Nhiều ông chủ nhà băng sẽ phải lựa chọn “ghế ngồi”

Nhiều ông chủ nhà băng sẽ phải lựa chọn “ghế ngồi”

(ĐTCK) Quy định mới về việc sếp ngân hàng sẽ không được đồng thời là sếp doanh nghiệp khiến không ít ông chủ nhà băng “đau đầu”.

Buộc các lãnh đạo ngân hàng phải chọn “ghế”

Luật Các tổ chức tín dụng sửa đổi, bổ sung vừa được Quốc hội thông qua, có hiệu lực kể từ ngày 15/1/2018, có nhiều điều khoản, quy định nhằm hạn chế sở hữu chéo. Trong số đó có quy định, chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), chủ tịch Hội đồng thành viên, tổng giám đốc (giám đốc) của một tổ chức tín dụng không được đồng thời giữ các chức vụ tương tự ở doanh nghiệp khác.

Ngoài ra, phó tổng giám đốc (phó giám đốc) và các chức danh tương đương của tổ chức tín dụng không được đồng thời là tổng giám đốc (giám đốc), phó tổng giám đốc (phó giám đốc) hoặc các chức danh tương đương của doanh nghiệp khác.

Quy định trên nhằm hạn chế tình trạng một lãnh đạo ngân hàng chỉ đạo hoạt động, đưa ra các quyết định với doanh nghiệp khác. Bởi lẽ, lĩnh vực tài chính - ngân hàng rất nhạy cảm. Đó là dịch vụ kinh doanh tiền, nên sự đảm nhiệm đồng thời các chức danh tương đương làm cho tình hình sở hữu chéo, sở hữu vòng trong lĩnh vực ngân hàng rất khó kiểm soát.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng, việc bổ sung quy định các sếp ngân hàng không kiêm nhiệm chức danh tương đương tại các doanh nghiệp khác là để hạn chế lạm dụng quyền nhằm thực hiện các hoạt động đầu tư cấp tín dụng không trên cơ sở thị trường và tạo ra rủi ro lớn cho hoạt động của tổ chức tín dụng. Đây là nội dung bổ sung quan trọng nhằm ngăn ngừa việc thao túng; đảm bảo minh bạch, an toàn trong hoạt động ngân hàng; ngăn chặn cho vay “sân sau” và sở hữu chéo.

Như vậy, tới đây, các ông chủ nhà băng phải có sự lựa chọn ghế “nóng” giữa doanh nghiệp và nhà băng. Nhiều khả năng, các ông chủ nói trên sẽ nghiêng về việc chọn lựa ghế “nóng” ngân hàng.

Ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết sẽ thôi chức Chủ tịch HĐQT Him Lam trong thời gian tới để tuân thủ đúng quy định của pháp luật. Ông Minh khẳng định, việc ông thôi chức ở Him Lam sẽ không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của Tập đoàn.

Trong khi đó, một số ông chủ nhà băng khác đang tính toán để có sự lựa chọn ghế “nóng” phù hợp như ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DOJI; ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Kienlongbank, đồng thời là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VPF và Đồng Tâm Group.

TS.LS Bùi Quang Tín (Trường đại học Ngân hàng TP.HCM) đánh giá cao những quy định mới của Luật Các tổ chức tín dụng ở việc Ngân hàng Nhà nước có thể can thiệp sớm vào các tổ chức tín dụng bị kiểm soát đặc biệt, hoặc cho phá sản ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt khi không thể cứu chữa được. Đồng thời, tiêu chuẩn, tiêu chí để Ngân hàng Nhà nước chấp thuận cho một chức danh tổng giám đốc, hoặc danh sách ứng cử vào HĐQT là rất chặt, từ đó tăng cường sự ổn định của hệ thống và gia tăng vai trò của kiểm soát.

Nếu bộ máy quản lý không chặt chẽ thì sẽ khó phát hiện sở hữu chéo, vì có thể phát sinh trường hợp đứng tên hộ. Thực tế cho thấy, có nhiều người đứng quyền điều hành doanh nghiệp khác nhưng chỉ có được một số quyền nhất định (do đứng tên hộ), còn quyền điều hành thực chất lại thuộc về ông chủ thực sự của doanh nghiệp.

Những ông chủ nhiều chức danh

Hiện đa số chủ tịch HĐQT của các ngân hàng cổ phần đều nắm giữ vị trí chủ tịch hoặc thành viên HĐQT của doanh nghiệp khác. Chẳng hạn, Chủ tịch HĐQT SHB Đỗ Quang Hiển đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn T&T và Công ty Chứng khoán SHS; ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Him Lam; Chủ tịch HĐQT TPBank Đỗ Minh Phú đồng thời là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn DOJI; Chủ tịch HĐQT Techcombank Hồ Hùng Anh đồng thời là Phó chủ tịch HĐQT Masan Group.

Chủ tịch HĐQT VIBank Đặng Khắc Vỹ đồng thời là Chủ tịch Công ty Mareven Food Holdings. Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT SeABank đồng thời là Chủ tịch BRG Group và là Chủ tịch/thành viên HĐQT của Thăng Long GTC, Hanoi Toserco, Khách sạn Thắng Lợi, Khách sạn Hilton Hanoi, OSC Vietnam...

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch ABBank đồng thời là Chủ tịch Geleximco. Ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch Kiên Long Bank đồng thời là Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Đồng Tâm Group và VPF. Ông Phương Hữu Việt, Chủ tịch HĐQT VietA Bank đồng thời là Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư Việt Phương. Bà Thái Hương, Chủ tịch HĐQT BacA Bank, đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Sữa TH. Bà Lê Thị Băng Tâm, Chủ tịch HĐQT HDBank đang đảm nhận chức Chủ tịch HĐQT Vinamilk. Ông Nguyễn Tiến Dũng, Chủ tịch NCB, đồng thời là Chủ tịch Tập đoàn Gami…    

Tin bài liên quan