Có ý kiến cho rằng VAMC giống như một kho lưu giữ nợ xấu - Ảnh: Hoài Nam

Có ý kiến cho rằng VAMC giống như một kho lưu giữ nợ xấu - Ảnh: Hoài Nam

Tái cấu trúc ngân hàng mới chỉ qua được bước đầu

(ĐTCK) Hệ thống ngân hàng vẫn được coi là “huyết mạch” của nền kinh tế, đóng vai trò quan trọng trong hệ thống trung gian tài chính. Tại Việt Nam, trong điều kiện thị trường vốn chưa thực sự phát triển, nền kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào hệ thống ngân hàng.

Hoạt động thông suốt và hiệu quả của hệ thống ngân hàng góp phần duy trì và nâng cao hiệu quả các hoạt động kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Hệ thống ngân hàng Việt Nam trong những năm qua đã phát triển rất nhanh, với tổng tài sản gấp hơn 1,5 lần GDP vào cuối năm 2014; tổng tín dụng cho nền kinh tế lên khoảng 100% GDP, đáp ứng nhu cầu phát triển của đất nước.

Tái cấu trúc ngân hàng mới chỉ qua được bước đầu ảnh 1

Ông Tomoyuki Kimura, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tại Việt Nam
 

Tuy nhiên, chính sự bùng nổ hoạt động cả về quy mô và mức độ đa dạng của hệ thống ngân hàng trong thời gian ngắn đã tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy cơ lớn tác động đến sự an toàn và lành mạnh của cả hệ thống. Đặc biệt, từ năm 2011, hệ thống ngân hàng bắt đầu bộc lộ nhiều dấu hiệu căng thẳng và tích tụ những yếu tố dễ bị tổn thương, nợ xấu có xu hướng tăng mạnh, sau một quá trình tăng mạnh tốc độ mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, cùng với những yếu kém của khu vực doanh nghiệp (DN), khu vực bất động sản và tình trạng suy giảm chung của nền kinh tế. Tất cả những thách thức này đã đặt ra yêu cầu cấp thiết phải tiến hành tái cơ cấu.

Là một trong các đối tác phát triển quan tâm và hỗ trợ phát triển hệ thống tài chính Việt Nam từ nhiều năm qua, chúng tôi ủng hộ việc Chính phủ Việt Nam đã kịp thời xây dựng và triển khai đề án tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng mà trọng tâm là hệ thống ngân hàng. Đề án đã được đặt trong tổng thể thực hiện tái cấu trúc nền kinh tế nhằm phát triển kinh tế bền vững. Việc tái cơ cấu hệ thống TCTD cũng được tiến hành đồng thời với tái cơ cấu DNNN và tái cơ cấu đầu tư công.

Cụ thể, Chính phủ và NHNN Việt Nam đã xác định rõ mục tiêu cơ cấu lại căn bản, triệt để và toàn diện hệ thống tổ chức tín dụng theo hướng hiện đại, an toàn, hiệu quả, nâng cao khả năng cạnh tranh dựa trên nền tảng công nghệ, quản trị ngân hàng tiên tiến, phù hợp thông lệ quốc tế.

Một điểm quan trọng là việc triển khai tái cơ cấu hệ thống TCTD đã được gắn liền với thực hiện các giải pháp xử lý nợ xấu nhằm duy trì an toàn hoạt động ngân hàng và lành mạnh hóa tình hình tài chính của các TCTD. Có khá nhiều giải pháp đặt ra trong Đề án cơ cấu lại các TCTD giai đoạn 2011-2015, cũng như Đề án xử lý nợ xấu của các TCTD và Đề án thành lập Công ty Quản lý tài sản các TCTD (VAMC) đã được tiếp thu từ những khuyến nghị của cộng đồng các nhà tài trợ, các đối tác phát triển, nhất là các kiến nghị của Đoàn FSAP (do WB và IMF phối hợp thực hiện) vận dụng linh hoạt vào điều kiện cụ thể của Việt Nam.

Hệ thống ngân hàng cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia vào quá trình tái cơ cấu - Ảnh: Lê Toàn

Những chuẩn mực mới

ADB và các đối tác phát triển khác cũng đã ghi nhận nỗ lực và những kết quả ban đầu của NHNN trong thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng.

