Đảm bảo an ninh không gian mạng là một phần không thể thiếu để bảo vệ khách hàng/ngân hàng 
khi sử dụng ngân hàng số

Đảm bảo an ninh không gian mạng là một phần không thể thiếu để bảo vệ khách hàng/ngân hàng khi sử dụng ngân hàng số

Phát triển ngân hàng số: Quan trọng nhất là hành lang pháp lý

(ĐTCK) Cung cấp dịch vụ ngân hàng số không phải là một lựa chọn, mà là sự cần thiết phải thực hiện để phù hợp với xu thế phát triển. Tuy nhiên, thách thức đã và đang song hành với thuận lợi trong quá trình chuyển đổi sang ngân hàng số của các ngân hàng…

Đẩy mạnh triển khai hệ thống căn cước công dân điện tử

Tại Hội thảo “Hành lang pháp lý cho ngân hàng số tại Việt Nam” do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa tổ chức, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng Giám đốc EY Việt Nam nhận định, có rất nhiều cơ hội và tiềm năng để phát triển ngân hàng số tại Việt Nam, nhưng việc ứng dụng công nghệ trong cung cấp dịch vụ tài chính tới khách hàng vẫn gặp nhiều khó khăn do một số bất cập trong quy định hiện hành.

“Chẳng hạn như quy định về nhận diện và xác minh thông tin khách hàng (KYC), việc tiến hành gặp mặt trực tiếp để thực hiện thủ tục KYC sẽ hạn chế khả năng lan tỏa của dịch vụ tài chính”, bà Dương nói.

Theo Luật Phòng chống rửa tiền và các quy định liên quan, đối với các nghiệp vụ như mở tài khoản ngân hàng hay mở tài khoản ví điện tử, thẻ định danh phi vật lý, hay thiết lập quan hệ lần đầu với các tổ chức tài chính, hoặc tổ chức cung cấp dịch vụ tài chính công nghệ mới, thì các tổ chức này phải gặp mặt trực tiếp khách hàng để xác minh thông tin.

Ông Đặng Đức Huy, Phó giám đốc Khối Ngân hàng bán lẻ SCB chia sẻ, để thực hiện kế hoạch thúc đẩy tài chính toàn diện tại Việt Nam, đặc biệt là tài chính số, đòi hỏi giao dịch của khách hàng phải diễn ra mọi lúc-mọi nơi, thay vì bắt buộc khách hàng đến trực tiếp các chi nhánh ngân hàng để làm thủ tục.

Đồng quan điểm này, ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho rằng, các quy định chặt chẽ về định danh khách hàng đã và đang hỗ trợ hiệu quả các nhà quản lý trong công tác phòng, chống rủi ro về tội phạm tài chính. Tuy nhiên, trong kỷ nguyên công nghệ số, những quy định truyền thống về định danh khách hàng đã không còn phù hợp.

Theo ông Huy, trong thời gian tới, để giảm thiểu các thủ tục hành chính, Chính phủ cần nhanh chóng đẩy mạnh triển khai đồng bộ hệ thống căn cước công dân điện tử (eID, eKYC).

“Một khi hệ thống này được triển khai trên diện rộng, các thủ tục hành chính sẽ được rút ngắn rất nhiều. Khi đó, các ngân hàng sẽ kết nối trực tiếp với các trung tâm dữ liệu về căn cước công dân của Chính phủ, xác thực chữ ký điện tử, hoặc so sánh các thông tin sinh trắc học của khách hàng, đồng thời liên kết với trung tâm thông tin tín dụng để có thể nhận biết khách hàng và phân tích lịch sử tín dụng của khách hàng trực tuyến”, ông Huy nhấn mạnh.

Chia sẻ thông tin để siết chặt an ninh mạng

Một vấn đề cũng được đề cập tại Hội thảo, đó là việc ứng dụng công nghệ số hóa đang phải đối diện với nhiều thách thức như bảo mật, an toàn thông tin, sự cố kỹ thuật, rủi ro mạng, gian lận... Bởi theo các chuyên gia, an ninh không gian mạng (cybersecurity) là một phần không thể thiếu để bảo vệ khách hàng/ngân hàng khi sử dụng ngân hàng số.

Theo thống kê trên toàn cầu, từ năm 2014 đến nay, các cuộc tấn công mạng tăng nhanh chóng cả về số lượng lẫn tính phức tạp, nhằm vào mọi tổ chức, bao gồm cả các tổ chức tài chính, cho dù đã được đầu tư rất lớn về công nghệ thông tin để đảm bảo an toàn, an ninh hệ thống.

ThS. Đỗ Giang Tĩnh, Giám đốc Trung tâm Công nghệ thông tin Agribank cho rằng, ngân hàng phải tự quản lý và tự chịu trách nhiệm hoạt động an toàn thông tin mạng. Song, để triển khai được đồng bộ và hiệu quả, thì cần có sự vào cuộc nhiều cơ quan, ban ngành.

“Vấn đề kỹ thuật để đảm bảo tính bảo mật, an toàn cho giao dịch điện tử là một thách thức rất lớn, phụ thuộc vào công nghệ và cách thức sử dụng công nghệ của cả bên cung cấp và bên sử dụng. Trong môi trường điện tử, cần cơ chế để chống gian lận và có cơ sở pháp lý vững chắc để xử lý trường hợp tranh chấp xảy ra, nhất là khi sử dụng chữ ký điện tử, nghĩa là đồng thời cả về kỹ thuật và cơ sở pháp lý”, ông Tĩnh nói.

Để giải quyết vấn nạn trên, qua đó siết chặt anh ninh, an toàn trong môi trường điện tử, bà Dương gợi ý, Việt Nam cần chủ động hơn nữa trong việc chia sẻ thông tin với các tổ chức liên quan trong khu vực, cũng như toàn cầu về những đe dọa an ninh mạng.

“Các ngân hàng và tổ chức tài chính Việt Nam cần tham gia vào cuộc chiến chống tội phạm an ninh mạng bằng việc thường xuyên nâng cao nhận thức của nhân viên về những nguy cơ tiềm ẩn trên mạng và những hành động đáng ngờ, đặc biệt là trong việc nhận thức những nguy hiểm đính kèm với các thư điện tử...”, bà Dương nói.  

Tin bài liên quan