Phát triển tín dụng tiêu dùng: Một mũi tên trúng nhiều đích

Phát triển tín dụng tiêu dùng: Một mũi tên trúng nhiều đích

(ĐTCK) Sau giai đoạn tăng trưởng "nóng", thị trường cho vay tiêu dùng hiện đã tăng chậm lại. Tuy vậy, nhiều ngân hàng vẫn đang đẩy mạnh khai thác thị trường này, lý do bởi đây vừa là hoạt động có biên lợi nhuận cao, vừa góp phần đẩy lùi tình trạng "tín dụng đen"...

Ngân hàng đẩy mạnh tín dụng tiêu dùng

Ðại hội đồng cổ đông thường niên 2019 của TPBank đã thông qua chủ trương tìm kiếm, mua lại CTTC do nhận thấy việc thành lập CTTC tiêu dùng thông qua M&A là cơ hội tốt để phát triển Ngân hàng theo mục tiêu đặt ra. Theo đó, TPBank dự kiến mua 100% vốn của các cổ đông một CTTC để đưa công ty này trở thành công ty con hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiêu dùng. Ðây là lần đầu tiên TPBank đề cập đến vấn đề này.

Trả lời cổ đông, ông Ðỗ Minh Phú, Chủ tịch HÐQT TPBank từ chối tiết lộ danh tính CTTC dự kiến mua, nhưng cho biết thương vụ “đang trong quá trình đàm phán”, TPBank sẽ tìm một mô hình CTTC phù hợp và có thể thực hiện thương vụ ngay trong năm nay, sau khi các cơ quan có thẩm quyền cho phép.

“Tài chính tiêu dùng vẫn đang có nhu cầu lớn, thị trường vẫn nhiều tiềm năng, trong khi mức độ tiếp cận còn thấp. Ðặc biệt, khi 'tín dụng đen' vẫn đang sinh sôi, nảy nở thì tín dụng tiêu dùng càng phải đẩy mạnh...”, ông Phú nhấn mạnh.

Thông tin của TPBank đưa ra không quá bất ngờ đối với thị trường, bởi nhiều chuyên gia từng nhận định, cho vay tiêu dùng dù đã phát triển rất nhanh thời gian qua, nhưng vẫn còn nhỏ so với tiềm năng của thị trường. Từ năm 2018, thị trường này liên tục đón nhận các thông tin về các nhà băng lớn lên kế hoạch và mua lại thành công các CTTC như Vietcombank, ACB, OCB, SeABank...

Nhìn nhận về thị trường cho vay tiêu dùng hiện tại, ông Nguyễn Ðức Vinh, Tổng giám đốc VPBank cho rằng, có thể tỷ trọng không cao so với giai đoạn đầu, nhưng con số tuyệt đối vẫn rất tiềm năng, nên cơ hội vẫn lớn. Theo ông Vinh, cho vay tiêu dùng trước đây hướng đến đối tượng khách hàng không thể tiếp cận vốn ngân hàng, nhưng nay đã thay đổi với chất lượng khách hàng tăng cao. Ðáng chú ý, mảng thẻ tín dụng đang cho thấy dư địa phát triển lớn.

Trước thắc mắc của cổ đông, liệu VPBank có quá tự tin khi vẫn đánh giá rất cao thị trường tín dụng tiêu dùng thời điểm hiện tại, trong khi hoạt động của FE Credit năm 2018 chậm lại? Ông Vinh phân tích: "Chậm lại ở đây là so sánh mang tính thời điểm, khi mà tài chính tiêu dùng mới bắt đầu bùng nổ với mức tăng trưởng cao. Hiện có 10 triệu khách hàng đã vay tiêu dùng tại FE Credit, trong đó 4,5 triệu khách hàng đang còn dư nợ. Về tăng trưởng số lượng thẻ tín dụng quốc tế thì VPBank chiếm 20%, với số lượng thẻ tín dụng đang hoạt động cao nhất trong các ngân hàng hiện nay”.

Bên cạnh đó, ông Vinh chia sẻ thêm, có sự điều chỉnh chưa hợp lý trong quá trình quản trị điều hành tại bộ máy FE Credit, nhưng hiện đã cải thiện. Ðáng chú ý, khi thị trường tài chính tiêu dùng gặp khó khăn, Công ty vẫn tăng trưởng thị phần từ 53% lên 55%. Trong năm 2018, FE Credit mang về gần 4.200 tỷ đồng lợi nhuận, đóng góp gần 44% vào tổng lợi nhuận của Ngân hàng mẹ.