Trước hết, thông qua hoạt động hỗ trợ thanh khoản kịp thời và các giải pháp sáp nhập, mua lại (M&A), nguy cơ khủng hoảng thanh khoản ở một số ngân hàng yếu kém và nguy cơ đổ vỡ hệ thống đã được đẩy lùi.

Ngay từ cuối năm 2011, các ngân hàng yếu kém có nguy cơ khủng hoảng thanh khoản và nguy cơ đổ vỡ đã được NHNN kiểm soát, giám sát chặt chẽ và có giải pháp xử lý thích hợp, thanh khoản của hệ thống dần đi vào ổn định. Việc kịp thời nhận diện và phân loại các ngân hàng để có giải pháp xử lý phù hợp giúp NHNN duy trì ổn định hệ thống ngân hàng, ổn định thị trường tiền tệ.

Trong giai đoạn 2012-2013, 8 trong số 9 ngân hàng yếu kém từng bước thực hiện phương án cơ cấu lại theo hướng lành mạnh hóa hoạt động. Hệ thống quản trị, kiểm soát và kiểm toán nội bộ, hệ thống quản trị rủi ro được các ngân hàng chú trọng củng cố.

Bên cạnh việc tập trung chỉ đạo xử lý 9 ngân hàng thương mại yếu kém đã được xác định từ năm 2012, NHNN tiếp tục đánh giá và xác định thêm một số TCTD yếu kém khác và yêu cầu những TCTD này xây dựng phương án tái cơ cấu, tự củng cố, chấn chỉnh hoạt động. Bản thân các ngân hàng yếu kém tiếp tục đẩy mạnh đổi mới để nâng cao hiệu quả quản trị, điều hành, kiện toàn tổ chức, củng cố mạng lưới, chiến lược kinh doanh, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và hiện đại hóa công nghệ ngân hàng.

Hoạt động sáp nhập, hợp nhất, mua lại theo nguyên tắc tự nguyện được NHNN khuyến khích và tạo điều kiện thực hiện không chỉ đối với các TCTD yếu kém mà còn đối với các TCTD lành mạnh để tăng quy mô hoạt động và khả năng cạnh tranh. Tiến trình tái cơ cấu hiện đang chuyển sang một giai đoạn mới với những giải pháp quyết liệt hơn từ phía NHNN, kể cả việc mua lại bắt buộc các TCTD yếu kém.

Thứ hai, những nỗ lực của NHNN và hệ thống TCTD trong việc xử lý nợ xấu đã đạt một số kết quả ban đầu. Có thể thấy NHNN đã trình Chính phủ phê duyệt Đề án tổng thể về xử lý nợ xấu của hệ thống TCTD và Đề án thành lập VAMC vào năm 2013 với 5 nhóm giải pháp tổng thể để xử lý nợ xấu trên quy mô lớn, phòng ngừa và hạn chế nợ xấu gia tăng, qua đó khơi thông dòng chảy vốn tín dụng cho nền kinh tế và lành mạnh hóa tình hình tài chính của các TCTD. 

Việc xác định rõ ràng và kịp thời thông qua các nhóm giải pháp tổng thể về xử lý nợ xấu nêu trên là một mốc quan trọng, tiền đề cho việc thực hiện thành công Đề án tái cơ cấu hệ thống TCTD. Xử lý “nút thắt” gây ra nợ xấu rất cần gắn liền việc “phá băng” thị trường bất động sản, giải quyết hàng tồn kho cho DN, thúc đẩy tái cơ cấu DNNN… Xử lý nợ xấu là một quá trình phức tạp, đòi hỏi nỗ lực của các ngành, các cấp, các địa phương. Vì vậy, việc một Ban chỉ đạo liên ngành đã được thiết lập để chỉ đạo thực hiện tiến trình tái cơ cấu và xử lý nợ xấu là rất cần thiết.

Trên thực tế, Công ty VAMC đã được thành lập vào tháng 7/2013 và bắt đầu hoạt động mua nợ xấu từ những tháng cuối năm 2013. Đến cuối năm 2014, VAMC đã mua được trên 120.000 tỷ đồng nợ xấu và thực hiện một số giải pháp cơ cấu lại nợ, miễn giảm lãi suất… để hỗ trợ khách hàng khắc phục khó khăn và phục hồi. Với một định chế mới thành lập và đi vào hoạt động còn nhiều khó khăn, nhất là nguồn lực về tài chính rất hạn hẹp và không sử dụng nguồn tiền ngân sách nhà nước trong xử lý nợ, kết quả sơ bộ ban đầu như trên là rất đáng ghi nhận.

