Siết lại việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn

Siết lại việc cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn

(ĐTCK) Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa có công văn gửi đến các tổ chức tín dụng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam về việc cảnh báo cho vay cầm cố sổ tiết kiệm không có phương án sử dụng vốn vay.

Theo NHNN, qua công tác thanh tra, giám sát cho thấy có hiện tượng một số tổ chức tín dụng (TCTD), chi nhánh ngân hàng nước ngoài cho khách hàng vay vốn có đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm nhưng không có phương án sử dụng vốn vay theo quy định tại Thông tư 39/2016, vi phạm quy định của NHNN về sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay.

Để đảm bảo ổn định thị trường tiền tệ và an toàn hoạt động ngân hàng, NHNN yêu cầu các TCTD không thực hiện các hành vi cạnh tranh không lành mạnh; chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật về cho vay, về lãi suất huy động bằng ngoại tệ, về sử dụng phương án không dùng tiền mặt để giải ngân vốn vay; kiểm soát chặt chẽ khoản vay, đặc biệt là kiểm soát mục đích sử dụng vốn vay và giải ngân vốn vay đối với các khoản vay đảm bảo bằng cầm cố sổ tiết kiệm.

NHNN sẽ xử lý nghiêm các TCTD cố tình vi phạm. Đồng thời, NHNN yêu cầu các TCTD tăng cường công tác tự kiểm tra, kiểm soát việc tuân thủ các quy định của pháp luật và quy định nội bộ liên quan đến hoạt động huy động vốn và cho vay, đặc biệt là các khoản cho vay có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm; chủ động xử lý nghiêm và kịp thời các trường hợp vi phạm.

Các TCTD phải rà soát, sửa đổi,bổ sung, hoàn thiện các quy định nội bộ, bao gồm cả quy định về việc cho vay có bảo đảm bằng cầm cố sổ tiết kiệm, đảm bảo tuân thủ các quy định của pháp luật về tiền tệ và hoạt động ngân hàng.

TCTD phải kịp thời báo cáo cơ quan thanh tra giám sát NHNN và NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố những trường hợp vi phạm; những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện các quy định của pháp luật về hoạt động ngân hàng để có biện pháp xử lý đảm bảo an toàn hoạt động.

Nếu có những khách hàng vay cầm cố sổ tiết kiệm chỉ nhằm rút tiền ra trước hạn để gửi vào các ngân hàng khác có lãi suất tiền gửi cao hơn để hưởng chênh lệch lãi suất thì rõ ràng đang gây ra một số vấn đề cho hệ thống

Trong báo cáo Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2019 toàn ngành ngân hàng, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cũng có chỉ đạo cần xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật các TCTD tiếp tục để xảy ra các hành vi vi phạm đã được cảnh báo, đặc biệt là các ngân hàng cho vay cầm cố sổ tiết kiệm  không có mục đích sử dụng vốn hoặc mục đích sử dụng vốn không hợp pháp.

Thực tế cho thấy, dư nợ co vay cầm cố bằng sổ tiết kiệm trong hệ thống các TCTD không phải là con số nhỏ, vì không ít khách hàng gửi tiết kiệm nhưng sau đó cần tiền xử lý công việc, nếu rút tiền gửi trước hạn thì theo quy định sẽ phải chịu lãi suất không kỳ hạn rất thấp, do đó nhiều người chọn vay cầm cố sổ tiết kiệm, với lãi suất vay cao hơn lãi suất gửi tiền trên sổ tiết kiệm hiện hữu.

Hạn mức vay thường được các ngân hàng giải ngân từ 90% giá trị tiền gửi của sổ tiết kiệm. Do ngân hàng nắm chắc được đằng "cán" là tài sản đảm bảo chính là sổ tiết kiệm mở tại ngân hàng mình hoặc ở ngân hàng khác nên scho vay cầm cố sổ tiết kiệm được xem là có tính an toàn cao.

Tuy nhiên, theo nhận định của giới phân tích tài chính, nếu có những khách hàng vay cầm cố sổ tiết kiệm chỉ nhằm rút tiền ra trước hạn để gửi vào các ngân hàng khác có lãi suất tiền gửi cao hơn để hưởng chênh lệch lãi suất thì rõ ràng đang gây ra một số vấn đề cho hệ thống, nhất là trong thời gian gần đây nhiều ngân hàng liên tiếp phát hành các giấy tờ có giá như: chứng chỉ tiền gửi, trái phiếu... với lãi suất rất cao.

Tin bài liên quan