Năm 2015, VietinBank tổ chức thành công Lễ ký kết và khởi động Dự án Tính toán tài sản có rủi ro theo yêu cầu Basel II

Năm 2015, VietinBank tổ chức thành công Lễ ký kết và khởi động Dự án Tính toán tài sản có rủi ro theo yêu cầu Basel II

Quản trị rủi ro VietinBank hướng tới chuẩn mực quốc tế

(ĐTCK) Quản trị rủi ro từ lâu đã trở thành một trong những chức năng cốt lõi của quản trị ngân hàng. Từ nhiều năm nay, VietinBank luôn coi trọng quản trị rủi ro với mục tiêu cân bằng lợi nhuận - rủi ro, đảm bảo tăng trưởng kinh doanh an toàn, hiệu quả, góp phần xây dựng và duy trì sự ổn định bền vững của hệ thống ngân hàng Việt Nam.

Xây dựng và thực hiện chiến lược quản trị rủi ro

Năm 2016 là thời điểm để VietinBank nỗ lực hoàn thành Chiến lược kinh doanh trung hạn, trong đó phải kể đến sự gắn kết các chủ điểm kinh doanh, chủ điểm quản trị rủi ro và các hoạt động hỗ trợ khác.

hs. Bùi Như Ý, Phó tổng giám đốc kiêm Giám đốc Khối Quản lý rủi ro VietinBank

Nhận thức vai trò hỗ trợ, thúc đẩy các đơn vị, chi nhánh (CN) trong hệ thống triển khai tốt các mục tiêu kinh doanh, năm 2016, hoạt động quản trị rủi ro tiếp tục được triển khai rộng khắp với các trụ cột, bao gồm: mô hình tổ chức; văn bản chính sách; công cụ đo lường rủi ro; công tác báo cáo phân tích, giám sát; hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin và nâng cao văn hoá, nhận thức quản trị rủi ro.

Mô hình 3 vòng kiểm soát về quản trị rủi ro theo thông lệ quốc bao gồm: Vòng 1 và 1,5 (chi nhánh và các đơn vị trụ sở chính quản lý theo nghiệp vụ); Vòng 2 (các đơn vị thuộc khối quản lý rủi ro) và Vòng 3 (kiểm toán nội bộ) đã bước đầu được triển khai ứng dụng và phát huy hiệu quả. Theo đó, công tác quản lý danh mục tín dụng được thực hiện một cách chủ động với sự phối hợp chặt chẽ từ các đơn vị quản lý rủi ro tại 3 vòng kiểm soát bao gồm: thiết lập và giám sát các chỉ tiêu kiểm soát chất lượng và danh mục tín dụng và chủ động nhận diện các rủi ro trọng yếu, từ đó triển khai các giải pháp phù hợp.

Ngoài ra, VietinBank cũng triển khai công tác kiểm tra theo trục dọc, tăng cường công tác phối kết hợp giữa kiểm toán nội bộ và các đơn vị Vòng 1, Vòng 2 tận dụng tối đa nguồn lực. Việc ứng dụng mô hình 3 vòng kiểm soát góp phần giảm sự chồng chéo trong công việc, chức năng nhiệm vụ của các phòng, ban, đơn vị, đồng thời tăng hiệu quả quản trị rủi ro và năng suất hoạt động thông qua sự kết nối tại các đầu mối.

Bên cạnh đó, nhằm tăng cường thông tin hai chiều và tăng hiệu quả trong quản trị rủi ro, hệ thống Quản lý Hồ sơ rủi ro (Riskprofile) đã được triển khai ở cấp chi nhánh. Theo đó, các đơn vị trụ sở chính đề xuất các biện pháp kiểm tra, giám sát, theo dõi và hỗ trợ cho các chi nhánh có mức độ rủi ro cao nhằm giảm thiểu mức độ ảnh hưởng và tần suất xảy ra. Các chi nhánh nắm được vấn đề cần khắc phục để chủ động xử lý, thực hiện các biện pháp cải thiện, nâng cao năng lực quản lý rủi ro.

