OCB vừa hoàn thành đợt tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng.

OCB vừa hoàn thành đợt tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng.

OCB có lên sàn đúng hẹn?

(ĐTCK) Làn sóng lên sàn của ngành ngân hàng khá sôi động trong năm 2018 và Ngân hàng Phương Đông (OCB) đang đặt mục tiêu đưa cổ phiếu lên niêm yết trên HOSE trong quý IV/2018. 

Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018, OCB đặt kế hoạch đưa cổ phiếu lên niêm yết trên sàn HOSE trong quý cuối năm, bỏ qua bước giao dịch trên UPCoM như dự kiến trước đó. OCB kỳ vọng, vốn hóa thị trường của Ngân hàng sẽ đạt 1 tỷ USD sau khi niêm yết.

Đến thời điểm này, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc OCB cho hay, Ngân hàng đang trong quá trình hoàn thiện các bước để đưa cổ phiếu lên niêm yết theo đúng kế hoạch. 

Nếu thực hiện thành công, OCB sẽ trở thành ngân hàng thứ 4 niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm nay, sau HDBank, TPBank và Techcombank.

Mới đây, OCB đã được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho tăng vốn điều lệ lên 7.500 tỷ đồng.

Trước đó, OCB đã thu về hơn 900 tỷ đồng từ đợt phát hành cổ phiếu trả cổ tức và chào bán cho cổ đông hiện hữu, nhằm nâng cao năng lực tài chính, đảm bảo hệ số an toàn vốn (CAR) và đáp ứng các tiêu chuẩn Basel II.

OCB là ngân hàng đầu tiên công bố hoàn thiện việc thực hiện các tiêu chuẩn theo thông lệ quốc tế Basel II vào cuối năm 2017.

Trước khi niêm yết, OCB dự kiến sẽ thu hút vốn ngoại. Tháng 10/2017, Quỹ Vietnam Opportunity Fund - VinaCapital rót khoảng 11 triệu USD vào OCB để sở hữu gần 5% cổ phần.

Cuối năm 2017, cổ đông ngoại BNP Paribas thoái toàn bộ 18,68% vốn khỏi OCB và tới nay OCB chưa có cổ đông lớn nước ngoài. Với mức trần tỷ lệ sở hữu tối đa của nhà đầu tư nước ngoài tại OCB là 23,66% vốn điều lệ, OCB vẫn còn dư địa lớn thu hút vốn ngoại.

Hiện cổ phiếu OCB đang giao dịch trên sàn OTC dao động quanh mức giá 21.000 đồng/cổ phiếu. Với thông tin sắp niêm yết trên sàn chứng khoán, cổ phiếu OCB được giới đầu tư quan tâm.

Điều này có thể thấy rõ qua phiên đấu giá cổ phiếu OCB của Vietcombank mới đây, khi có 4 nhà đầu tư đặt mua. Đây là số cổ phiếu mà Vietcombank được quyền nhận trong đợt chi trả cổ tức tỷ lệ 14,2%.

Kết quả, toàn bộ 1,4 triệu cổ phiếu OCB được bán thành công cho 2 nhà đầu tư cá nhân với giá trúng bình quân là 20.501 đồng/cổ phiếu, tương đương giá trị hơn 30 tỷ đồng. Giá trúng cao nhất là 22.200 đồng/cổ phiếu và giá trúng thấp nhất là 20.500 đồng/cổ phiếu.

Trước đó, Vietcombank đã hai lần bán đấu giá cổ phần tại OCB. Lần đầu Vietcombank bán được 70% số cổ phần sở hữu vào cuối năm 2017. Đợt thứ hai vào tháng 4/2018 thu hút lượng lớn nhà đầu tư tham gia với khối lượng đặt mua cao gấp 11 lần chào bán với giá trúng bình quân 25.771 đồng/cổ phiếu, gần gấp đôi giá khởi điểm, giúp Vietcombank thu về gần 172 tỷ đồng. 

Sáu tháng đầu năm 2018, lợi nhuận trước thuế của OCB đạt 1.302 tỷ đồng, cao hơn 163,5% so với cùng kỳ, hoàn thành 65% kế hoạch cả năm là 2.000 tỷ đồng.

Đến cuối tháng 6/2018, tổng tài sản của OCB đạt 90.965 tỷ đồng, tăng 25% so với cùng kỳ. Hoạt động cho vay khách hàng tăng cao, với 12,2% so với năm 2017, đạt hơn 54.455 tỷ đồng, (đạt 100% kế hoạch lũy kế).

Chất lượng tín dụng được kiểm soát chặt chẽ, giảm thiểu nợ xấu dưới 2%. Tổng huy động thị trường 1 đạt hơn 68.048 tỷ đồng, tăng hơn 12,9% so với năm 2017 và tăng 32,6% so với cùng kỳ.

Giá cổ phiếu ngân hàng hiện đã tăng cao so với 1 năm trước, nhất là những cổ phiếu ngân hàng chào sàn trong thời gian gần đây.   

Mặc dù đã cạn room tín dụng và khó có thể được nới thêm, song với kết quả đạt được ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2018, lãnh đạo OCB tự tin sẽ hoàn thành vượt mức kế hoạch 2.000 tỷ đồng lợi nhuận đề ra trong năm 2018. OCB còn kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận hàng năm đạt 50 - 60% từ năm 2019.

OCB đã và đang thực hiện kế hoạch mở rộng mạng lưới giao dịch, tăng năng lực cạnh tranh, đầu tư hệ thống công nghệ hiện đại phục vụ cho việc hiện đại hóa ngân hàng, hỗ trợ cho việc phát triển sản phẩm mới, tăng cường khả năng hoạt động rủi ro.

Mới đây, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế Moody’s đã nâng bậc đối với xếp hạng rủi ro đối tác dài hạn (Long-term Counter party risk rating) và đánh giá rủi ro đối tác của OCB từ B2 lên B1.

Hiện ngoài 17 ngân hàng đã đưa cổ phiếu lên niêm yết hoặc giao dịch trên sàn chứng khoán (là CTG, BID, ACB, VCB, EIB, STB, SHB, MB, TPB, VPB, HDB, NVB, TCB, VIB, KLB, LPB, BAB), thị trường tài chính còn khá nhiều ngân hàng chưa niêm yết trên sàn chứng khoán tập trung (UPCoM, HNX, HOSE) theo quy định.

Theo một nhà phân tích tài chính, giá cổ phiếu ngân hàng hiện đã tăng cao so với 1 năm trước, nhất là những cổ phiếu ngân hàng chào sàn trong thời gian gần đây.

Đối với những cổ phiếu sẽ chào sàn trong thời gian tới, không phải mã nào cũng có tiềm năng tăng trưởng, mà chắc chắn có sự phân hóa mạnh giữa các nhà băng, phụ thuộc vào chất lượng hoạt động của mỗi ngân hàng.  

Tin bài liên quan