/TT-NHNN, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 2/5/2012, nhằm thu hẹp đối tượng có thể vay nằm trong mục đích đảm bảo tăng trưởng tín dụng ngoại tệ phù hợp khả năng huy động. Đặc biệt, tiến tới chỉ còn vấn đề về mua bán ngoại tệ, chứ không có cho vay và gửi tiền, nhằm hoàn thành chủ trương hạn chế tình trạng đô - la hóa ở Việt Nam. Trong cùng chiều hướng như vậy, nếu để các ngân hàng rộng rãi trong vấn đề giao dịch ngoại hối, thì NHNN khó kiểm soát hơn. Nếu giới hạn trạng thái ngoại hối xuống 20%, NHNN sẽ kiểm soát được các giao dịch ngoại hối của các NHTM, qua đó, giảm thiểu được tình trạng đô- la hóa. “Tôi đồng ý với NHNN nếu ra quyết định này”, vị chuyên gia trên nói.

Báo cáo mới nhất về kinh tế vĩ mô - triển vọng thị trường Việt Nam số tháng 3/2012 của Khối Nghiên cứu kinh tế của Ngân hàng HSBC nhận định, với lãi suất VND đang giảm dần, sẽ không còn nhiều động cơ để vay USD trong tương lai, điều này tạo nên nhân tố ngắn hạn thay vì chỉ số dài hạn cho VND. Hơn thế nữa, NHNN đã thông báo, kể từ 2/5/2012, các nhà nhập khẩu sẽ không được vay bằng đồng ngoại tệ, trừ khi đã có sẵn lượng ngoại tệ từ nguồn thu sản xuất kinh doanh để trả nợ.

“Vì vậy, NHNN cần phải bổ sung nguồn USD của mình trong thị trường giao ngay”, báo cáo của HSBC khuyến nghị. Rõ ràng, thu hẹp trạng thái ngoại tệ là một trong những kênh bổ sung vào nguồn USD dự trữ.

Tuy nhiên, báo cáo cũng vẫn quan ngại các khoản vay USD có thể sẽ tăng lên bởi hiện tượng “carry trade”, khi lãi suất huy động VND ở mức cao trong khi tỷ giá ổn định, thậm chí có xu hướng giảm và lãi suất cho vay USD vẫn thấp hơn so với lãi suất cho vay đồng Việt Nam. Bên cạnh đó, lãi suất USD trên thị trường quốc tế đang ở mức thấp có thể xuất hiện dòng vốn nước ngoài chảy vào Việt Nam để hưởng chênh lệch lãi suất qua các kênh ủy thác đầu tư... Khi những khoản vay này đáo hạn trong khoảng 6 tháng nữa, có thể sẽ tạo thêm nhiều áp lực lớn lên thị trường giao ngay USD/VND ở hướng mua USD, vì USD vẫn rất cần để trả nợ.

TS. Vũ Đình Ánh cho rằng, thời điểm này, giảm trạng thái ngoại tệ cũng hợp lý, nhưng vấn đề là làm thế nào để không tạo ra áp lực lạm phát. Cụ thể, NHNN có thể xem xét thay thế công cụ trực tiếp mua vào USD nhằm tăng dự trữ ngoại hối bằng các công cụ khác, cho phép vẫn sử dụng có hiệu quả nguồn ngoại tệ dồi dào, song không làm tăng nhanh khối lượng VND trên thị trường, chẳng hạn như phát hành tín phiếu, trái phiếu bằng ngoại tệ thay vì bằng VND, tranh thủ trả nợ nước ngoài nhằm giảm gánh nặng nợ, khuyến khích đầu tư trực tiếp và gián tiếp ra nước ngoài…

Phần lớn ý kiến đều nhận định, thu hẹp trạng thái ngoại tệ xuống 20% là thích hợp tại thời điểm hiện nay. Tuy nhiên, đằng sau quyết định này không phải không có hệ lụy. Ví dụ, các NHTM cảm thấy “bó tay” nhiều hơn trong vấn đề giao dịch ngoại hối. Trong khi đó, đối với nền kinh tế mở, tác dụng của việc này không tốt. Bởi nền kinh tế càng ngày càng mở, xuất nhập khẩu càng nhiều, giao dịch với thị trường quốc tế càng tăng…, nếu ngân hàng không có room lớn đủ để giao dịch với thế giới bên ngoài, thì điều này ảnh hưởng tới nền kinh tế.

“Nhưng khi lựa chọn hoặc là để room cho các ngân hàng giao dịch nhiều hơn trên thị trường quốc tế hay muốn giảm đô - la hóa, thì tôi cho rằng, việc giảm đô- la hóa là vấn đề cần thiết hơn”, một chuyên gia kinh tế nhấn mạnh.