NHNN đã chỉ đạo các ngân hàng và các TCTD tiết giảm chi phí để tăng trích lập dự phòng và xử lý nợ xấu bằng dự phòng, tích cực thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm, tăng cường chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu mới gia tăng… Đồng thời, NHNN cũng đã tăng cường thanh tra tại chỗ, giám sát từ xa, phát hiện, có giải pháp xử lý kịp thời. Những nỗ lực nêu trên đã đem lại một số kết quả bước đầu trong công tác xử lý nợ xấu, hạn chế nợ xấu gia tăng.

Thứ ba, NHNN đã tích cực hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để tăng cường an toàn, hiệu quả hoạt động ngân hàng, thúc đẩy tiến trình xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống TCTD. Từ tháng 6/2014, NHNN đã bắt đầu thực hiện căn bản các nội dung quy định mới (Thông tư 02) về phân loại nợ và trích lập dự phòng rủi ro, phù hợp hơn với thông lệ quốc tế. Đến tháng 4/2015, toàn bộ các quy định của Thông tư 02 có hiệu lực thi hành, giúp xác định chính xác hơn quy mô nợ xấu, làm cơ sở có các giải pháp xử lý nợ phù hợp hơn trong thời gian tới.

NHNN cũng bắt đầu tiến hành các giải pháp xử lý sở hữu chéo trên toàn hệ thống song song với việc thực hiện chủ trương khuyến khích, đẩy nhanh các hoạt động hợp nhất, sáp nhập, góp phần lành mạnh hóa hệ thống TCTD.

Với việc ban hành thông tư mới (Thông tư 36) quy định về các tỷ lệ an toàn, giới hạn trong hoạt động ngân hàng, NHNN đã tạo ra chuẩn mực mới về quản trị, an toàn hoạt động ngân hàng và giám sát ngân hàng, tiếp cận sát hơn thông lệ quốc tế về quản trị, quản lý, giám sát ngân hàng, từng bước thực hiện các quy định của Basel II về bảo đảm trong hoạt động ngân hàng.

Thông tư 36 có hiệu lực thi hành ngay từ tháng 2/2015 cho thấy quyết tâm của NHNN nhằm nâng cao an toàn hoạt động ngân hàng, hạn chế sở hữu chéo không lành mạnh, tập trung vốn, thao túng, chi phối hoạt động ngân hàng thông qua các bên liên quan. Đây là các vấn đề  hết sức phức tạp, nhất là trong điều kiện tính minh bạch về thông tin tài chính còn hạn chế, ảnh hưởng đến việc thực hiện mục tiêu tái cơ cấu hệ thống TCTD.

Để tăng cường quản trị rủi ro, đảm bảo an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN đã bước đầu xây dựng và triển khai lộ trình áp dụng các chuẩn mực Basel II đồng thời với việc chuyển sang thực hiện thanh tra, giám sát trên cơ sở rủi ro. Chúng tôi cho rằng, việc thực hiện Basel II theo lộ trình là rất cần thiết và phù hợp với điều kiện thực tiễn Việt Nam.

Một điểm đáng lưu ý là NHNN đã trình và Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định mới về giới hạn tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các TCTD Việt Nam, trong đó một nội dung mới được quy định đáng chú ý là “trong trường hợp đặc biệt, để thực hiện cơ cấu lại TCTD yếu kém, Thủ tướng sẽ quy định tỷ lệ sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài vượt quá giới hạn quy định trong từng trường hợp cụ thể. Điều này cho thấy quyết tâm của NHNN và Chính phủ trong việc mở cánh cửa đầu tư đối với các nhà đầu tư ngoại, tạo điều kiện thúc đẩy tái cơ cấu TCTD.

Những vấn đề tiếp tục xử lý

Kinh nghiệm của nhiều nước cho thấy, để thực hiện thành công tái cơ cấu TCTD, nguồn lực về tài chính là một trong các yếu tố rất quan trọng. Nguồn lực tài chính có thể từ trong nước và từ các nguồn nước ngoài. Nội lực trong nước có thể không chỉ từ phía Chính phủ, mà còn từ nguồn vốn của  khu vực tư nhân.

