"Thanh khoản cuối năm" vẫn là từ khóa luôn khiến các lãnh đạo ngân hàng tỏ ra thận trọng

"Thanh khoản cuối năm" vẫn là từ khóa luôn khiến các lãnh đạo ngân hàng tỏ ra thận trọng

Thanh khoản ngân hàng cuối năm, lo sớm là vừa

(ĐTCK) Các số liệu hiện tại cho thấy, thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng khá dồi dào, nhưng với chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng 21% được Chính phủ giao, các lãnh đạo nhà băng đều chung quan điểm “lo luôn từ bây giờ may ra còn kịp cuối năm”.

Không có vấn đề về thanh khoản

Mặc dù tăng trưởng tín dụng của hệ thống ngân hàng tính đến cuối tháng 8/2017 đạt gần 12%, trong khi huy động mới khoảng 9% nhưng giám đốc tiền tệ một ngân hàng cho biết: “Thanh khoản hiện tại không có vấn đề.

Lý do bởi: thứ nhất, Kho bạc Nhà nước huy động được gần 144.000 tỷ đồng từ phát hành trái phiếu Chính phủ. Thứ hai, từ đầu năm đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã mua vào gần 3 tỷ USD ngoại tệ, đồng nghĩa với việc thị trường được bổ sung thêm gần 70.000 tỷ đồng”.

Thanh khoản không có vấn đề đáng ngại cũng là nhận định chung của các lãnh đạo ngân hàng trong cuộc trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán. Cụ thể: “Hệ thống ngân hàng hiện tại ổn định trong mọi mặt, bao gồm cả thanh khoản”.

Mặt khác, TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia kinh tế cho rằng: “Thanh khoản của hệ thống ngân hàng thương mại được cải thiện đáng kể, nên tỷ lệ cho vay trên tổng huy động được duy trì ở mức an toàn, cho vay trung dài hạn chặt chẽ hơn và lãi suất trên thị trường liên ngân hàng ít biến động”.

Thực tế, các lãnh đạo ngân hàng tỏ ra an tâm với tình hình thanh khoản hệ thống còn bởi tỷ trọng tín dụng trung dài hạn tiếp tục xu hướng giảm. Theo đó, tăng trưởng tín dụng ngắn hạn ước đạt 14,1% (cùng kỳ năm 2016 tăng 9,0%), chiếm 45,9% tổng tín dụng (cuối năm 2016 là 44,9%).

Tín dụng trung và dài hạn ước tăng 8,8% (cùng kỳ năm 2016 tăng 11,1%), chiếm 54,1% tổng tín dụng (cuối năm 2016 chiếm 55,1%). Trong khi đó, cơ cấu tín dụng theo loại tiền duy trì ổn định. Tín dụng VND chiếm khoảng 91,5%, tín dụng ngoại tệ chiếm 8,5% tổng tín dụng. Tín dụng VND ước tăng 11% so với cuối năm 2016 (cùng kỳ 2016 tăng 11,1%).

Bên cạnh đó, tiền gửi khách hàng ước tăng khoảng 8,7% so với cuối năm 2016; phát hành giấy tờ có giá ước tăng 18,6%. Đặc biệt, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước tại các ngân hàng tiếp tục xu hướng đi lên.

Tính đến cuối tháng 8/2017, tiền gửi của Kho bạc Nhà nước là khoảng 160 nghìn tỷ đồng, tăng 68,0% so với đầu năm. Đặc biệt, lãi suất liên ngân hàng các kỳ hạn duy trì ở mức thấp như qua đêm và 1 tuần là 1%/năm, 1 tháng là 1,6%/năm và chỉ tăng nhẹ so với cuối tháng 7/2017 từ 0,2 đến 0,3 điểm %.

Mặc dù vậy, tại thời điểm này hàng năm, “thanh khoản cuối năm” vẫn là từ khóa luôn khiến các lãnh đạo ngân hàng tỏ ra thận trọng.

 “Thanh khoản của hệ thống ngân hàng nhìn chung vẫn khá dồi dào thời điểm hiện tại, nhưng đến cuối năm, thanh khoản chắc chắn bị giảm khá nhiều”, vị giám đốc tiền tệ trên nói.

Tín dụng cuối năm tăng, nguồn tiền ở đâu?

Theo quy luật, cuối năm luôn là thời điểm lượng tiền được bung ra lưu thông trong nền kinh tế tăng đột biến so với bất kỳ thời điểm nào trong năm. Đây là giai đoạn kinh doanh cao điểm nên các doanh nghiệp, hộ sản xuất, cá nhân đều tranh thủ thời điểm này để dồn tiền vào đầu tư nhằm thu lợi nhuận.

Do đó, lượng tiền được rút ra khỏi các tổ chức tín dụng để bơm vào nền kinh tế là điều tất yếu, khiến các nhà băng luôn phải sẵn sàng những giải pháp cho câu chuyện thanh khoản.

Thanh khoản hiện tại tốt nhưng không có nghĩa sẽ đủ lượng vốn đáp ứng tín dụng khi nhu cầu vay tăng cao.

