Hiện mới có 30% hộ nông dân được tiếp cận vốn vay ngân hàng

Hiện mới có 30% hộ nông dân được tiếp cận vốn vay ngân hàng

Thấp thỏm chờ vay không thế chấp

Nét mới của chương trình tín dụng nông nghiệp công nghệ cao sắp được tiến hành thí điểm là cho vay không cần tài sản thế chấp. Thế nhưng, việc giải ngân xem ra không đơn giản.

Ngân hàng sẵn sàng bơm vốn

Ông Nguyễn Viết Mạnh, Vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước - NHNN) cho hay, NHNN đang chủ trì phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Khoa học và Công nghệ triển khai xây dựng chương trình thí điểm cho vay đối với các mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao và phục vụ xuất khẩu đối với các sản phẩm nông nghiệp, với nhiều chính sách đặc thù để hỗ trợ các mô hình này phát triển.

Theo dự kiến, các bộ, ngành sẽ lựa chọn khoảng 20 mô hình liên kết giữa doanh nghiệp (DN) với hộ nông dân, như mô hình cánh đồng mẫu lớn, mô hình liên kết theo chuỗi giá trị của sản phẩm, các DN ứng dụng công nghệ cao... để thí điểm chương trình tín dụng này.

“Điểm mới của chương trình thí điểm là các mô hình đáp ứng điều kiện về quy mô, về liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm… sẽ được các tổ chức tín dụng cho vay mà không cần tài sản thế chấp”, ông Mạnh khẳng định.

Cũng theo dự kiến, sau khi kết thúc chương trình thí điểm (khoảng 2 năm), NHNN sẽ tổng kết để hoàn thiện chính sách và nhân rộng trên phạm vi cả nước.

Ông Nguyễn Đức Hưởng, Phó chủ tịch HĐQT Ngân hàng LienVietPostBank cho biết, việc mới có 30% hộ nông dân được tiếp cận vốn ngân hàng cho thấy, tiềm năng tín dụng ở khu vực này đang còn rất lớn. Thực tiễn tại LienVietPostBank cho thấy, với cho vay nông nghiệp - nông thôn, nợ xấu rất thấp. Chính vì thế, ông Hưởng nhận định, thời gian tới, sẽ có nhiều ngân hàng triển khai chương trình tín dụng đối với nông nghiệp - nông thôn.

Nhằm đẩy mạnh cho vay nông nghiệp, ông Nguyễn Tiến Đông, Phó tổng giám đốc Ngân hàng Agribank cho hay, thời gian qua, Ngân hàng cho vay các dự án ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, như cho vay mô hình cánh đồng mẫu lớn đối với Công ty Nông nghiệp Cờ Đỏ (Cần Thơ), cho vay liên kết 4 nhà tại Hà Nam…

Ông Đông cho rằng, để việc cho vay vốn đạt hiệu quả, các địa phương cần từng bước hình thành các vùng sản xuất quy mô lớn, vùng nguyên liệu tập trung phục vụ công nghiệp chế biến và xuất khẩu, để từ đó xây dựng và phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản gắn với sản xuất.

Doanh nghiệp thấp thỏm lo âu

Theo đánh giá của các chuyên gia, chính sách tín dụng nông nghiệp công nghệ cao được NHNN khởi xướng, phối hợp với các bộ, ngành thực hiện rất khả thi trong thời điểm hiện nay, bởi tín dụng đang tăng trưởng chậm, ngân hàng ứ vốn, trong khi nông nghiệp công nghệ cao, quy mô lớn đang được coi là chìa khóa vàng, mang lại cơ hội thay đổi của cả nền kinh tế nước ta.

DN nông nghiệp cũng tỏ ra hết sức kỳ vọng với chương trình này. Tuy nhiên, bà Thái Hương, Chủ tịch Ngân hàng TMCP Bắc Á, kiêm Chủ tịch Tập đoàn TH kiến nghị cần có thêm nhiều cơ chế đột phá trong cho vay nông nghiệp.

Vướng mắc hiện nay là, theo quy định, một khách hàng được vay không quá 15% vốn tự có của ngân hàng, nên có thể, một ngân hàng không đủ vốn cho dự án của doanh nghiệp vay, vì quy mô ngân hàng Việt Nam khá nhỏ. Trong khi đó, nếu cho vay hợp vốn thì rất khó cho DN, vì các ngân hàng không cùng quan điểm trong thẩm định, đánh giá tài sản và hiệu quả của dự án.

Liên quan vấn đề này, ông Nguyễn Đình Sơn, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Công nghệ sinh học Rừng hoa Đà Lạt đề nghị, cần có cơ chế cho phép DN nông nghiệp công nghệ cao được vay vốn trung và dài hạn.

Theo ông Sơn, công ty của ông hiện chỉ được vay vốn ngắn hạn, với lãi suất 9 - 10%, nên chỉ đủ sức đầu tư từng phần.

Tin bài liên quan