Chi phí của quá trình tái cơ cấu và các nguồn lực tài chính cần thiết để thực hiện tái cơ cấu cần được xác định rõ và có giải pháp cụ thể thực hiện. Như nêu trên, Chính phủ đã ban hành quy định, mở cánh cửa đối với các nhà đầu tư nước ngoài tham gia tái cơ cấu ngân hàng. Tuy nhiên, các giải pháp triển khai trên thực tế cần được thúc đẩy hơn nữa để các quy định thực sự đi vào cuộc sống.

Trong xử lý nợ xấu, mô hình VAMC - định chế mua bán nợ tập trung để xử lý nợ một cách tổng thể, phần nào đã tiếp thu kinh nghiệm của một số nước trên thế giới và khu vực châu Á (Thái Lan, Malaysia, Indonesia…). Tuy nhiên, việc không sử dụng vốn ngân sách nhà nước lại là đặc điểm riêng ở Việt Nam.

Thời gian qua, VAMC đã đạt được kết quả bước đầu trong việc mua nợ xấu từ các TCTD. Song, hoạt động mua nợ xấu theo giá thị trường vẫn chưa có điều kiện thực hiện, tiến độ bán và xử lý nợ xấu, xử lý tài sản bảo đảm rất chậm, khiến nhiều ý kiến cho rằng, VAMC giống như một kho lưu giữ nợ xấu. Vấn đề đặt ra là cần có được một khuôn khổ pháp lý đủ mạnh, trao quyền nhiều hơn cho VAMC kèm theo một nguồn lực tài chính phù hợp.

Khung pháp lý cho một thị trường mua bán nợ cần phải sẵn sàng và thực thi hiệu quả. Cơ chế định giá các khoản nợ xấu một cách minh bạch và công khai cần được thiết lập để thúc đẩy việc mua bán nợ xấu theo giá thị trường. Các quy trình xử lý tài sản bảo đảm và vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan cần được tiếp tục rà soát để đẩy nhanh hơn nữa tiến độ xử lý nợ xấu.

Tái cơ cấu TCTD là một quá trình phức tạp, nhạy cảm, đòi hỏi nỗ lực chung của tất cả các cơ quan, bộ, ngành, địa phương có liên quan. Một cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các bên liên quan cần được thực thi hiệu quả. Tái cơ cấu DNNN cũng cần đẩy nhanh tiến độ hơn nữa để hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu các TCTD. Sáp nhập, hợp nhất, mua lại các TCTD yếu kém chưa thể xử lý triệt để các vấn đề của các TCTD yếu kém.

Để đảm bảo thực hiện thành công tái cơ cấu TCTD, việc thực hiện quyết liệt các giải pháp xử lý nợ xấu, giảm số lượng các TCTD thực sự yếu kém, đồng thời tăng cường quy mô, năng lực tài chính và quản trị ngân hàng tiên tiến theo thông lệ quốc tế, giải quyết tình trạng sở hữu chéo không lành mạnh là vô cùng cần thiết.

Đặc biệt, NHNN và hệ thống ngân hàng cần tiếp tục thực hiện mạnh mẽ các giải pháp nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tham gia vào quá trình tái cơ cấu, đào tạo một đội ngũ cán bộ có đủ năng lực, sẵn sàng tiếp cận công nghệ ngân hàng tiên tiến, hiện đại và các chuẩn mực, thông lệ quốc tế.

Nhân dịp kỷ niệm 64 năm ngày thành lập Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), tôi xin thay mặt Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) gửi lời chúc mừng tới toàn thể cán bộ, nhân viên NHNN Việt Nam và hệ thống ngân hàng Việt Nam nói chung. Chúng tôi rất vui mừng nhận thấy sau 64 năm xây dựng và phát triển, NHNN và hệ thống ngân hàng Việt Nam đã ngày càng đóng góp tích cực vào công cuộc phát triển kinh tế - xã hội đất nước. NHNN đã đạt một số kết quả bước đầu trong tiến trình thực hiện tái cơ cấu ngân hàng, nói một cách rộng hơn là tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD).

Tin bài liên quan