OceanBank, một trong 3 ngân hàng yếu kém bị mua lại với giá 0 đồng. Ảnh: Chí Cường

OceanBank, một trong 3 ngân hàng yếu kém bị mua lại với giá 0 đồng. Ảnh: Chí Cường

Sẽ bắt buộc M&A ngân hàng yếu kém nếu không chủ động

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khuyến khích các tổ chức tín dụng yếu kém (TCTD) sáp nhập, hợp nhất (M&A) trên tinh thần tự nguyện, đảm bảo quyền lợi của hai bên. Tuy nhiên, nếu không chủ động, thời gian tới sẽ bắt buộc. 

NHNN đang hoàn thiện Đề án Cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020 theo chỉ đạo của Chính phủ để báo cáo Bộ Chính trị. Trên cơ sở phê duyệt và chỉ đạo của Bộ Chính trị, Chính phủ đối với Đề án, trong năm 2017, NHNN sẽ xây dựng kế hoạch, tập trung nguồn lực để triển khai quyết liệt, toàn diện các giải pháp tại Đề án.

Lãnh đạo NHNN cho biết, thời gian tới, không chỉ các ngân hàng thương mại (NHTM) yếu kém, mà các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, các quỹ tín dụng nhân dân cũng sẽ được đưa vào xử lý dứt điểm. NHNN đã cơ bản nhận diện được đầy đủ các ngân hàng yếu kém, cả về số lượng cũng như vấn đề yếu kém trọng yếu cần xử lý của các ngân hàng này, trên cơ sở đó tham mưu các phương án xử lý.

Từ cuối năm 2011 đến nay, NHNN đã xử lý 9 ngân hàng yếu kém. Một số cái tên đã rút khỏi thị trường tài chính bằng biện pháp M&A như: Habubank (sáp nhập vào SHB), Western Bank (hợp nhất với PVFC), ngân hàng Tín Nghĩa, Đệ Nhất (hợp nhất cùng ngân hàng Sài Gòn - SCB) thành NHTM hợp nhất SCB, DaiA Bank sáp nhập vào HDBank, SouthernBank sáp nhập vào Sacombank, MekongBank sáp nhập vào MaritimeBank; MHB sáp nhập vào BIDV.            

Cụ thể, NHNN đã khoanh vùng 5 ngân hàng TMCP yếu kém, trong đó bao gồm cả 3 ngân hàng “0 đồng” là Ngân hàng Đại Dương (OceanBank), Ngân hàng Xây dựng (CBank), Ngân hàng Dầu khí Toàn cầu (GBank) và lên phương án xử lý ngay trong năm 2017, ngay sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết, việc nợ xấu và tái cơ cấu ngành có những khó khăn nhất định, cho dù trong năm qua đã được đẩy mạnh. Hệ thống vẫn còn tồn tại những vấn đề yếu kém, trong đó có hoạt động của các ngân hàng cần đẩy mạnh tái cơ cấu, điều chỉnh. Hiện đề án tái cơ cấu của 5 ngân hàng, trong đó có 3 ngân hàng 0 đồng và Ngân hàng Đông Á (DongA Bank), Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) sau sáp nhập thêm Ngân hàng Phương Nam (SouthernBank) đã được NHNN trình Bộ Chính trị và đã được chấp thuận. NHNN cho biết, đã xây dựng đề án tái cơ cấu chi tiết để triển khai trong thời gian tới, nhằm tái cơ cấu hoạt động của các ngân hàng trên.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia tài chính - ngân hàng, nên đưa 3 ngân hàng 0 đồng sáp nhập vào những NHTM nhà nước đang tham gia hỗ trợ, với điều kiện phải có công cụ, cơ chế để những NHTM nhà nước này sẵn sàng nhận sáp nhập. Hiện CBank đang được Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) hỗ trợ và OceanBank, GPBank do Ngân hàng Công thương Việt Nam (VietinBank) đảm nhận cải tổ…

Trong buổi làm việc với Phó thủ tướng Vương Đình Huệ mới đây, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vietcombank cho biết, Vietcombank đã chủ động xây dựng, hỗ trợ một NHTM yếu kém và đã đăng ký với Thống đốc và trình Chính phủ. Sau khi nhận được phê chuẩn của Chính phủ và NHNN, Vietcombank cam kết sẽ là ngân hàng tiên phong tái cơ cấu thành công một ngân hàng yếu kém do Chính phủ và NHNN giao. Trước đó, Vietcombank được NHNN giao nhiệm vụ hỗ trợ CBank trong các lĩnh vực nguồn vốn và kinh doanh tiền tệ, tín dụng, tài trợ thương mại, quản trị, trao đổi và cung cấp thông tin. 

Thực tế, nếu không sáp nhập vào một đơn vị khác, các ngân hàng nhỏ, yếu kém sẽ khó có thể tồn tại và cạnh tranh được trước tình hình thị trường tài chính đối mặt khủng hoảng thời gian qua và chưa hết khó khăn. Đáng chú ý, khi vốn điều lệ của các ngân hàng quy mô nhỏ, yếu kém chỉ ở mức khiêm tốn 3.000 tỷ đồng, quản trị yếu kém và lợi nhuận sụt giảm mạnh trong những năm gần đây, chưa đạt 20-30% kế hoạch của năm, nên việc đề nghị tự nguyện sáp nhập được xem là giải pháp tốt nhất.

Trong 3 năm gần đây, kế hoạch tăng vốn điều lệ của nhiều ngân hàng nhỏ khó thực thi, kể cả khi các nhà băng tăng vốn thông qua việc phát hành ưu đãi. Saigonbank, DongA Bank… là những cái tên nổi cộm trong việc thất bại kế hoạch tăng năng lực tài chính nhiều năm liền.

Ngoài xử lý ngân hàng yếu kém, các công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính và các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém cũng đang trong “tầm ngắm” của NHNN. Trong Chỉ thị số 02/CT-NHNN về tăng cường bảo đảm an toàn hệ thống các TCTD, tiếp tục đẩy mạnh cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu, Thống đốc NHNN đã nhấn mạnh việc tiếp tục tạo điều kiện cho các TCTD M&A. Các nhà đầu tư có đủ điều kiện được khuyến khích tham gia cơ cấu lại TCTD, nhằm xử lý những đơn vị yếu kém, tăng quy mô và nâng cao năng lực cạnh tranh.

Tin bài liên quan