Trong bối cảnh nhiều quy định của pháp luật cũng như của cơ quan quản lý có tính hiệu lực tức thời tác động đến hoạt động ngân hàng, VietinBank luôn bám sát, nghiên cứu, đánh giá tác động và kịp thời ban hành, điều chỉnh các quy định, quy trình, sản phẩm, các văn bản hướng dẫn vận hành hệ thống, xử lý tác nghiệp. Các đơn vị tại trụ sở chính cũng tăng cường hỗ trợ chi nhánh trên nhiều phương diện để giải quyết nhanh chóng các khó khăn, vướng mắc hỗ trợ thúc đẩy kinh doanh thông qua các công tác tư vấn hoạt động kinh doanh, tố tụng, mua sắm tài sản, xây dựng cơ bản… đảm bảo VietinBank luôn tuân thủ đúng quy định pháp luật, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng và Ngân hàng.

Cần khẳng định thêm rằng, quản trị rủi ro chỉ thành công khi gắn liền với nâng cao văn hóa, ý thức tuân thủ quản trị rủi ro. Để đẩy mạnh hiện thực hóa, năm 2016, VietinBank đã đa dạng hóa các hình thức đào tạo, truyền thông, không giới hạn ở những buổi đào tạo trực tiếp, mà còn được thực hiện bằng nhiều phương thức khác nhau như đào tạo tập trung về rủi ro tín dụng, rủi ro hoạt động, truyền tải các thông điệp quản lý rủi ro hoạt động, trao giải các sáng kiến quản lý rủi ro hoạt động, tổ chức các buổi tọa đàm…

Ngoài ra, VietinBank còn tích cực trong truyền thông nhận thức về rủi ro khi tổ chức hoặc tham gia trình bày tại các hội thảo ngành. Ví dụ, VietinBank tham dự và chia sẻ kinh nghiệm thực hiện dự án ICAAP tại Hội thảo “Triển khai Quy trình đánh giá an toàn vốn nội bộ (ICAAP) Trụ cột 2 tại Việt Nam” do Hiệp hội Ngân hàng, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) và Học viện Tài chính Thụy Sĩ (SFI) phối hợp tổ chức. Ngoài ra, trong tháng 11/2016 này, VietinBank sẽ tổ chức Hội thảo ngành về quản trị rủi ro với chủ đề “Cập nhật xu hướng thông lệ quốc tế và đề xuất triển khai ứng dụng quản trị rủi ro hoạt động trong các ngân hàng thương mại tại Việt Nam”.

 Hướng đến tuân thủ Basel II là một trong những ưu tiên hàng đầu của VietinBank

Triển khai lộ trình tuân thủ Basel II

Giai đoạn vừa qua, VietinBank đã có những bước chuẩn bị căn bản để định hình xây dựng một ngân hàng ngang tầm khu vực; đồng thời định hướng phát triển bền vững dựa trên nền tảng mô hình quản trị rủi ro theo chuẩn mực quốc tế. Đặc biệt, VietinBank là 1 trong 10 ngân hàng đầu tiên được Ngân hàng Nhà nước lựa chọn thực hiện các phương pháp tiên tiến nhất trong việc triển khai Basel II.

Với định hướng triển khai Basel II, nhiều dự án quan trọng của VietinBank về quản trị rủi ro đã được triển khai và đạt được những kết quả ấn tượng. Theo đó, VietinBank đã hoàn thành các phương pháp tính vốn cho các rủi ro trọng yếu, các phương pháp đo lường và theo dõi rủi ro thanh khoản, rủi ro lãi suất trên sổ ngân hàng theo thông lệ quốc tế và phù hợp với hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước.

Có thể nói, công tác quản trị rủi ro tại VietinBank hiện nay đang dần được hoàn thiện, tiệm cận nhanh hơn các yêu cầu theo thông lệ quốc tế. Thông qua các công cụ quản lý rủi ro như chính sách, công tác kiểm tra giám sát, cũng như các biện pháp quản lý rủi ro khác, VietinBank sẽ hoạt động an toàn, hiệu quả, đáp ứng kỳ vọng của Ngân hàng Nhà nước là ngân hàng nhóm đầu khu vực, hội nhập tốt với nền tài chính quốc tế.

Tin bài liên quan