BIDV là ngân hàng chủ lực tài trợ vốn cho các dự án tại Lào, Campuchia và Myanma

BIDV là ngân hàng chủ lực tài trợ vốn cho các dự án tại Lào, Campuchia và Myanma

Soi nguồn vốn của các đại gia làm dự án khủng - Kỳ 2: bí quyết tạo nguồn vốn lớn

(ĐTCK) Trong bài trước, Đầu tư Chứng khoán đã điểm lại một số dự án lớn có liên quan tới các cổ đông trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, một điều rất rõ ràng rằng, để triển khai được các dự án hàng chục nghìn tỷ đồng thì vốn từ ngân hàng chỉ là một phần câu chuyện.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia ngân hàng, trong kinh doanh quốc tế, nguồn vốn để các tỷ phú, các tập đoàn đến từ rất nhiều kênh: thị trường trái phiếu, thị trường chứng khoán, vốn từ các quỹ đầu tư, rồi mới đến vốn thương mại của các ngân hàng. Vốn thương mại của các ngân hàng thường có tính chất ngắn hạn nên không được ưu tiên, nếu có sự xuất hiện của ngân hàng thì chủ yếu là các ngân hàng đầu tư (investment bank), chứ không phải là ngân hàng thương mại.

“Đây cũng là điểm bất cập của thị trường tài chính Việt Nam, các ngân hàng thương mại đang phải gánh quá nhiều vai trò khi các thị trường khác chưa giữ được vai trò như phải có”, TS. Cấn Văn Lực nhận xét.

Sự phụ thuộc vào nguồn vốn ngân hàng của các doanh nghiệp, tập đoàn Việt Nam không chỉ xảy ra ở các dự án trong nước mà còn cả các dự án đầu tư ra nước ngoài. Cách đây khoảng 4 năm, từ đề xuất hỗ trợ của Hiệp hội Các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVIL) do ông Trần Bắc Hà làm Chủ tịch, đồng thời là Chủ tịch BIDV, một số dự án của Việt Nam tại Lào đã được cấp phép như: Dự án muối mỏ Kali của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam; Dự án tổ hợp Mía đường của Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (HAGL) tại tỉnh Attapeu (Lào)…

Sau này tại Lào có thêm nhiều dự án khác, nhưng dường như tất cả đều cần có sự cam kết từ BIDV trong vai trò nhà tài trợ vốn chính.

Đối với thị trường bất động sản, trong 10 nguyên nhân được Bộ Xây dựng chỉ ra về sự yếu kém của thị trường thì nguyên nhân: hệ thống các định chế tài chính bất động sản chưa được hoàn thiện, thiếu nguồn vốn trung và dài hạn cho thị trường, là nguyên nhân được xếp thứ tư.

Trong các dự án bất động sản mới và tái khởi động trong gần 1 năm trở lại đây, ngay từ khâu quảng bá về dự án đã thấy xuất hiện tên các nhà băng. Ngân hàng tham gia tất cả các khâu từ cho vay ban đầu, tài trợ xây dựng hạ tầng trước khi đủ điều kiện bán hàng, quản lý dòng tiền của khách, cho vay người mua nhà…

Nhưng khi các nhà phát triển bất động sản phát triển các dự án quá lớn hoặc nhiều dự án với tổng số vốn lên tới hàng trăm nghìn tỷ thì vốn ngân hàng là không đủ. Đã có những giải pháp tạo tiền mang tính tiên phong như bán toàn bộ dự án cũ và phát hành trái phiếu quốc tế hàng trăm triệu USD, như đại gia lớn nhất thị trường bất động sản hiện nay đã làm giai đoạn 2011 - 2013.

Thị trường chứng khoán, dù vẫn được coi là chưa phát triển đúng tầm, nhưng đã có nhiều minh chứng thành công về việc doanh nghiệp có thể huy động số vốn hàng nghìn tỷ đồng để các tập đoàn tư nhân phát triển các dự án mới.

Với các nhà đầu tư đang bám thị trường hiện nay, họ có thể đọc tên các mã nóng đang phát hành tăng vốn để phát triển các dự án, mua lại doanh nghiệp khác dù dự án hay doanh nghiệp đó khá xa xôi tại Thanh Hóa, Cần Thơ, Phú Quốc, hay cả tận… Campuchia, Lào, Myanma. Tất cả đều có đơn vị cả nghìn tỷ đồng.

