Quỹ Bảo lãnh tín dụng: Nguồn tín dụng tiềm năng chưa được khai phá

(ĐTCK) Thời gian qua, tuy lãi suất đã giảm và các ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), nhưng việc tiếp cận vốn tín dụng của khối này vẫn rất khó khăn, trong khi một nguồn tín dụng tiềm năng là các Quỹ Bảo lãnh tín dụng lại đang để ngỏ.

Tại Hội thảo “Giải pháp tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức cuối tuần trước, bà Hà Mỹ Hạnh, Phó giám đốc Khối DNNVV, Ngân hàng Quân đội (MB) cho biết, trong năm nay, Ngân hàng tiếp tục thực hiện có hiệu quả chương trình kết nối doanh nghiệp - ngân hàng.

Cụ thể, điều chỉnh giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp tham gia chương trình từ 1-1,5%/năm so với lãi suất cho vay thông thường, đảm bảo không vượt quá 6%/năm đối với cho vay ngắn hạn, không vượt quá 8%/năm đối với cho vay trung hạn…

“Sau 9 tháng, MB đã hỗ trợ vốn cho hơn 1.000 DNNVV mới, với tổng nguồn vốn hỗ trợ lên tới 5.000 tỷ đồng. Thời gian tới, MB tiếp tục dành 20.000 tỷ đồng cho nhóm khách hàng này thông qua các chính sách ưu đãi lãi suất”, bà Hạnh nói.

Thông tin khá chi tiết, đại diện Agribank cho biết, 8 tháng đầu năm 2017, tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp đạt gần 251.000 tỷ đồng, với khoảng 24.000 khách hàng.

Trong đó, dư nợ của DNNVV là gần 210.000 tỷ đồng, với khoảng 22.000 khách hàng, chiếm 84% tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp; dư nợ cho vay DNNVV có bảo đảm bằng tài sản vào khoảng 186.000 tỷ đồng, chiếm 89% dư nợ cho vay DNNVV.

Quỹ Bảo lãnh tín dụng: Nguồn tín dụng tiềm năng chưa được khai phá ảnh 1

 Nhiều DNNVV hiện vẫn trong tình trạng “đói” vốn.

Trước đó, năm 2016, tổng dư nợ cho vay doanh nghiệp của MB đạt 245.000 tỷ đồng, với gần 26.000 khách hàng. Trong đó dư nợ DNNVV là 208.000 tỷ đồng, với khoảng 23.500 khách hàng, chiếm khoảng 85% tổng dư nợ doanh nghiệp; dư nợ cho vay DNNVV có bảo đảm bằng tài sản là 182.300 tỷ đồng, chiếm 88% dư nợ cho vay DNNVV.

Ông Nguyễn Đình Vinh, Phó tổng giám đốc VietinBank chia sẻ, để quyết định cung cấp dịch vụ tài chính toàn diện cho doanh nghiệp, nhất là DNNVV, ngân hàng cần hiểu rõ nhu cầu của doanh nghiệp, từ đó đưa ra các giải pháp phù hợp.

“Song song với đó là rút giảm quy trình, đơn giản hóa thủ tục và thông báo sớm cho khách hàng về kết quả thẩm định… nhằm giúp tiết kiệm chi phí, thời gian, nhân lực cho doanh nghiệp”, ông Vinh nói.

Quỹ Bảo lãnh tín dụng - Nguồn cấp vốn tiềm năng cho DNNVV

Theo nhóm nghiên cứu Đại học Sao đỏ, dù lãi suất đã giảm và các ngân hàng cũng đẩy mạnh cho vay DNNVV, nhưng trên thực tế, việc tiếp cận vốn tín dụng của khối này vẫn rất hạn chế, khiến đa phần DNNVV luôn trong tình trạng “đói” vốn.

“Ngay cả khi tiếp cận được vốn vay lãi suất cao, nhưng vì thời gian vay vốn ngắn nên các doanh nghiệp gặp khó trong việc quay vòng vốn”, nhóm nghiên cứu cho hay.

Nhằm cải thiện thực trạng trên, giúp các DNNVV vượt qua khó khăn trong bối cảnh hiện nay, nhóm nghiên cứu cho rằng, ngoài việc giảm lãi suất huy động, cơ quan quản lý nên xem xét nghiên cứu ban hành các chính sách hỗ trợ lãi suất cho vay, hoặc có thể thay đổi danh mục tài sản đảm bảo dưới hình thức cho thuê tài chính, tài trợ khoản vay thu, thậm chí cho vay không có tài sản đảm bảo trong thời gian trước mắt để giải quyết những khó khăn cho DN. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng cần minh bạch hơn trong thủ tục và quyết định cho vay đối với DNNVV.

Cũng theo nhóm nghiên cứu này, dù hiện tại các ngân hàng đã có nhiều gói tín dụng cho DNNVV, song nhà quản lý cần xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các ngân hàng thương mại thành lập những kênh tài chính riêng cho các DNNVV và tăng mức dư nợ cho loại hình doanh nghiệp này, nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn trong tiếp cận nguồn vốn ngân hàng.

“Đặc biệt, nên khuyến khích ngân hàng thương mại kết hợp với Quỹ Bảo lãnh tín dụng để đưa ra chính sách cho vay phù hợp đối với các DNNVV. Hiện nay, các quỹ này đều thuộc sở hữu của Nhà nước, nên khi cho vay, rủi ro đối với các ngân hàng cũng được hạn chế đáng kể” nhóm nghiên cứu đề xuất.

Mặc dù được đánh giá là nguồn tín dụng tiềm năng dành cho DNNVV, song nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, trên thực tế, các Quỹ Bảo lãnh tín dụng lại hoạt động không thực sự hiệu quả, chưa đáp ứng được kỳ vọng của doanh nghiệp.

Lý do là bởi sự phối hợp thiếu đồng bộ trong quy trình cho vay và bảo lãnh giữa bên bảo lãnh và bên cấp tín dụng… Đồng thời, quy định bảo lãnh của các quỹ này cũng tương tự như các ngân hàng, khi yêu cầu DNNVV phải có phương án sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có tài sản bảo đảm…

“Thời gian qua, với sự chỉ đạo rốt ráo của Chính phủ trong việc hỗ trợ các DNNVV, tình hình khó khăn cũng phần nào được giải quyết. Nhưng để khối này có thể bứt phá, Nhà nước cần có nhiều chính sách hỗ trợ thiết thực hơn nữa, nhất là trong giai đoạn hội nhập, toàn cầu hóa hiện nay”, nhóm nghiên cứu nhìn nhận.

Tin bài liên quan