Niềm tin hồi phục với tiền đồng

Niềm tin hồi phục với tiền đồng

(ĐTCK) Nếu như cách đây khoảng 6 tháng đến 1 năm, người gửi tiết kiệm thường chọn kỳ hạn ngắn thì nay hiện tượng này đã thay đổi. Niềm tin đang trở lại với tiền đồng khiến người dân muốn gửi tiết kiệm kỳ hạn dài hơn.

Niềm tin hồi phục với tiền đồng ảnh 1

Người gửi tiền đang có xu hướng chọn kỳ hạn dài hơn

 

Khi niềm tin trở lại

Lãi suất huy động liên tục được điều chỉnh giảm trong thời gian qua, hiện chỉ còn cao nhất 7%/năm, song lượng tiền gửi mà các ngân hàng thu hút được vẫn không ngừng tăng lên. Điều này được cho là do người dân đang tăng niềm tin vào khả năng kiểm soát lạm phát trong năm nay của Chính phủ, khoảng 5,5 - 5,8%. Ngoài ra, cũng phải kể đến việc các kênh đầu tư khác, như chứng khoán, bất động sản, ngoại tệ và vàng chưa thực sự hấp dẫn, nếu không muốn nói là còn nhiều rủi ro.

Ông Phương Tiến Minh, Giám đốc cấp cao phụ trách chiến lược và phát triển sản phẩm - Khối dịch vụ tài chính cá nhân và quản lý tài sản của HSBC Việt Nam cho biết, mức lãi suất 7%/năm được coi là chấp nhận được với nhiều người vào lúc này. Vì thế, tiền nhàn rỗi vào ngân hàng vẫn tăng. Huy động vốn toàn ngành ngân hàng 8 tháng qua đã tăng trên 9,5%.

Cũng theo ông Minh, với mục tiêu kiểm soát lạm phát năm nay trong khoảng 5,5 - 5,8%, lãi suất sẽ còn dưa địa để giảm thêm, tuy không nhiều.

Trao đổi với phóng viên Đầu tư Chứng khoán, ông Đỗ Duy Hưng, Tổng giám đốc VietCapital Bank cũng cho là dư địa giảm lãi suất vẫn còn. Ở mức lãi suất 7%/năm, khách hàng sẽ có xu hướng chọn kỳ hạn gửi dài hơn.

Tổng giám đốc VietCapital Bank cho biết, nguồn vốn huy động của Ngân hàng vẫn tăng trưởng dồi dào trong hơn 8 tháng qua, với kỳ hạn trung bình dài hơn. Điều đó nói lên rằng, niềm tin của khách hàng vào tiền đồng đã được củng cố, hay nói cách khác là họ đang tin tưởng nhiều hơn vào việc kiểm soát lạm phát cũng như duy trì lãi suất thấp.

Đề cập đến khả năng kiềm chế lạm phát, một chuyên gia cấp cao trong lĩnh vực tài chính cho rằng, lạm phát thực tế của Việt Nam năm nay nhiều khả năng sẽ dưới 4%/năm thay vì 5,8 - 6%/năm như dự báo hiện nay. Do đó, lãi suất có thể giảm tiếp hơn là tăng trở lại.

 

Tiết kiệm được ưu tiên

Chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển cho rằng, đối với người dân, gửi tiết kiệm vẫn là phương án được lựa chọn nhiều trong bối cảnh hiện nay. Theo ông Hiển, hiện thị trường bất động sản được dự đoán chưa thể khởi sắc, cho dù đã có giải pháp kích cầu - gói vốn 30.000 tỷ đồng chỉ dành cho phân khúc nhà ở xã hội.

Đối với kênh đầu tư vào vàng, mức chênh lệch giữa giá vàng thế giới và trong nước tuy đã giảm nhiều, nhưng vẫn còn khá lớn, nhiều rủi ro. Mặt khác, theo đánh giá của ông Hiển, thường thì sau giai đoạn khủng hoảng kinh tế, lạm phát được kiểm soát và kinh tế hồi phục, nhu cầu tìm đến vàng làm tài sản trú ẩn sẽ giảm đi.

USD vừa tăng nhẹ trong thời gian qua, nhưng theo các chuyên gia, đó chỉ là đợt tăng nhất thời. Theo như chủ trương mà Thống đốc NHNN đưa ra trong thông điệp đầu năm nay, tỷ giá USD/VND sẽ được can thiệp để không biến động quá 3%. Ngoài ra, lãi suất tiền gửi ngoại tệ hiện rất thấp với trần cho phép từ 0,5 - 1,25%/năm, tùy theo nguồn tiền. Vì thế, việc tích trữ ngoại tệ trong bối cảnh hiện nay được cho là không có lợi.

Theo ông Hiển, trong ngắn hạn, tiền đồng khó chuyển từ tiết kiệm sang các kênh đầu tư khác như bất động sản, vàng hay ngoại tệ.

Trên thực tế, việc đầu tư tiền nhàn rỗi vào kênh gửi tiết kiệm hay các kênh khác (chứng khoán, địa ốc, vàng, ngoại tệ…) phụ thuộc vào mức độ chấp nhận rủ ro của từng nhà đầu tư. Nhưng có thể thấy rằng, tiết kiệm vẫn là kênh ổn định, dễ dàng và an toàn nhất. Các kênh đầu tư khác đòi hỏi nhà đầu tư phải có hiểu biết sâu sắc mới có thể hạn chế được rủi ro và đầu tư hiệu quả.

Trên góc độ tư vấn những người đang có tiền nhàn rỗi, lãnh đạo của một tập đoàn tài chính nước ngoài cho rằng, kênh tiết kiệm là phù hợp nhất trong bối cảnh hiện nay.

TS. Trần Du Lịch, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội TP. HCM, đồng thời là thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia cho rằng, với mức lãi suất 7%/năm hiện nay, gửi tiết kiệm vẫn là giải pháp an toàn, đó là chưa kể lãi suất tiết kiệm kỳ hạn dài trên 1 năm đang ở mức phổ biến 8 - 9%/năm thì gửi tiết kiệm bằng tiền đồng lợi tức vẫn tốt hơn so với các kênh đầu tư khác.