Trong vụ Agribank chi nhánh 6, hàng loạt cán bộ ngân hàng đã phải chịu hình phạt nghiêm khắc

Trong vụ Agribank chi nhánh 6, hàng loạt cán bộ ngân hàng đã phải chịu hình phạt nghiêm khắc

Tái cấu trúc ngân hàng, nhân sự không chỉ là… bắt!

(ĐTCK) Khi đề cập đến câu chuyện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, vấn đề thường được tập trung nhắc đến là nợ xấu và xử lý vấn đề này ra sao. Còn yếu tố con người, dường như các phương tiện thông tin đại chúng vẫn chủ yếu nhìn ở góc độ trách nhiệm (hình sự) các cá nhân, thay vì đưa nhân tố con người như một cấu phần quan trọng của tái cấu trúc.

Những bài học xương máu…

Là một luật sư nhiều năm gắn bó với lĩnh vực ngân hàng, có mặt trong nhiều vụ án, cả những “đại án” ngân hàng, luật sư Trần Minh Hải đã chứng kiến những số phận pháp lý, bi kịch nghề nghiệp và điều mà vị luật sư này trăn trở không chỉ là quy trình, hệ thống…, mà là con người.

Trong cuốn sách “Hiểu nghề giữ nghiệp” của luật sư Hải có dẫn chứng về trường hợp anh Trương Đình Hải, nguyên Giám đốc Chi nhánh Hà Nội Ngân hàng TMCP Nam Á đã bị tuyên án 10 năm tù giam trong “Đại án VDB Đắk Lắc – Đắk Nông”.

Nguyên do, anh Hải đã cho một nhóm DN vay 50 tỷ đồng với tài sản bảo đảm là hợp đồng tiền gửi cùng giá trị tại VDB. Đáng tiếc, hợp đồng tiền gửi dùng làm bảo đảm tiền vay là giả tạo, nội dung xác nhận của VDB Đăk Lăk, Đăk Nông cũng giả mạo. Tiền vay được dùng để trả nợ cho chính VDB, bù đắp những thất thoát của các DN tại VDB Chi nhánh Đăk Lăk, Đăk Nông.

“Vụ án cho thấy, anh Hải không tư lợi, không nhận tiền bạc từ các DN. Anh đã bị lừa dối. Điều đáng tiếc là anh quá tự tin về mức độ an toàn của khoản vay. Đặt toàn bộ niềm tin vào mức độ an toàn của tài sản bảo đảm, để cho một nhóm DN xa xôi tại Tây Nguyên vay tiền, vì mục đích không rõ ràng. Một sự tự tin phiêu lưu, không biết sợ rủi ro trách nhiệm pháp lý tại thời điểm cho vay”, luật sư Hải nhấn mạnh.

Phần lớn cán bộ tín dụng trong các vụ án vào ngân hàng với những tấm bằng tốt nghiệp đại học, cao học danh giá trong và ngoài nước, vượt qua nhiều trở ngại để gặt hái thành công để trở thành những “ngôi sao” trong hệ thống nhân sự của ngân hàng.

Hay trong đại án Huyền Như, có tất cả 10 cán bộ tín dụng của hai ngân hàng can án phạt hơn chục năm tù chỉ vì nể, sợ Huyền Như. Có người vì sợ Huyền Như mà chấp nhận cho khách hàng vay dù hồ sơ còn thiếu, với lời hứa bổ sung sau. Có người vì sợ Huyền Như là “sếp” mà chấp nhận cho khách hàng vay khi bản thân chưa từng nhìn thấy khách hàng, chữ ký trên hồ sơ giao dịch cũng không có. Có người tin tưởng Huyền Như đến mức cho vay không cần xác minh thực hư về tài sản bảo đảm.

Luật sư Hải nói: “Trước tòa, những cán bộ tín dụng này đều cho thấy họ ý thức được rủi ro và trách nhiệm pháp lý của những sai sót đó, nhưng sau cùng vẫn quyết định làm theo Huyền Như vì nể sợ và cả tin. Tất cả sự “nể”, “sợ” đó đã đánh bay một nỗi sợ chân chính: rủi ro trách nhiệm pháp lý cho chính bản thân”.

