“Thị trường ngân hàng bán lẻ Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong vài năm tới”

“Thị trường ngân hàng bán lẻ Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong vài năm tới”

(ĐTCK) Đó là nhận định của ông Rahn Wood, Giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ VIB trong cuộc phỏng vấn với ĐTCK về xu hướng của thị trường này.

Nhiều ngân hàng đang tập trung vào thị trường bán lẻ, ông đánh giá như thế nào về xu hướng của thị trường này?

Chúng tôi tin rằng, năm 2014, nền kinh tế sẽ cải thiện và ổn định hơn so với những năm vừa qua. Các ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cho vay tiêu dùng và kinh doanh cá thể. Dịch vụ thanh toán qua thẻ sẽ được các ngân hàng đẩy mạnh thông qua liên kết với hệ thống điểm thanh toán như: công ty game, mua bán trực tuyến, thanh toán hóa đơn điện…

Bên cạnh đó, với đặc thù của một quốc gia đang phát triển: thu nhập trung bình thấp, hệ thống ngân hàng còn sơ khai, nhu cầu tài chính và dịch vụ thanh toán tăng theo cấp số nhân, chắc chắn thị trường ngân hàng bán lẻ ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh. Điều này mở ra cơ hội lớn cho các NHTM nhằm giúp người tiêu dùng gia tăng giá trị tài sản và quản lý tốt hoạt động kinh doanh, cũng như thực hiện các hoạt động thanh toán hàng ngày. Thị trường ngân hàng bán lẻ Việt Nam sẽ phát triển mạnh trong vài năm tới.

Cơ hội và thách thức cho các NHTM trong thị trường này là gì, theo ông?

Trong khi nhu cầu thanh toán dùng tiền mặt vẫn còn phổ biến thì ngày càng có nhiều người tiêu dùng, cũng như các DN muốn sử dụng phương thức thanh toán tiện dụng hơn như thanh toán trực tuyến. Đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với các ngân hàng trong việc xây dựng hệ thống cơ sở hạ tầng hiệu quả để đáp ứng xu thế thanh toán hiện đại này.

Bên cạnh đó, các ngân hàng sẽ có cơ hội làm việc với những nhà hoạch định chính sách nhằm phát triển nhiều hơn nữa các sản phẩm giúp người tiêu dùng gia tăng giá trị tài sản của họ bằng cách đầu tư trực tiếp, hoặc sử dụng vốn vay một cách có chọn lọc để đầu tư vào các tài sản sinh lời như bất động sản hoặc mở rộng kinh doanh.

Để gia tăng thị phần trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt hiện nay, các ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng nội cần chú trọng yếu tố nào?

Các ngân hàng nên xây dựng kênh thanh toán điện tử; tập trung giúp người tiêu dùng gia tăng giá trị tài sản; đẩy mạnh cho vay trực tiếp tới phân khúc khách hàng và các DN có thu nhập trung bình khá và ổn định; hoàn thiện hệ thống quy trình đơn giản, thuận tiện; có các sản phẩm, dịch vụ sáng tạo, phù hợp với nhu cầu của đại bộ phận dân số trẻ; cải thiện chất lượng nguồn nhân lực và dịch vụ.

Tại VIB, chúng tôi đặc biệt chú trọng đến yếu tố chất lượng dịch vụ. Chất lượng dịch vụ ở đây không có nghĩa là dịch vụ phải tốt nhất, hoàn hảo nhất, mà chúng tôi chú trọng đến yếu tố sáng tạo và cải tiến. Chúng tôi lấy khách hàng làm trọng tâm, tiếp thu ý kiến của khách hàng, căn cứ vào nhu cầu và mong muốn của họ để cải tiến dịch vụ của mình ngày càng tốt hơn.

Một số dịch vụ bán lẻ như cho vay qua thẻ, sản phẩm phái sinh… tiềm ẩn rủi ro cao. Theo ông, làm thế nào để giảm thiểu rủi ro?

Các ngân hàng cần tập trung vào nhóm khách hàng có thu nhập ổn định làm việc trong các lĩnh vực có tiềm năng phát triển như: giáo dục, y tế, tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, các cán bộ - nhân viên trong các đơn vị hành chính sự nghiệp; xây dựng các quy trình và hệ thống quản trị rủi ro hoàn chỉnh; hình thành đội ngũ chuyên gia tư vấn để giúp khách hàng kinh doanh sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng linh hoạt, hiệu quả; đảm bảo khách hàng hiểu rõ những rủi ro, cũng như các lợi ích tiềm năng mà bất cứ sản phẩm mới nào sẽ đem lại. Ngoài ra, để đảm bảo phát triển bền vững, các ngân hàng bán lẻ cần thiết lập hệ thống giám sát rủi ro toàn diện nhằm sớm phát hiện các vấn đề rủi ro có thể xảy ra.

Là người nước ngoài và có nhiều năm công tác ở các ngân hàng quốc tế, ông có cho rằng, VIB sẽ có lợi thế khi một giám đốc là người nước ngoài hay không?

VIB là ngân hàng có mô hình quản trị minh bạch và chuyên nghiệp, khá giống với nhiều ngân hàng lớn trên thế giới. Bên cạnh đó, VIB còn có quan hệ cổ đông chiến lược với Commonwealth Bank of Australia của Úc. Cả 2 yếu tố này đều liên quan mật thiết với kinh nghiệm cũng như cách tiếp cận nghề nghiệp của tôi.

Với 26 năm kinh nghiệm trong ngành ngân hàng và thẻ, tôi đã từng làm việc tại một ngân hàng TMCP khác tại Việt Nam trong giai đoạn kinh tế khả quan trước đây. Tôi đã từng sống và làm việc cho các ngân hàng tại 4 quốc gia, thăm và làm việc với các ngân hàng tại ít nhất 12 quốc gia khác với các vai trò ở tầm khu vực. Đặc biệt, tôi đã từng làm việc tại nhiều tổ chức quốc tế như HSBC, MasterCard và Macquarie, điều đó giúp tôi áp dụng những kinh nghiệm và bài học của quốc tế đối với tình hình thực tiễn tại Việt Nam.

Tất cả những kinh nghiệm đó đã giúp tôi không chỉ hoàn thành tốt các công việc hàng ngày, mà còn xây dựng được những chiến lược để giúp VIB vững bước trở thành một trong những ngân hàng hàng đầu tại Việt Nam trong gian đoạn trung và dài hạn.

Bài viết này nằm trong Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2014, do Báo Đầu tư Chứng khoán - Báo Đầu tư xuất bản ngày 5/5/2014. Tinnhanhchungkhoan.vn sẽ lần lượt đăng tải bài viết của Đặc san này trong thời gian tới.

Quý vị độc giả có thể theo dõi tất cả các bài viết trong Đặc san tại:Toàn cảnh ngân hàng Việt Nam 2014: “Đón vận hội mới”

Tin bài liên quan