Tổng mức sở hữu cổ phần của NĐT nước ngoài tại một NHTM Việt nam hiện không được vượt quá 30%

Tổng mức sở hữu cổ phần của NĐT nước ngoài tại một NHTM Việt nam hiện không được vượt quá 30%

Nới room ngân hàng, bao nhiêu là vừa?

(ĐTCK) Nới room cho nhà đầu tư ngoại gắn với tái cơ cấu ngân hàng là vấn đề được đặt ra từ lâu, Chính phủ cần có những bước đi quyết liệt hơn, nhằm hỗ trợ công cuộc tái cơ cấu hệ thống.

Nới room, tăng sức hút với NĐT nước ngoài

Tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2015, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên cho biết, nằm trong lộ trình hội nhập quốc tế, căn cứ trên các thoả thuận, cam kết mở cửa tại các hiệp định thương mại song phương và đa phương, đồng thời triển khai cơ cấu lại hệ thống các TCTD, Chính phủ sẽ xem xét quy định tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại DN nói chung và NHTM nói riêng.

“Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo NHNN và các cơ quan liên quan nghiên cứu, đề xuất việc sửa đổi quy định hiện hành theo hướng tăng tỷ lệ sở hữu của NĐT nước ngoài tại các NHTM Việt Nam”, ông Nguyễn Văn Nên nói.

Thông điệp sẽ nới room cho khối ngoại thực ra không mới, nhưng một lần nữa thể hiện quyết tâm của Chính phủ trong việc cơ cấu lại hệ thống ngân hàng. TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định: “Chủ trương này của Chính phủ phù hợp với xu hướng tái cơ cấu hệ thống ngân hàng hiện nay, khi cần những cổ đông lớn mạnh vào hỗ trợ ngân hàng yếu.

Trong bối cảnh các NĐT trong nước hạn chế về năng lực, sút giảm niềm tin vào hệ thống ngân hàng, lẽ nào chúng ta vẫn hạn chế các NĐT nước ngoài có tiềm lực về vốn và quản trị, có thể hỗ trợ ngân hàng yếu kém”.

Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, việc nới room với NĐT ngoại tại các ngân hàng  (1) phù hợp với những cam kết hội nhập Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đến năm 2017; (2) mức trần giới hạn tỷ lệ sở hữu 30% cho các NĐT ngoại được nhận định là hẹp.

Có thể, khi trần tỷ lệ sở hữu tại các ngân hàng được nới rộng hơn, NĐT nước ngoài sẽ quan tâm hơn tới các ngân hàng Việt Nam và có thêm nguồn vốn ngoại và kinh nghiệm quản trị tiên tiến, công cuộc tái cơ cấu của các ngân hàng yếu kém trong nước sẽ “dễ thở” hơn.

Tổng giám đốc một ngân hàng TMCP nói: “Giải pháp cho phép NĐT nước ngoài tham gia sở hữu TCTD tái cơ cấu với tỷ lệ chi phối có thể mang lại những lợi ích thiết thực cho cổ đông hiện hữu và NĐT nước ngoài, tạo điều kiện cải thiện môi trường đầu tư và phát triển kinh tế; đồng thời, giúp xử lý tình trạng sở hữu chéo và cho vay các bên liên quan, nâng cao năng lực tài chính của các tổ chức tín dụng. Áp dụng thí điểm giải pháp này có thể tạo ra một bước ngoặt đáng kể trong quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD Việt Nam trong thời gian tới”.

Trong chuyến làm việc tại Việt Nam đầu tháng 4 vừa rồi, ông Keith Pogson, lãnh đạo cấp cao dịch vụ tài chính ngân hàng, EY khu vực châu Á-Thái Bình Dương cho biết: “Hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn rất hấp dẫn đối với NĐT nước ngoài. Vấn đề là các bạn làm thế nào để họ đưa ra quyết định đầu tư”. 

Mức nào là phù hợp?

Vị tổng giám đốc ngân hàng TMCP trên cho rằng, việc cho phép NĐT ngoại tham gia sâu hơn vào quá trình tái cơ cấu các TCTD Việt Nam có lợi cho các TCTD và toàn bộ nền kinh tế. Thông thường, khi NĐT nước ngoài đặt vấn đề mua cổ phần và tham gia tái cơ cấu một TCTD Việt Nam, mục tiêu của họ là nắm quyền kiểm soát TCTD đó.

Theo quy định hiện hành thì các NĐT nước ngoài chỉ được sở hữu không quá 30% vốn điều lệ, tỷ lệ này không đủ để họ nắm quyền kiểm soát. Nếu tăng tỷ lệ này lên 35% thì theo điều lệ của phần lớn các TCTD, NĐT ngoại có đủ cổ phần để phủ quyết các quyết định của ĐHCĐ, nhưng họ chưa thể kiểm soát và định hướng TCTD như kỳ vọng.

“Nếu tỷ lệ sở hữu được nâng lên thành 49% vốn điều lệ, sự kiểm soát đã được gia tăng, nhưng về mặt tài chính thì tỷ lệ này vẫn chưa đủ để NĐT ngoại hợp nhất báo cáo tài chính của TCTD Việt Nam vào ngân hàng mẹ ở nước ngoài. Do đó, room cho NĐT nước ngoài từ 50% trở lên mới đảm bảo cho họ nắm quyền kiểm soát thực sự tại TCTD được tái cơ cấu. Khi đó, họ chủ động đầu tư sâu hơn về công nghệ, nhân sự, cơ sở vật chất…”, vị tổng giám đốc trên nói.

Cùng quan điểm cần cho phép NĐT ngoại được nắm tỷ lệ cổ phần đủ lớn tại ngân hàng nội, để họ có thể chủ động ra quyết định tái cơ cấu ngân hàng, TS. Cấn Văn Lực cho rằng: “Chúng ta không mở toang như nhiều nước trong khu vực, nhưng mức room 49% là hợp lý”.

Ủng hộ quan điểm cần nới room cho nhà đầu tư ngoại tại TCTD, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó tổng giám đốc Dịch vụ tài chính ngân hàng, EY Việt Nam cho rằng, việc nới room nên được tiến hành song song với việc thoái vốn Nhà nước tại các NHTM.

“Hiện có ý kiến cho rằng nên nới room ở mức 49%, nhưng điều này hãy để thị trường quyết định, bởi không có một tỷ lệ hợp lý cho bất kỳ một thời điểm nào”, bà Dương nhấn mạnh.    

Theo Thông tư số 38/2014/TT-NHNN của NHNN, hướng dẫn thi hành Nghị định số 01/2014/NĐ-CP của Chính phủ về việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam, trong trường hợp đặc biệt, các nhà đầu tư nước ngoài có thể mua tỷ lệ cổ phần vượt trần cho phép (30%) đối với ngân hàng yếu kém.

Tỷ lệ của từng trường hợp cụ thể sẽ được Thủ tướng quyết định, song điều này có nghĩa, nhà đầu tư nước ngoài có thể được mua cổ phần chi phối đối với ngân hàng yếu, thậm chí sở hữu 100% vốn ngân hàng yếu. Đây chính là điều các nhà đầu tư nước ngoài mong đợi từ lâu.

Tin bài liên quan