Phần lớn cán bộ tín dụng trong các vụ án vào ngân hàng với những tấm bằng tốt nghiệp đại học, cao học danh giá trong và ngoài nước, vượt qua nhiều trở ngại để gặt hái thành công để trở thành những “ngôi sao” trong hệ thống nhân sự của ngân hàng. Sợ mất việc, sợ áp lực kinh doanh, sợ mất đi kỳ vọng của lãnh đạo… và để vượt qua những nỗi sợ đó bằng việc nâng cao những kỹ năng mềm trong nghiệp vụ, tăng cường khả năng bán hàng, khả năng diễn thuyết, độ nhạy cảm trong kinh doanh, tăng trưởng dư nợ, tìm kiếm mọi cơ hội tối đa hóa lợi nhuận.

“Nhưng chính vì quá chú trọng đến những nỗi sợ đó, họ đã đánh mất sự cân bằng khi coi nhẹ nỗi sợ trách nhiệm pháp lý của chính bản thân mình”, luật sư Hải nhấn mạnh. 

Và kinh nghiệm rút ra…

TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng nhiều năm làm việc ở nước ngoài nhận định, có hai vấn đề chính trong tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng đó là quản trị doanh nghiệp và nhân sự, hiện vẫn chưa được quan tâm đủ. Trong khi những sai phạm thời gian qua vừa qua đã chứng tỏ con người trong ngân hàng đã không nhận thức đủ trách nhiệm của mình đối với tổ chức, cộng đồng xã hội và đặc biệt đối với chính bản thân mình.

“Các vụ án trong lĩnh vực ngân hàng chủ yếu liên quan đến đạo đức nghề nghiệp, do vậy, cần sự tăng cường đào tạo cho cán bộ nhân viên về ý thức, trách nhiệm về tổ chức, khách hàng, cộng đồng xã hội và cho chính bản thân”, TS. Hiếu nói.

Bất kỳ ai làm việc trong ngành ngân hàng đều biết ngân hàng là lĩnh vực hoạt động đầy nhạy cảm, phức tạp về rủi ro và trách nhiệm pháp lý. Theo luật sư Hải, để an toàn cho chính mình và hệ thống, mỗi công việc người cán bộ ngân hàng đều biết “sợ”. Trước pháp luật, mỗi cá nhân đều phải chịu trách nhiệm pháp lý về hành vi của mình. Không có “sếp” nào buộc phải hoặc có thể chịu trách nhiệm thay cho bạn. bởi vậy, từng cá nhân phải biết “sợ” hậu quả pháp lý để thực hiện đúng nguyên tắc phần việc của mình.

“Trong môi trường kinh doanh ngân hàng tại Việt Nam, rủi ro pháp lý là rủi ro luôn hiện hữu trong từng quyết định, hành động, hồ sơ nên không thể coi thường. Bạn chưa trải nghiệm qua hậu quả nhưng hãy biết “sợ” trách nhiệm pháp lý cho chính bản thân mình”, Luật sư Hải nói.

Còn theo TS. Hiếu, làm nghề ngân hàng, không thể để đến lúc nhìn thấy quan tài rồi đổ lệ, mà mỗi tổ chức, cá nhân phải chuẩn bị sẵn sàng đạo đức nghề nghiệp ngay từ những ngày đầu tiên vào nghề. Những thiệt hại bắt nguồn từ con người nên phải xử lý từ con người thông qua việc đào tạo ý thức của mỗi cá nhân. Vấn đề then chốt của tiến trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng là đạo đức của con người và nếu câu chuyện này không được tái cơ cấu lại đây sẽ là khởi điểm của những sai phạm trong thời gian tới”.

Bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc EY Việt Nam nhận định, một trong những biện pháp hiệu quả để hỗ trợ các ngân hàng ngăn ngừa tận gốc nợ xấu chính là các công cụ đo lường và quản lý rủi ro. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng, việc các công cụ này có được sử dụng hay không hoặc được sử dụng một cách hiệu quả hay không còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như con người… Do đó, các ngân hàng chỉ có thể có được một khung quản lý tín dụng hiệu quả khi kết hợp các yếu tố này với nhau, tạo nên một cấu trúc đa chiều, cân bằng và bền vững.       

Tin bài liên quan