Năm nay, Chính phủ đã đặt chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đạt 21%. Trong bối cảnh này, theo nguồn tin của Đầu tư Chứng khoán, Ngân hàng Nhà nước đã có cuộc họp với lãnh đạo các ngân hàng để chỉ đạo thực hiện tăng trưởng tín dụng theo đúng chỉ tiêu.

Tuy nhiên, vấn đề là huy động thực tế không theo kịp với cho vay và thậm chí còn giảm. Số liệu của Ủy ban Giám sát cho biết, huy động vốn 8 tháng đầu năm 2017 tăng trưởng khá, ước tăng 9,1% so với cuối năm 2016 nhưng giảm so với cùng kỳ năm 2016 (tăng trưởng 11,4%).

Ông Nguyễn Thành Phúc, Giám đốc Trung tâm Nguồn vốn kiêm Giám đốc Trung tâm Huy động vốn FE Credit cho biết: “Năm nào cũng vậy, đến cuối năm, các công ty tài chính rất khó khăn trong việc huy động vốn bởi doanh nghiệp cần tiền để chi tiêu. Theo đó, chính các công ty tài chính phải cạnh tranh với ngân hàng trong việc tìm cách huy động vốn từ doanh nghiệp”.

Nhận định về tình hình thanh khoản cuối năm, TS. Nghĩa cho rằng: “Đây là thời điểm diễn ra cùng lúc 2 vấn đề: một là tiền gửi của Kho bạc Nhà nước ở ngân hàng được rút ra và đẩy nhanh tiến độ đầu tư công; hai là nhu cầu chi tiêu của dân cư và nhu cầu thanh toán của doanh nghiệp tăng lên. Điều này sẽ gây căng thẳng nhất định về thanh khoản”.

Thực tế, tiền gửi tại Kho bạc Nhà nước được đẩy mạnh giải ngân, cũng có nghĩa là tiền được rút ra và sẽ quay về hệ thống, nhưng sẽ có độ trễ nhất định, dẫn đến khó khăn trong một giai đoạn cụ thể.

Chia sẻ khó khăn trong việc huy động vốn, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại cổ phần cho biết: “Bài toán huy động nguồn vốn trong dân khá khó khăn bởi muốn huy động nhiều hơn phải tăng lãi suất. Lãi suất đầu vào tăng dẫn đến lãi suất đầu ra cao, khiến doanh nghiệp gặp khó khăn khi vay. Điều này lại ảnh hưởng đến tăng trưởng tín dụng và quan trọng hơn là mục tiêu tăng trưởng kinh tế đạt 6,7% của Chính phủ”.

Để giải bài toán huy động, vị giám đốc tiền tệ gợi ý, Ngân hàng Nhà nước có thể tăng giá mua ngoại hối. Chẳng hạn, giá thị trường liên ngân hàng vào khoảng 22.730 VND/USD, nếu Ngân hàng Nhà nước mua vào 22.740 VND/USD, cao nhất trên thị trường thì các ngân hàng sẽ bán ngoại tệ cho Ngân hàng Nhà nước và đồng thời với đó thiết lập một mức giá mới.

“Tuy nhiên, tâm lý của thị trường sau đó sẽ như thế nào vẫn chưa có câu trả lời cụ thể, nên đây không phải là giải pháp tối ưu”, vị giám đốc nói.

Trong khi đó, nợ xấu của toàn hệ thống vẫn là điểm nóng. Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm của 12 ngân hàng đã công bố bao gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV, ACB, MBB, Eximbank, VIB, VPBank, Techcombank, NCB, SHB và Sacombank cho biết, tổng nợ xấu ở mức gần 66.000 tỷ đồng, tăng gần 11% so với đầu năm. Về giá trị tuyệt đối, tất cả 12 ngân hàng khảo sát đều có số nợ xấu gia tăng. Trong khi đó, nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn, cũng tăng xấp xỉ 6%, lên gần 32.000 tỷ đồng, chiếm gần 52% tổng nợ xấu.

Chưa kể, thống kê cho thấy, 7/12 ngân hàng tăng trích lập dự phòng cho 6 tháng đầu năm 2017 với tổng trích lập dự phòng đạt gần 24.000 tỷ đồng, tăng 27% so với cùng kỳ năm 2016. ACB là ngân hàng tăng trích lập dự phòng mạnh nhất, với hơn 966 tỷ đồng, chiếm 43% tổng lợi nhuận thuần và gấp 2,6 lần cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, MB trích lập dự phòng hơn 1,3 nghìn tỷ đồng, gấp 2,3 lần so với mức 582 tỷ đồng trích lập cùng kỳ năm trước. Xét về con số tuyệt đối, BIDV là ngân hàng trích lập dự phòng lớn nhất với con số hơn 6,2 nghìn tỷ đồng, tăng 38,1% so với cùng kỳ năm trước và chiếm tới 62,6% tổng lợi nhuận thuần.

“Khi tăng trưởng tín dụng được chỉ đạo ở con số 21% thì thanh khoản sẽ còn đặc biệt khó khăn cuối năm nay”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định.

Tin bài liên quan