Bà Đinh Thị Thu Thảo - Phó tổng giám đốc Eximbank cùng ông Arn Vogels - Giám đốc Khu vực Đông Dương, MasterCard giới thiệu mô hình Thẻ tín dụng/Ghi nợ Eximbank UEFA Champions League MasterCard

Bà Đinh Thị Thu Thảo - Phó tổng giám đốc Eximbank cùng ông Arn Vogels - Giám đốc Khu vực Đông Dương, MasterCard giới thiệu mô hình Thẻ tín dụng/Ghi nợ Eximbank UEFA Champions League MasterCard

Thanh toán không tiền mặt: Cần đầu tư với tầm nhìn dài hạn

(ĐTCK) Tại Việt Nam, tỷ trọng sử dụng tiền mặt trong thanh toán còn cao, nhưng việc thanh toán không tiền mặt cũng đã phát triển mạnh. 

Theo số liệu thống kê từ Hiệp hội Thẻ, hiện đã có hơn 80 triệu thẻ được phát hành. Tuy nhiên, trong số 80 triệu thẻ này chỉ khoảng dưới 10% là thẻ mang thương hiệu quốc tế và có chức năng sử dụng đa dạng. Để thúc đẩy phát triển hơn nữa thanh toán không tiền mặt, cần có thêm giải pháp và nỗ lực từ nhiều phía.

Chiếc thẻ ATM cần phải được cải tiến

Qua các xu hướng cập nhật của thế giới ngày càng hiện đại, người tiêu dùng cũng có xu hướng mở rộng và phát triển hơn việc sử dụng thẻ và thanh toán không tiền mặt. Chẳng hạn, nhu cầu mua bán trực tuyến, hoặc các giao dịch đơn giản như quảng cáo trên Facebook, Google… Những chức năng này chỉ có dòng thẻ quốc tế mới đáp ứng, đem lại được dịch vụ cho chủ thẻ. Vì thế, một trong những sứ mệnh cũng như chiến lược của MasterCard ở Việt Nam là từng bước thay thế việc sử dụng tiền mặt bằng những sản phẩm thanh toán không dùng tiền mặt tiên tiến.

Tiềm năng của dòng thẻ thanh toán quốc tế (có thể là Debit, Credit) là rất lớn tại Việt Nam, khi cuộc sống ngày càng thay đổi, tùy theo thu nhập, hoàn cảnh và nhu cầu của người tiêu dùng mà nhà phát hành thẻ đưa ra các sản phẩm phù hợp với nhu cầu đa dạng của từng phân khúc khách hàng.

Lịch sử phát triển thanh toán không tiền mặt tại Việt Nam bắt đầu với một chiếc thẻ dùng để rút tiền mặt tại máy ATM. Hiện nhu cầu của người tiêu dùng cũng như xã hội đã phát triển hơn nhiều so với thời điểm 20 năm trước đây, chiếc thẻ ATM cần phải được cải tiến để mang lại nhiều tiện ích hơn cho khách hàng.

Theo số liệu của MasterCard, tỷ lệ khách hàng sử dụng thẻ Debit để mua bán, giao dịch thanh toán trực tuyến chiếm khoảng 20% trên tổng số giao dịch. Trong khi đó, nếu so với sản phẩm thẻ nội địa, thì tỷ lệ giao dịch là bằng 0% và hoàn toàn chỉ để sử dụng rút tiền mặt 100%. Như vậy, phần chi phí mà ngân hàng phải chi trả, bao gồm việc đầu tư và duy trì hệ thống máy ATM là rất cao. Khi đó, thẻ phát hành ra không mang lại lợi ích cũng như lợi nhuận cho các ngân hàng.

Chính vì thế, MasterCard đã và đang từng bước làm việc với các ngân hàng để dần dần thay đổi chiến lược kinh doanh của họ, với mục đích đặt khách hàng làm trọng tâm, cung cấp cho khách hàng sản phẩm nhiều tiện ích hơn và an toàn hơn, được vận hành trên hệ thống chuẩn toàn cầu của MasterCard. Gần đây, MasterCard khuyến khích các ngân hàng lần lượt thay đổi các dòng thẻ từ sang thẻ chip EMV.

Ông Arn Vogels 

Cần có sự đầu tư và tầm nhìn dài hạn

Có thể, chi phí đầu tư về công nghệ ban đầu vẫn là một trong những trở ngại để các ngân hàng đẩy mạnh phát triển dòng thẻ chip trên nền tảng bảo mật hiện đại nhất, nhằm hạn chế tối đa gian lận thẻ, nhất là khi tội phạm ngày một tinh vi hơn. Vì vậy, MasterCard khuyến nghị các ngân hàng nên có sự đầu tư đúng đắn ngay từ ban đầu, chuyển đổi sang công nghệ thẻ chip để có thể hạn chế được rủi ro.

