Ngân hàng Phương Đông (OCB) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 25% so với cuối năm ngoái

Ngân hàng Phương Đông (OCB) đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm nay ở mức 25% so với cuối năm ngoái

Thách thức mục tiêu tín dụng 2014

(ĐTCK) Số liệu tăng trưởng tín dụng 7 tháng đầu năm không tăng so với con số 1 tháng trước đó đã thực sự đặt vấn đề báo động với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12-14% mà ngành ngân hàng đặt ra cho năm 2014. Tình trạng dồn vốn giải ngân trong quý IV có thể tái diễn.

“Cái khó bó cái khôn”

Số liệu chưa chính thức đến thời điểm này cho thấy, tăng trưởng tín dụng đến cuối tháng 7 chỉ ở khoảng 3% so với cuối năm ngoái, con số này nếu chuẩn xác thì còn thấp hơn mức tăng 3,52% đến cuối tháng 6 vừa qua.

Phân tích một cách chi tiết con số 6 tháng, tín dụng VND tăng gần như không đáng kể, chỉ là 2,17%, cách nói mà dân trong nghề gọi là “tăng trưởng âm” vì còn thấp hơn “lãi đập gốc”, tức là lãi thu về từ khoản vay trước đó cộng với gốc đem quay vòng cho vay lại bị giảm đi.

Chỉ có một điểm đáng chú ý mà cơ quan quản lý “không hề muốn” đó là tín dụng ngoại tệ tăng tới 12,03%. Không muốn là bởi một nền kinh tế không đô - la hóa thì gửi tiết kiệm ngoại tệ và cho vay ngoại tệ phải khống chế ở mức chỉ dành cho các trường hợp đặc thù.

Lý giải của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tín dụng tăng thấp đó là tính quy luật, tín dụng thường tăng thấp trong những tháng đầu năm, sức hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn còn yếu, tình trạng nợ đọng ngân sách, vướng mắc trong xử lý tài sản đảm bảo chưa được xử lý dứt điểm, cơ chế bảo lãnh cho doanh nghiệp vay vốn chưa được đẩy mạnh.

Tất nhiên đây chỉ là sự lý giải mà thôi, khi mà nền kinh tế khởi sắc hơn 5 năm trở về trước, nhiều ngân hàng còn phải khống chế trần dư nợ của chi nhánh để kìm hãm đà tăng trưởng tín dụng. Nếu tính cả toàn ngành thì đạt mức tăng trưởng tín dụng trên 30%/năm là điều đơn giản!

Quay lại với câu chuyện tăng trưởng tín dụng thấp của hơn nửa đầu năm nay, hướng đi đã được đưa ra đó là tập trung triển khai các giải pháp tín dụng để phấn đấu đạt được mục tiêu tín dụng cả năm 2014 là 12-14%, tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất - kinh doanh phát triển, đáp ứng vốn cho nền kinh tế. Trường hợp, nếu tín dụng không đạt mục tiêu trên cũng phải tăng trên 10% mới thúc đẩy kinh tế.

Giải pháp về lãi suất cũng đã có, cụ thể là NHNN sẽ cố gắng duy trì mặt bằng lãi suất từ nay đến hết năm để doanh nghiệp dễ dàng vay vốn, qua đó góp phần thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.

Giải pháp tỏ ra khá quyết liệt, nhưng hoàn toàn có thể trở thành vô hiệu. Nguyên nhân là sức hấp thụ vốn vay còn thấp của các doanh nghiệp, hoạt động kinh doanh chưa thể “bừng sáng” khi sức mua thị trường và tồn kho chưa mấy cải thiện. Sức cầu thấp thì nỗ lực đẩy vốn cho vay không còn đơn giản, nhưng dễ hiểu bởi quy luật thị trường.

Một loạt số liệu 6 tháng đầu năm của các ngân hàng đang cho thấy tình hình huy động vốn khả quan hơn cho vay rất nhiều. Kienlongbank cho biết, 6 tháng đầu năm huy động vốn tăng gần 12%, nhưng dư nợ cho vay chỉ tăng 7,46% so với năm 2013.

