Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Phước Thanh

Phó Thống đốc NHNN: Quốc hữu hóa VNCB nhằm có tiền trả cho người dân

(ĐTCK) Liên quan đến việc NHNN mua lại bắt buộc cổ phần của Ngân hàng TMCP Xây dựng (VNCB) với giá bằng 0 đồng/cổ phần , ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc NHNN Việt Nam đã có cuộc trao đổi riêng với Đầu tư Chứng khoán.

Theo Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh, NHNN thực hiện Quyết định số 254/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về Phê duyệt Đề án “Cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng giai đoạn 2011-2015”. Với nguyên tắc trong quá trình tái cơ cấu phát hiện ra “bị bệnh, là chữa”.

"Trong giai đoạn hiện nay, để ổn định chính trị - xã hội của đất nước, Chính phủ yêu cầu trị bệnh phải trị cho hết chứ không để cho chết. Đây là yêu cầu của Bộ Chính trị, Chính phủ nên NHNN thực hiện đúng chỉ đạo đó", Phó Thống đốc cho biết.

Nói đến TCTD bao gồm các NHTM, công ty tài chính và hệ thống quỹ tín dụng nhân dân. Đối với các công ty tài chính, nếu cần thiết NHNN sẽ cho giải thể đúng theo luật định vì tác động đến dân chúng không nhiều. Nhưng đối với hệ thống ngân hàng, NHNN sẽ cố gắng để làm sao không tuyên bố phá sản.

"Tôi muốn nhấn mạnh ý chí đặt ra là phải cố gắng và tại sao lại phải cố gắng? Vì nếu tuyên bố phá sản, người dân mất tiền từ đó ảnh hưởng lớn đến tình hình chính trị, xã hội…".

Phó Thống đốc nhấn mạnh đó là ý chí của nhà nước, thể hiện sự ưu việt của nhà nước mặc dù điều này cũng có thể làm các ngân hàng trong diện tái cơ cấu “lì” ra, bởi suy nghĩ có việc gì đã có nhà nước lo. Tuy vậy, NHNN buộc phải lựa chọn phương án ổn định nhất.

"Thà mất tiền (nhà nước chi trả-pv) để có sự bình ổn trong xã hội sẽ tốt hơn nếu người dân mất tiền sẽ dẫn đến niềm tin mất, bất ổn xã hội rồi dẫn đến nhiều vấn đề khác mà mức chi phí đó còn lớn hơn rất nhiều. Do đó, NHNN đang và sẽ tiếp tục chọn phương án trên đối với ngân hàng thương mại"

Trong trường hợp của VNCB, NHNN mua Ngân hàng để củng cố, phục hồi lại hoạt động, nhưng trước tiên và quan trọng nhất đó là nhằm mục tiêu có tiền trả cho người dân (có nhu cầu rút tiền gửi tại ngân hàng này-pv).

 Vietcombank và VNCB đã từng ký hợp tác chiến lược với nhau

NHNN cũng đã giao cho Vietcombank quản lý trên cơ sở chia sẻ về trí tuệ, nhân lực, khách hàng để VNCB đạt đến mục tiêu trở lại hoạt động bình thường.

Để thực hiện mục tiêu trên, Phó Thống đốc cho biết: "NHNN sẽ tạo những công cụ tài chính như tái cấp vốn để thực hiện quá trình này".

"Về vấn đề tên gọi của VNCB trong thời gian tới sẽ tùy do Vietcombank đề xuất nhưng đây không phải là vấn đề quan trọng đối với NHNN".

Liên quan tới công sức của Vietcombank tham gia vào tái cơ cấu VNCB, Phó Thống đốc khẳng định tham gia vào quá trình này cũng tốn khá nhiều thời gian và gây hao mòn về nhân sự của Vietcombank nhưng vai trò của một tổ chức kinh tế nhà nước hoàn toàn khác với một tổ chức tư nhân là bên cạnh việc hoạt động có lợi nhuận còn phải hỗ trợ nền kinh tế. 

Thông cáo báo chí về Đại hội đồng cổ đông Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam

Ngày 31/01/2015, Đại hội đồng cổ đông bất thường Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB) đã được tổ chức tại Hội trường Thống nhất - Ủy ban nhân dân tỉnh Long An để thông báo công khai về kết quả kiểm toán độc lập về thực trạng tài chính, giá trị thực và vốn điều lệ của Ngân hàng và thông qua Phương án bổ sung vốn điều lệ theo quy định của pháp luật. Đại hội đồng cổ đông quyết nghị không thông qua phương án bổ sung vốn điều lệ để đảm bảo giá trị thực vốn điều lệ tối thiểu của ngân hàng bằng mức vốn pháp định.

Căn cứ Luật Các TCTD, Quyết định số 48/2013/QĐ-NHNN ngày 01/8/2013 về việc góp vốn, mua cổ phần bắt buộc của tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt và Nghị quyết của Đại hội đồng cổ đông VNCB, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã tuyên bố quyết định sẽ mua lại bắt buộc toàn bộ vốn cổ phần của VNCB với giá bằng 0 đồng/1 cổ phần. Theo đó, NHNN trở thành chủ sở hữu (100% vốn điều lệ) của VNCB, chấm dứt toàn bộ quyền, lợi ích và tư cách cổ đông đối với các cổ đông hiện hữu của VNCB.

Với việc NHNN nắm quyền sở hữu toàn bộ vốn điều lệ và Ngân hàng TMCP Ngoại thương tham gia quản trị, điều hành VNCB, VNCB có điều kiện thuận lợi hơn trong việc triển khai thành công phương án tái cơ cấu được duyệt và phát triển hoạt động kinh doanh theo hướng an toàn, hiệu quả hơn. Đồng thời, các quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền tại VNCB sẽ tiếp tục được đảm bảo theo quy định của pháp luật.

(Thông cáo báo chí của NHNN)
Tin bài liên quan