Khi phát hành thẻ chip, chi phí đầu tư ban đầu sẽ cao hơn so với thẻ từ. Nhưng chúng tôi nhận thấy rằng, an toàn và bảo mật là mối lo ngại chung không chỉ ở châu Á, mà còn trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, chúng tôi đánh giá, tỷ lệ rủi ro chưa đến mức quan ngại. Nếu so với các nước châu Á - Thái Bình Dương, thì số liệu rủi ro tại Việt Nam chưa tới 1/3, còn nếu so với thị trường Mỹ (mới được chuyển đổi từ công nghệ thẻ từ sang thẻ chip EMV) thì chỉ bằng 1/5. Tuy nhiên, không vì thế mà có thể coi nhẹ việc phòng chống rủi ro. Thị trường thẻ Việt Nam phát triển sau, sơ khởi và chưa có những kiến thức cần thiết phổ biến ban đầu nên trong quá trình sử dụng cũng sẽ có những bất cẩn hoặc rủi ro xảy ra.

Đánh giá tổng quan, thẻ vẫn là một dòng sản phẩm thanh toán an toàn, nhưng việc trang bị kiến thức và sử dụng đúng cách rất quan trọng. Chúng tôi nhận thấy, truyền thông đóng vai trò rất quan trọng, cần có một bộ chuẩn tài liệu hướng dẫn chung trong việc sử dụng, bảo mật thẻ để các ngân hàng có thể sử dụng làm tư liệu truyền thông tới chủ thẻ. Từ đó, các ngân hàng có thể truyền thông, hướng dẫn khách hàng sử dụng đúng cách để hạn chế rủi ro. Thực tế, nếu bất cẩn, không tự bảo vệ thì luôn có rủi ro, cho dù dùng tiền mặt hay thẻ.

Hơn thế, kể từ năm 2016, MasterCard bắt đầu áp dụng một chính sách mới đối với thị trường Việt Nam (chính sách này đã được áp dụng trên thị trường toàn cầu), đó chính là chính sách “miễn trách nhiệm”, khách hàng sẽ được miễn hoàn toàn trách nhiệm cho các giao dịch gian lận trên thẻ MasterCard. Tất nhiên, đi kèm với đó là các điều kiện để khách hàng có thể nhận biết được các trách nhiệm của mình trong quá trình sử dụng thẻ, không lơ là. Vì vậy, tất cả những người tham gia đều có ý thức, bao gồm cả tổ chức thẻ.

MasterCard luôn ưu tiên việc đầu tư công nghệ, nâng cấp hệ thống an toàn, bảo mật. Ngoài ra, chúng tôi còn có bộ chuẩn cung cấp cho ngân hàng các thông tin cho người tiêu dùng, để ngân hàng sử dụng như một bộ tài liệu truyền thông tới khách hàng những thông tin từ cơ bản nhất để có thể bảo vệ mình như: không đưa mã số pin cho người khác, cần ký tên phía sau thẻ ngay sau khi nhận được thẻ để các cửa hàng thanh toán có thể kiểm tra chữ ký. Thời gian gần đây, nhiều ngân hàng đã triển khai 3D Secure nhằm nâng cao bảo mật trong việc giao dịch trực tuyến.

Mặt khác, MasterCard cũng có các công cụ kiểm soát rủi ro thông qua việc giám sát chặt chẽ tất cả các giao dịch xử lý qua hệ thống MasterCard. Tất cả các giao dịch đi qua MasterCard đều được chấm điểm, tùy theo mức rủi ro hệ thống đưa ra báo động thì sẽ có các biện pháp xử lý tương ứng, từ gửi thông báo tới ngân hàng phát hành cho tới chủ động chặn giao dịch khi có dấu hiệu gian lận.

Lợi ích thanh toán không tiền mặt

Đối với người tiêu dùng, từ trước đến nay, giao dịch tiền mặt không phải trả phí. Tuy nhiên, phí mà chúng ta không biết được đó chính là phí lưu hành tiền mặt lại rất lớn và được tính vào chi phí thuế của người dân. Các nghiên cứu cho thấy, lưu hành tiền mặt đắt đỏ hơn nhiều so với thanh toán không dùng tiền mặt. Đồng thời, việc lưu hành tiền mặt thiếu tính minh bạch như thanh toán điện tử, nên thanh toán điện tử sẽ góp phần hạn chế tham nhũng.