Một con số tăng trưởng khả quan hơn của Ngân hàng Nam Á là tín dụng của Ngân hàng 6 tháng đầu năm đã tăng trên 18% so với cuối năm ngoái. Tuy nhiên, nếu nhìn vào con số tuyệt đối dư nợ ở mức 13.000 tỷ đồng, thì có thể hiểu đây là trường hợp cá biệt, bởi quy mô vốn này quá nhỏ, tương đương với chi nhánh cấp trung bình của một ngân hàng lớn.

Trong một góc nhìn tích cực hơn, TS. Cao Sỹ Kiêm, Nguyên Thống đốc NHNN cho rằng, nửa cuối năm mùa kinh doanh cao điểm nên nhu cầu doanh nghiệp có thể tốt hơn so với nửa đầu năm, khả năng tín dụng sẽ cải thiện. Theo ông Kiêm, những năm trước tăng trưởng, dư nợ tín dụng còn lên đến 25-30% thì mục tiêu 12 – 14% năm nay cũng có thể đạt.

Sẽ “giật cục”?

Trong khó khăn thì vẫn có nhiều cơ sở để hy vọng, lãnh đạo một số ngân hàng cho biết xu hướng lãi suất giảm dần cộng với mùa kinh doanh cuối năm là lý do để hy vọng. OCB cho biết, họ vẫn duy trì mục tiêu tăng trưởng tín dụng khoảng 25% cho năm nay, dù hạn mức tín dụng của Ngân hàng chỉ được phép là tăng 10% so với năm 2013.

TS Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, khả năng hấp thụ vốn của doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung được đánh giá còn khó khăn, cho dù lãi suất của ngân hàng có nỗ lực giảm thêm. Vì thực tế, nhìn chung bức tranh của thị trường, nhất là về sức mua còn khá chậm. Các biện pháp tăng đầu tư công cũng giải ngân chưa nhiều nên tổng cầu của nền kinh tế chưa tăng trưởng trở lại. Nhưng kỳ vọng bức tranh này sẽ được cải thiện kể từ cuối quý II trở đi và sức hấp thụ vốn của nền kinh tế sẽ tốt hơn.

Tuy nhiên, theo TS. Lịch, để đạt được mục tiêu tín dụng 12-14% năm nay là điều không dễ. Bởi ngoài tín dụng, các ngân hàng còn phải gánh một phần trái phiếu Chính phủ, không phải riêng việc hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp.

Mặt khác, rào cản đối với dòng chảy tín dụng hiện còn khá lớn. Việc xử lý nợ xấu hiện cũng mới “gạt” được nợ xấu từ ngân hàng sang VAMC để giãn được thời gian xử lý nợ. Đồng thời, VAMC cũng chỉ mới giúp ngân hàng làm sạch được bản cân đối kế toán, chứ chưa xử lý tận gốc nợ xấu.

Hiện nhiều doanh nghiệp đã ở trong trạng thái mất khả năng trả nợ một thời gian đủ dài, đây là lý do tốc độ tăng nợ xấu giảm mạnh, nhưng nợ xấu nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn) lại tăng tỷ trọng trong cơ cấu nợ xấu ở hầu hết ngân hàng.

Các doanh nghiệp làm ăn tốt và có triển vọng làm ăn tốt là cơ sở hy vọng cho tăng trưởng tín dụng, ngoài ra là những dự án có sự tham gia một phần của Nhà nước do các tập đoàn/tổng công ty triển khai.

Một bài học cần nhắc sớm đó là tình trạng “dồn cục” tín dụng cuối năm, ồ ạt các lễ ký hợp đồng tín dụng vào tháng 8-9 và lại ồ ạt giải ngân từ tháng 10 tạo sức tăng đột biến tín dụng để rồi sau đó đầu năm tín dụng lại tăng trưởng âm.

Điều này đã xảy ra vào năm ngoái và nếu tiếp tục xảy ra năm nay nữa có thể tạo ra một thị trường tiền tệ “mùa vụ” chưa hẳn đã tốt, bởi dòng chảy của tiền là dòng chảy của nền kinh tế, không thể giật cục hay tăng tốc. Có thể không nhất thiết phải đạt tỷ lệ tăng trưởng tín dụng 10%, nhưng dòng vốn bơm hiệu quả hơn, tới đích hơn sẽ vẫn có tác dụng hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.

Tin bài liên quan