Sao sợ Thông tư 02?

Sao sợ Thông tư 02?

Các chuyên gia khuyến cáo, từ ngày 1/6/2014, bức tranh nợ xấu sẽ lộ diện khi chính thức áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN. Do đó, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cần lên sẵn phương án đối phó với các trường hợp xấu nhất.

Không thể làm lạc đà chui đầu vào cát

Mặc dù bị các tổ chức tín dụng “dọa” việc áp dụng Thông tư 02/2013/TT-NHNN (về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc

sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro) có thể dẫn tới sự đổ bể mang hiệu ứng domino của hệ thống, song NHNN khẳng định, không lùi thời hạn thực hiện thông tư này thêm nữa. 

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, quyết tâm thực hiện Thông tư 02 của NHNN là một dấu hiệu tích cực, cho thấy Việt Nam đang chuẩn hóa quản lý nợ theo chuẩn thế giới, bởi nếu không hiểu bản chất, làm sao quản lý được nợ.

“Việc giấu nợ không khác gì hình ảnh con lạc đà chui đầu vào cát, cứ tưởng mình được giấu kín, nhưng thực ra thân hình vẫn lộ ra ngoài. Tất nhiên, khi thực hiện Thông tư 02, nợ xấu sẽ bộc lộ, có thể gây khó khăn cho cả ngân hàng và doanh nghiệp. Song chỉ khi nhìn rõ bức tranh nợ xấu, mới có thể có phương án xử lý dứt điểm. Cho nên, cùng với áp dụng Thông tư 02, NHNN cần chuẩn bị các phương án để đối phó với từng kịch bản một. Ví dụ, nợ xấu lên đến 20% (có thể đây là con số thực), thì sẽ giãn đến đâu, siết nợ đến đâu. Rồi nếu nợ xấu lên tới 40%, thì phải xử lý như thế nào”, ông Nguyễn Minh Phong nhận định và cho biết, việc chuẩn bị kịch bản xử lý thật tốt, sẽ tránh được những cú sốc và sự đổ vỡ, ảnh hưởng đến cả hệ thống.

Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, các ngân hàng không thể tự tiếp tục “đánh lừa” bản thân mình nữa. NHNN cũng phải vì lợi ích của cả nền kinh tế, dũng cảm phơi bày ung nhọt để xử lý. Trên thực tế, trước khi làm lộ sáng bức tranh nợ xấu, NHNN cũng đã nắm bắt được cơ bản tình hình sức khỏe thật của các ngân hàng. Vì vậy, không đáng lo về việc NHNN không có phương án xử lý khi nợ xấu thực được phơi bày.

Hơn nữa, nếu cứ cố tình giấu nợ, thì việc mua bán nợ với nước ngoài sẽ khó khăn. Đồng thời, thiếu minh bạch về nợ xấu cũng khiến quá trình mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, ngân hàng bị cản trở.

Nếu minh bạch, không sợ Thông tư 02

Theo ông Phạm Huy Hùng, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VietinBank, nội dung của Thông tư 02 là rất cần thiết đối với quản trị rủi ro của các ngân hàng theo chuẩn thế giới.

“Nếu thực hiện Thông tư 02, ảnh hưởng đối với VietinBank là có, nhưng không nhiều, do nhiều năm qua, chúng tôi luôn ý thức tự chấn chỉnh, kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động và quản trị rủi ro. Nợ xấu sổ sách của VietinBank hiện chỉ 0,9%. Nếu không minh bạch, nếu giấu nợ, chúng tôi không thể có chất lượng tín dụng như hiện nay. Nợ xấu không thể đậy vào rồi để đấy, mà cần phối hợp cùng doanh nghiệp giải quyết dứt điểm”, ông Hùng khẳng định.

Đại diện Ngân hàng Mekong Bank cho rằng, nếu ngân hàng xác định hoạt động bền vững, thì việc thực hiện Thông tư 02 không phải là đáng sợ.

Dự kiến, ngay tháng 1/2014, NHNN sẽ ban hành văn bản chính thức về việc thực hiện Thông tư 02 để các ngân hàng và doanh nghiệp chuẩn bị thực hiện.

Ông Đặng Văn Thảo, Phó chánh thanh tra, Cơ quan Thanh tra Giám sát ngân hàng (NHNN) cho biết, cùng với việc áp dụng Thông tư 02, trong năm 2014, có thể NHNN sẽ  thêm một số giải pháp để xử lý khối nợ xấu có khả năng tăng cao. Cụ thể, ngoài thúc giục ngân hàng bán nợ cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC), tăng trích lập dự phòng rủi ro, NHNN sẽ phân loại nợ xấu thành 3 nhóm.

Nhóm thứ nhất là các khách hàng đã giải thể, phá sản, nhưng không còn tài sản thế chấp, ngân hàng sẽ phải sử dụng nguồn trích lập dự phòng để xóa nợ.

Nhóm thứ hai là khách hàng hoạt động khó khăn, NHNN sẽ cho phép thực hiện giải pháp cơ cấu lại nợ như cho vay thêm, giãn nợ, giảm lãi…

Nhóm thứ ba là DN đã phá sản, nhưng có tài sản đảm bảo, thì sẽ cho phép ngân hàng tái thành lập hội đồng đấu giá để phát mại tài sản, giúp bán nợ nhanh hơn.

Tin bài liên quan