“Quả ngọt” ban đầu của các ngân hàng sau tái cấu trúc

“Quả ngọt” ban đầu của các ngân hàng sau tái cấu trúc

(ĐTCK) 5 ngân hàng tiếp tục tái cấu trúc gồm 3 ngân hàng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã mua lại 0 đồng, Đông Á Bank và Sacombank. Còn những ngân hàng “được coi” là đã hoàn tất tái cấu trúc giai đoạn trước gồm NCB, PVcombank, SHB, SCB. 

Số liệu về tình hình hoạt động kinh doanh thời gian qua cho thấy, các ngân hàng này đã có kết quả ban đầu khả quan, ngay cả với 5 ngân hàng cần tiếp tục xử lý.

Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, các ngân hàng thương mại được mua lại bắt buộc 0 đồng đến cuối năm 2016 đã đạt được một số kết quả ban đầu như: bộ máy quản trị, kiểm soát, điều hành được thay đổi, kiện toàn và củng cố; thanh khoản được cải thiện, đẩy lùi nguy cơ đổ vỡ ngoài tầm kiểm soát và rủi ro đối với hệ thống ngân hàng; bắt đầu có nguồn thu nhờ vào hoạt động kinh doanh tại một số lĩnh vực an toàn dưới sự giám sát của NHNN; lỗ kinh doanh có xu hướng giảm dần; tập trung phân loại và xử lý thu hồi được một phần nợ xấu.

Để minh chứng cho nhận định này, vị lãnh đạo trên thông tin: “So với cuối năm 2015, nợ xấu của 3 ngân hàng được mua lại bắt buộc (tính đến tháng 10/2016) giảm gần 8%, trong đó giảm mạnh ở Ngân hàng Đại Dương và Ngân hàng Dầu khí toàn cầu. Dư nợ thị trường 1 của Ngân hàng Xây dựng, Ngân hàng Dầu khí toàn cầu đã có dấu hiệu tăng trưởng. Huy động thị trường 1 của Ngân hàng Xây dựng tăng khá, tháng 11/2016 tăng khoảng 14% so với cuối năm 2015”.

Đối với Ngân hàng thương mại cổ phần Quốc dân (NCB), trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, bà Trần Hải Anh, Chủ tịch NCB cho biết, kết quả kinh doanh của Ngân hàng trong những năm vừa qua là khá tốt, khi lợi nhuận tăng đều trên 30% mỗi năm.

Cụ thể, năm 2016, các mục tiêu đặt ra cơ bản đã hoàn thành: tổng tài sản đạt 69.035 tỷ đồng, tăng 43,1% so với năm 2015 và gấp 2,5 lần so với trước khi tái cấu trúc; lợi nhuận thuần từ kinh doanh đạt 210 tỷ đồng, tăng 91% và gấp 5 lần; huy động đạt 42,766 tỷ đồng, tăng 25% và gấp 2,3 lần; cho vay đạt 25,352 tỷ đồng, tăng 24% và tăng gấp 2 lần; nợ xấu dưới 2,07%, giảm 3 lần so với trước khi tái cấu trúc.

Hay như Ngân hàng thương mại cổ phần Đại chúng Việt Nam (PVcomBank), tính đến cuối năm 2016, thông tin từ NHNN cho biết, các chỉ tiêu tài chính cơ bản như tổng tài sản, dư nợ, huy động vốn đều tăng so với thời điểm lập đề án (30/9/2015) và so với cuối năm 2015.

Với Sacombank, NHNN đã chỉ đạo triển khai các giải pháp xử lý Ngân hàng thương mại cổ phần Phương Nam (nay đã được sáp nhập vào Sacombank) và nợ của ông Trầm Bê tại Sacombank theo phương án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, nhưng thực tế hoạt động của ngân hàng sau sáp nhập vẫn có một số biến động so với trước khi sáp nhập…

Mặc dù vậy, đến cuối năm 2016, hoạt động của Sacombank cơ bản ổn định và tiếp tục tăng trưởng, bảo đảm khả năng chi trả, giúp tâm lý khách hàng và nhà đầu tư ổn định. Cụ thể, tính đến tháng 11/2016, tổng tài sản Ngân hàng tăng trên 11%, dư nợ thị trường 1 tăng gần 9%, huy động thị trường 1 tăng xấp xỉ 13% so với cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu 2,2%.

Trường hợp đầu tiên thực hiện hợp nhất 3 ngân hàng tại Việt Nam là SCB, trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, ông Hoàng Minh Hoàn, Giám đốc tài chính Ngân hàng cho biết, trong năm 2016, định hướng tăng thu ngoài lãi của SCB đã cho thấy những hiệu quả nhất định. Tổng thu nhập ngoài lãi của SCB trong năm 2016 đạt gần 1.000 tỷ đồng, trong đó, hoạt động kinh doanh chứng khoán và hoạt động dịch vụ có những đóng góp hết sức tích cực.

Ngoài ra, SCB cũng chủ động đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, trong đó chú trọng các dịch vụ thẻ và ngân hàng điện tử, dịch vụ bảo hiểm, tài trợ thương mại và thanh toán quốc tế… để cải thiện nguồn thu và cơ cấu thu nhập. Theo đó, thu nhập thuần từ dịch vụ trong năm qua đạt hơn 280 tỷ đồng.

Về vấn đề xử lý nợ, trong năm vừa qua, SCB đã thu hồi được 1.616,1 tỷ đồng, trong đó thu nợ gốc đạt 1.571,6 tỷ đồng và thu nợ lãi đạt 44,5 tỷ đồng. Đến cuối năm 2016, tỷ lệ nợ quá hạn và tỷ lệ nợ xấu của SCB ở mức rất thấp, lần lượt là 0,58% và 0,5% tổng dư nợ. Đối với dự phòng rủi ro tín dụng, SCB thực hiện trích lập đầy đủ theo quy định với tổng chi phí trích lập trong năm là 1.065 tỷ đồng. Số dư dự phòng rủi ro tín dụng đến cuối năm 2016 ở mức 2.366 tỷ đồng.

Riêng SHB, theo thông tin từ NHNN, về cơ bản Ngân hàng đã hoàn thành các mục tiêu tái cơ cấu theo Đề án 254 và phần lớn các mục tiêu của đề án sáp nhập HBB vào SHB giai đoạn 2012 - 2014. Cụ thể, tính đến tháng 11/2016, tổng tài sản tăng gần 7%, dư nợ thị trường 1 tăng gần 12%, huy động thị trường 1 tăng xấp xỉ 15% so với cuối năm 2015, tỷ lệ nợ xấu 2,71%.

Vị lãnh đạo NHNN cho biết: “Tuy nhiên, SHB cũng gặp phải không ít khó khăn và những tồn đọng của HBB sẽ còn tiếp tục ảnh hưởng đến kết quả hoạt động kinh doanh của SHB trong thời gian tới nếu không có lộ trình xử lý cụ thể trong dài hạn. Tương tự, NCB còn phải đối mặt với không ít thử thách, chủ yếu do những tồn tại kế thừa từ HĐQT, Ban điều hành cũ (trước thời điểm NCB được NHNN chấp thuận Đề án tái cấu trúc năm 2013) và một số vấn đề mới phát sinh do khó khăn chung của nền kinh tế”.

Tin bài liên quan