Trên thị trường, mức lợi nhuận cao của FE Credit không phải là cá biệt nếu nhìn vào biên lãi ròng (NIM) của các CTTC tiêu dùng, đạt khoảng 10-25%, cao hơn nhiều so với con số khoảng 3% của ngân hàng do đặc thù hoạt động (lãi suất huy động vốn cao hơn, chấp nhận rủi ro và chi phí hoạt động cao hơn…). 

Chung xu thế đẩy lùi "tín dụng đen"

Xét về khía cạnh đóng góp phát triển kinh tế - xã hội, TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế cho rằng, các CTTC đã tạo ra nhiều việc làm cho xã hội. Ðến hết năm 2018, ước tính các CTTC tạo ra khoảng 40.000 việc làm, trong đó riêng 3 CTTC tiêu dùng hàng đầu đang sở hữu khoảng 30.500 nhân viên. Số lượng nhân viên này có được mức thu nhập nhất định, góp phần giảm nghèo trong xã hội.

Bên cạnh đó, các CTTC góp phần đẩy mạnh quá trình phát triển tài chính toàn diện tại Việt Nam. Việc tập trung vào phân khúc khách hàng ở độ tuổi từ 18-30, thu nhập hàng tháng từ 5-10 triệu đồng (hoặc thấp hơn trong một số trường hợp), cũng như phân khúc khách hàng dưới chuẩn - vốn không phải là đối tượng ưu tiên phục vụ của các ngân hàng, giúp các CTTC thâm nhập nhanh thị trường tài chính Việt Nam. Theo đó, tính đến nay, các CTTC đang phục vụ khoảng 30 triệu khách hàng.

Số liệu từ StoxPlus cho thấy, 47% người Việt tham gia vay tiền, nhưng chỉ 18,5% là vay từ những tổ chức tín dụng, ngoài ra là vay từ người thân, bạn bè hoặc “tín dụng đen”.

Một trong những lý do mà nhiều người Việt trẻ ngại vay ngân hàng là vì điều kiện cho vay chặt chẽ, yêu cầu nhiều giấy tờ chứng minh, thủ tục thẩm định lâu và thường yêu cầu có tài sản thế chấp; trong khi đó, thế mạnh của các CTTC là thủ tục nhanh gọn, đơn giản, sẵn sàng cho vay tín chấp, tạo điều kiện cho nhiều cá nhân vay, thay vì phải vay “tín dụng đen”…

“Có thể khẳng định cho vay tiêu dùng góp phần giảm tình trạng 'tín dụng đen'. Ngoài ra, hoạt động tín dụng tiêu dùng giúp thúc đẩy tiêu dùng, quay vòng vốn sản xuất - kinh doanh, qua đó góp phần tăng trưởng kinh tế”, TS. Lực nói.

Ông Ngô Chí Dũng, Chủ tịch HÐQT VPBank chia sẻ thêm, trong xã hội có sự phân công rõ ràng. Có ngân hàng phục vụ khách hàng doanh nghiệp, có ngân hàng phục vụ khách hàng cá nhân và FE Credit phục vụ những khách hàng không có khả năng tiếp cận ngân hàng.

“Tín dụng tiêu dùng là nhu cầu thực, đóng góp mạnh mẽ vào công cuộc đẩy lùi 'tín dụng đen'”, ông Dũng nhấn mạnh.

Cũng theo lãnh đạo VPBank, cho vay dưới chuẩn sẽ phải chấp nhận rủi ro hơn, nhưng số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy, rủi ro tín dụng hiện đang được các CTTC tiêu dùng quản lý khá hiệu quả, tỷ lệ nợ xấu bình quân năm 2018 ước tính khoảng 6-8% là mức chấp nhận được trong bối cảnh hoạt động tín dụng của các công ty TCTD chủ yếu là cho vay tín chấp, cho vay khách hàng dưới chuẩn, xét duyệt nhanh, đơn giản và mang lại lợi nhuận khá cao.

Kết quả là, khả năng sinh lời (thể hiện qua chỉ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu - ROE) của các CTTC tiêu dùng hiện nay ở mức cao, đạt khoảng 14-15% trong năm 2018, so với mức bình quân khoảng 10% của các ngân hàng thương mại.

Theo Ngân hàng Nhà nước, Công ty Tài chính TNHH MTV Bưu Ðiện là CTTC đầu tiên của Việt Nam được cấp phép hoạt động năm 1998. Từ đó đến nay, đã có thêm nhiều CTTC tham gia thị trường. Tính đến ngày 31/12/2018, Việt Nam đang có 16 CTTC, trong đó có 4 CTTC với 100% vốn nước ngoài.

Tin bài liên quan