“Nóng” chuyện nhân sự ngành tài chính

“Nóng” chuyện nhân sự ngành tài chính

(ĐTCK) Ông Nguyễn Thế Minh, Tổng giám đốc CTCK SHBS nói rằng, một trong những vấn đề khó giải quyết nhất của ông hiện nay là việc kiếm được người tài.

Tài ở đây được hiểu theo nghĩa không phải là “sao”, nhưng phải là những nhân sự có nghề và làm được việc ngay, có khả năng làm tốt việc được giao.

Những ứng viên như thế hiện không dễ kiếm với các CTCK tầm trung, một phần do doanh nghiệp không thể chạy đua về các chính sách đãi ngộ, một phần do chứng khoán trong con mắt của nhiều nhân sự cấp cao ngành tài chính, là ngành có nhiều bấp bênh.

Trong lĩnh vực ngân hàng, cuộc cạnh tranh thu hút nhân tài diễn ra không kém phần quyết liệt. Hàng loạt chương trình tuyển dụng trên thị trường cho thấy nhu cầu “nóng” ở cả các ngân hàng có vốn nhà nước lớn như Vietinbank, Vietcombank, BIDV đến những ngân hàng tư thương mạnh như Techcombank, VPBank, Sacombank…

Đa qua rồi thời các ngân hàng tuyển dụng theo mối quan hệ, cắt đặt ghế ngồi cho con ông nọ, cháu bà kia. Tuyển dụng được người tài và tạo ra môi trường làm việc để họ phát huy được sở trường giờ đa trở thành yêu cầu quan trọng của bất cứ tổ chức nào, nếu muốn tăng trưởng và phát triển bền vững. Bởi vậy, bên cạnh lương thưởng, rất nhiều chính sách đãi ngộ cấp tiến, đào tạo chuyên sâu… được các nhà băng áp dụng nhằm thu hút nhân tài.

Đơn cử, Techcombank mỗi năm tổ chức hơn 500 khóa học dành cho cán bộ nhân viên ở các cấp khác nhau. Học viên có thể lựa chọn thời gian phù hợp và theo cách mà họ có thể học tốt nhất; cho phép nhân viên đăng ký giờ làm việc linh hoạt và được nghỉ trong ngày sinh nhật của mình… nhằm tạo môi trường làm việc thoải mái cho người lao động.

Một chiến lược nhân sự hiệu quả, theo đánh giá của giới chuyên môn phải đáp ứng các tiêu chí: Thu hút và giữ chân nhân tài; Đào tạo và phát triển; Khen thưởng và ghi nhận.

Khảo sát sơ bộ cho thấy, chưa có nhiều tổ chức, doanh nghiệp đáp ứng được những yêu cầu trên. Bởi vậy, tình trạng nhảy việc, chảy máu chất xám trong lĩnh vực tài chính - chứng khoán - ngân hàng diễn ra như cơm bữa, theo khảo sát của Hãng tư vấn Mercer, ở mức cao nhất trong các ngành. Để có đội ngũ nhân sự giỏi nghề và gắn bó với tổ chức, nhiều đơn vị đã chuyển từ chiến lược “buy” (câu kéo) sang “build” (đào tạo, tự phát triển).

Bà Sarah Yamagata, Giám đốc Đào tạo Tập đoàn chuyên về tuyển dụng trên thế giới En world group, nói rằng, mọi người ngày nay đều ham học hỏi và khao khát được trở thành chuyên gia trong lĩnh vực của mình. Nếu DN muốn định vị mình khác biệt, họ cần phải đầu tư vào đào tạo và phát triển thay vì chăm chăm hái quả mà không chịu trồng cây.

Tin bài liên quan