Sau 6 tháng đầu năm, không ít ngân hàng đã dùng gần cạn hạn mức tín dụng được cấp

Sau 6 tháng đầu năm, không ít ngân hàng đã dùng gần cạn hạn mức tín dụng được cấp

Nhiều ngân hàng rục rịch mở room tín dụng

(ĐTCK) Với việc nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2017 lên 22%, thay vì 18-20% như kế hoạch ban đầu, nhiều ngân hàng được phép điều chỉnh room tín dụng để có thêm dư địa cho vay trong mùa kinh doanh cao điểm cuối năm.

Thực tế, trong nửa đầu năm, nhiều ngân hàng đã sử dụng gần cạn, thậm chí dùng hết chỉ tiêu tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước (NHNN) giao (từ 14-16%). Nhiều lãnh đạo ngân hàng cho biết đã trình NHNN xin nâng room tín dụng để có thêm dư địa cho vay, song khả năng được xem xét dựa trên các tiêu chí và quy mô của từng ngân hàng.

Chẳng hạn, tăng trưởng tín dụng của VIB đạt 15,7% trên chỉ tiêu 16% cho cả năm 2017. ACB đạt 11,15% so với chỉ tiêu 16%. HDBank tăng gần 18% trên chỉ tiêu 20%. MBB là 14,6% trên chỉ tiêu 16%...

Trong 6 tháng đầu năm 2017, dư nợ thị trường I của OCB tăng 13,5% so với thời điểm cuối năm 2016 và tăng gần 25% so với cùng kỳ 2016. OCB cũng là một trong những ngân hàng đã nới thêm room tín dụng trong năm 2016 và không loại trừ năm nay sẽ tiếp tục xin thêm hạn mức tín dụng để thực hiện kế hoạch đẩy mạnh cho vay cá nhân.

Lãnh đạo ACB và VIB cho biết đã xin nới thêm room tín dụng (VIB đã cạn room tín dụng sau 2 quý đầu năm) và theo một nguồn tin của Báo Đầu tư Chứng khoán, các ngân hàng này đã được cấp thêm quota (hạn ngạch) cho vay. Trong đó, VIB tăng từ mức 16% được cấp đầu năm lên 24%, còn ACB chưa tiết lộ cụ thể.

Ba ngân hàng có vốn Nhà nước gồm BIDV, Vietcombank và Vietinbank cũng có mức tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm 2017 khá cao. Cụ thể, Vietcombank đạt 13,86% trên chỉ tiêu 16%; BIDV đạt 11,4% so với chỉ tiêu 18%; Vietinbank là 10,2% so với mức 16% được cấp.

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), nhiều khả năng các ngân hàng này cũng sẽ tăng mức tín dụng so với kế hoạch ban đầu thêm 2-3% khi mục tiêu tín dụng cả năm  2017 tăng lên 22%.

Trước đó, tại lễ tổng kết hoạt động kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017, ông Nghiêm Xuân Thành, Chủ tịch HĐQT Vietcombank đã kiến nghị với NHNN về việc nới room tăng trưởng tín dụng 2017 của Vietcombank bằng mức tăng trưởng chung của toàn ngành.

Bên cạnh đó, nhóm các ngân hàng cổ phần quy mô vừa và nhỏ cho hay, dư địa còn lại để cho vay trong những tháng cuối năm cũng không còn nhiều, khi mà quý IV - mùa kinh doanh cao điểm của năm đã ở trước mắt.

Thực tế, nhu cầu vốn của doanh nghiệp thường tăng cao trong quý IV và đây cũng là thời điểm kinh doanh tốt nhất, đóp góp lớn vào lợi nhuận, nên các ngân hàng luôn cần nhiều room để đẩy vốn cho vay.

Năm 2017, ngay từ đầu năm, NHNN đặt mục tiêu tín dụng toàn ngành ngân hàng tăng trưởng 18%, đồng thời phân giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng xuống từng nhóm ngân hàng, song mức cao nhất cũng chỉ là 16%.

Cụ thể, nhóm đầu nhận được mức tăng trưởng 16%; nhóm kế tiếp từ 12-14% tùy vào năng lực của từng ngân hàng. Tuy nhiên, chỉ hơn 2 quý đầu năm, hầu hết ngân hàng đã gần cạn room tín dụng. Nguyên nhân là do các ngân hàng đã đẩy mạnh tăng trưởng tín dụng ngay từ đầu năm, thay vì nửa cuối năm như mọi khi.

Trước thực tế tín dụng tăng trưởng mạnh (hơn 9%) chỉ trong 2 quý đầu năm nay, nhiều ý kiến tỏ ra lo ngại việc tín dụng đang tăng trưởng quá “nóng”. Với tốc độ như hiện nay, có thể tín dụng tăng vượt mục tiêu NHNN đề ra là 18-20%. Sự lo ngại này không phải không có cơ sở, khi mà Chính phủ có thông điệp đẩy tăng trưởng tín dụng lên tới 22%.

Theo đánh giá của TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, việc nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên 22% sẽ là điều kiện tốt để các ngân hàng có thêm dư địa mở rộng hoạt động cho vay dịp cuối năm, tuy nhiên, cần phải tính toán hết sức cẩn trọng.

TS.Trần Đình Thiên cho rằng: “Sẽ là rất rủi ro nếu vốn tín dụng không vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, mà chảy sang các ngành kinh doanh nhạy cảm như bất động sản, chứng khoán…, đặc biệt khi thị trường bất động sản đang ấm dần lên như hiện nay. Mặt khác, nếu cứ bung tiền ra mà không tác động tích cực lên tăng trưởng kinh tế, thì lạm phát sẽ tăng cao…”.

Đồng quan điểm, một chuyên gia tài chính-ngân hàng nhìn nhận, hiện không cần thiết phải tăng room tín dụng, mà tập trung tăng “chất” cho tín dụng để đạt mức tăng trưởng kinh tế mà Chính phủ đề ra cho năm nay là 6,7%. Bởi nếu tín dụng tăng trưởng cao, nhưng không kiểm soát được chất lượng, thì khi đó, nợ xấu sẽ lại tăng nhanh, kéo lạm phát tăng trở lại…

Tin bài liên quan