Ngoài những ảnh hưởng đến nền kinh tế thì người tiêu dùng cũng được hưởng lợi rất nhiều trong giao dịch không dùng tiền mặt, kể cả các cửa hàng có thanh toán bằng thẻ và DN. Trước hết, nếu xu hướng không sử dụng tiền mặt gia tăng nhiều hơn sẽ thúc đẩy doanh thu bán hàng của DN tăng, tốc độ thanh toán tăng lên đáng kể. Đặc biệt, ở những siêu thị, trung tâm thương mại…, thanh toán bằng thẻ sẽ đẩy nhanh được tiến độ thanh toán. Còn sử dụng tiền mặt nhiều sẽ khiến cho việc thu ngân bị ách tắc, chậm hơn và lo thất thoát trong quá trình kiểm soát tiền mặt.

Mặt khác, khi chấp nhận thanh toán điện tử, các DN sẽ thu thập được dữ liệu của khách hàng để phân tích, xác định, đánh giá…, từ đó đưa ra các chương trình bán hàng, khuyến mại phù hợp nhằm đẩy nhanh việc kinh doanh, tăng doanh thu.

Chính phủ cũng được hưởng lợi khi tình trạng không sử dụng tiền mặt trong thanh toán được giảm thiểu như: việc thu thuế sẽ hạn chế được thất thoát, tham nhũng, chi phí vận hành giảm, hiệu quả hoạt động tăng…

Nhưng cũng phải nhìn nhận, mức phí các ngân hàng đang tính cho DN cần được tính toán lại, để cân bằng lợi nhuận và lợi ích cho các bên, mà không thu phụ phí của người tiêu dùng - lý do chính khiến khách hàng nản lòng trong việc sử dụng dịch vụ thẻ.

Hiện các điều kiện của thị trường Việt Nam đã đáp ứng đủ cho việc phát triển thanh toán không tiền mặt. Việt Nam đã có một nền tảng phát triển không dùng tiền mặt tốt, khi thị trường đã có 80 triệu thẻ được phát hành và khoảng hơn 200.000 máy POS (máy cà thẻ) và số lượng giao dịch thực hiện qua thẻ đạt con số 200 triệu lượt là không nhỏ. Có thể, việc mở rộng điểm chấp nhận thẻ là quan trọng, nhưng làm thế nào để thay đổi được hành vi không dùng tiền mặt càng quan trọng hơn. Tại thị trường Việt Nam hiện nay, đã có hơn 120 triệu thuê bao khách hàng dùng điện thoại di động, trong đó có hơn 30% khách hàng sử dụng smartphone và tỷ lệ truy cập Internet cao nhất nhì khu vực. Đó là một trong những điều kiện tốt để chúng ta thúc đẩy việc thanh toán không tiền mặt. Vì vậy, Việt Nam cần có thêm chính sách thúc đẩy không dùng tiền mặt, cũng như khuyến khích các tổ chức phát hành thẻ đẩy nhanh việc cho ra đời các dòng thẻ tiện ích, hiện đại, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của khách hàng.

Việt Nam là thị trường còn nhiều tiềm năng về tăng trưởng, phát triển dịch vụ thẻ thì không lý do gì mảng dịch vụ này lại chững lại trong năm 2016. Năm 2015, doanh thu các mảng của MasterCard tại thị trường Việt Nam tăng trưởng từ 2 con số trở lên. Số lượng phát hành thẻ tăng, đồng thời việc sử dụng thẻ của khách hàng cũng tăng đều. MasterCard nỗ lực để người tiêu dùng có thể dần thay đổi được hành vi trong thanh toán dùng tiền mặt sang thanh toán không dùng tiền mặt.

Tuy nhiên, thói quen và hành vi của người tiêu dùng không thể thay đổi trong ngày một, ngày hai, nên cần có thời gian. Vì thế, vai trò của Chính phủ trong việc này rất quan trọng. Là một nhà điều hành, Chính phủ cần phải là người đi đầu, ưu tiên cho việc không sử dụng tiền mặt để người tiêu dùng có thể noi theo, dần thay đổi hành vi sử dụng tiền mặt. Đồng thời, Chính phủ phải làm cho người tiêu dùng cảm nhận được rằng, việc thanh toán không dùng tiền mặt có lợi hơn rất nhiều so với thanh toán bằng tiền mặt. Hay nói cách khác, thanh toán bằng tiền mặt là bất lợi và thúc đẩy phát triển thanh toán không tiền mặt thì thị trường mới có thể phát triển.

Ông Arn Vogels, Giám đốc MasterCard khu vực Đông Dương
Tin bài liên quan