Nhưng để huy động vốn lớn theo cách này phải khẳng định là không dễ. Một lãnh đạo doanh nghiệp thừa nhận, kể cả khi có dự án tốt thì vẫn phải có “bí quyết” để nhà đầu tư yên tâm bỏ tiền mua cổ phiếu phát hành thêm. Có 3 điểm quan trọng phải làm đó là khiến nhà đầu tư: nghe thấy ổn, xem thấy tốt và giá cổ phiếu phải… cao.

“Nghe thấy ổn thì phải nhờ truyền thông, các diễn đàn mạng và cả mạng xã hội với mật độ thông tin dày đặc, phân tích đa chiều. Xem thấy tốt thì hình ảnh dự án phải long lanh, phải tổ chức cho nhà đầu tư đi thực địa, phải có chuyên gia uy tín thuyết trình. Còn giá cổ phiếu cao, thanh khoản lớn là một… nghệ thuật”, vị lãnh đạo này cho biết. 

Thuyết phục nhà băng, không dễ!

Phải khẳng định rằng, tất cả các “bí quyết” trên chỉ áp dụng được trong một số trường hợp cá biệt, để tài trợ vốn cho đa số dự án vẫn phải quay lại địa điểm cũ: ngân hàng. Theo Phó tổng giám đốc một ngân hàng phụ trách nhóm khách hàng lớn, trong khoảng 1 năm trở lại đây, ông nhận được khá nhiều hồ sơ đề nghị ngân hàng tài trợ vốn cho các dự án lớn.

“Hầu hết dự án khi được lập thì rất khả thi, nhưng để thuyết phục được ngân hàng cùng đồng hành lại là một câu chuyện khác”, vị Phó tổng giám đốc này cho biết.

Đã có nhiều dự án thất bại vì chủ đầu tư không tìm được tiếng nói chung với ngân hàng. Câu chuyện Dự án Trung tâm Nhiệt điện Kiên Lương là một ví dụ. Dự án này do CTCP Năng lượng Tân Tạo (thuộc ITA được biết đến với Chủ tịch HĐQT Đặng Thị Hoàng Yến) làm chủ đầu tư.

Khi mới ra mắt, dự án được coi là mũi nhọn đột phá cho Tân Tạo, tuy nhiên đến năm 2013, ông Nguyễn Tuấn Minh, Tổng giám đốc ITA khi đó đã phải thừa nhận sự chậm trễ của dự án là do chưa thu xếp được vốn đầu tư.

Còn trên thị trường, các nhà đầu tư đều hiểu về nguyên nhân các nhà băng quay lưng với kế hoạch của ITA.

Việc doanh nghiệp khai trương dự án rầm rộ với sự góp mặt của các đại gia ngân hàng nhưng rồi ngân hàng âm thầm, lặng lẽ rút lui và đi cùng với đó là sự đổ bể của dự án là không ít thời gian qua. Cái tên được nhắc đến trong câu chuyện như một ngân hàng TMCP đang đợi thoái vốn của một tập đoàn nhà nước đã tham gia vào dự án xây dựng bất động sản của một doanh nghiệp nhà nước.

“Dự án ngày càng thể hiện sự không hiệu quả nên Ban lãnh đạo ngân hàng quyết định ‘chạy’ trước khi lún sâu hơn và dự án cũng dừng lại vì không đàm phán được tiếp với ngân hàng nào. Món nợ xấu của ngân hàng tại dự án này giờ không biết đi đâu về đâu”, một cán bộ ngân hàng cho biết.

Một thực tế cho thấy, các doanh nghiệp Việt Nam luôn gặp nhiều khó khăn trong việc huy động vốn khi cần và việc dựa vào vốn ngân hàng không phải lúc nào cũng được như mong muốn khiến quy mô của dự án dần bị thu hẹp, dẫn tới phá sản nếu nguồn tiền vay dừng. Các giải pháp thu hút vốn đều được đề cập đến như qua thị trường chứng khoán, thị trường trái phiếu, quỹ đầu tư, đều đã xuất hiện, nhưng mới dừng ở quy mô khiêm tốn.

Tin bài liên quan