Tác động từ thị trường
Trong tháng 5 vừa qua, CNY đã giảm giá 2,66% so với USD. Theo TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế, nguyên nhân của diễn biến này là việc căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc leo thang. Giới đầu tư nhận định nền kinh tế lớn thứ hai thế giới yếu thế hơn trong đàm phán thương mại với Mỹ nên lo ngại và bán ra nhân dân tệ.
Bên cạnh đó, việc các đồng tiền chủ chốt trong rổ tiền tệ tính tỷ giá CNY (gồm EUR, GBP, SGD, MYR, AUD, RUB, HKD, NZD), chiếm tỷ trọng gần 60%, đều mất giá so với USD cũng là lý do khiến giá nhân dân tệ đi xuống.
Đáng chú ý, nền kinh tế Trung Quốc đang tồn tại nhiều rủi ro lớn, trong đó có việc tăng trưởng chậm lại, đầu tư và tiêu dùng giảm, khối nợ ở mức cao… Điều này ảnh hưởng đến tâm lý doanh nghiệp, cũng như giới đầu tư Đại lục nói riêng và trên toàn cầu nói chung.
“Như vậy, việc CNY mất giá trong tháng 5 chủ yếu do yếu tố thị trường, không phải có sự can thiệp của ngân hàng trung ương Trung Quốc”, ông Lực nhận định.
Bài toán tỷ giá phức tạp hơn
Theo Bloomberg, trong trường hợp CNY mất giá mạnh so với USD, Trung Quốc có thể can thiệp, bán trái phiếu kho bạc Mỹ đang nắm giữ để hỗ trợ nhân dân tệ như đã từng làm trong quá khứ vào cuối năm 2016, đầu năm 2017. Cụ thể, Trung Quốc đã bán 188 tỷ USD trái phiếu khi CNY giảm giá gần 7%, tương đương với 15% tổng lượng trái phiếu kho bạc Mỹ mà Đại lục nắm giữ tại thời điểm đó.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nhận định, trong ngắn hạn, nhiều khả năng nhân dân tệ sẽ không giảm giá sâu nếu căng thẳng thương mại không có thêm biến động bất thường. Trong trung hạn, tỷ giá CNY/USD trên thị trường quốc tế được dự báo khó vượt quá mức 1 USD đổi 7 nhân dân tệ, ngưỡng tâm lý quan trọng chưa từng bị phá vỡ trong 11 năm qua, dù trong ngày 10/6, tỷ giá đã ở mức 1 USD đổi 6,93 nhân dân tệ.
Theo ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB: “Đối với Việt Nam, thị trường ngoại hối về cơ bản ổn định do quan hệ cung - cầu cân bằng, thanh khoản tương đối dồi dào, dự trữ ngoại hối tiếp tục tăng..., nhưng những biến động mạnh trên thị trường ngoại hối quốc tế sẽ có ảnh hưởng nhất định tới tỷ giá USD/VND”.
Cũng theo TS. Hiếu, tỷ giá USD/VND biến động chủ yếu phụ thuộc vào các yếu tố vĩ mô như tăng trưởng GDP, trạng thái cán cân thanh toán tổng thể, cán cân thương mại, thu hút FDI... và sự quản lý, điều hành linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước (NHNN). Tuy nhiên, do cơ chế quản lý tỷ giá trung tâm của Việt Nam được dựa trên một rổ tiền tệ (gồm 8 loại tiền chủ chốt như USD, EUR, JPY, CNY, SGD...), trong khi kim ngạch thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc chiếm khoảng 23% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2018, nên trong trường hợp CNY bị mất giá, VND cũng chịu áp lực giảm giá không nhỏ.
Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, một lãnh đạo cao cấp NHNN dự báo, khả năng Trung Quốc phá giá CNY là không cao, song bài toán tỷ giá sẽ trở nên phức tạp hơn do yếu tố tâm lý. Điều này đòi hỏi Chính phủ, các bộ, ngành, doanh nghiệp, định chế tài chính phải theo dõi sát sao diễn biến chiến tranh thương mại, biến động trên thị trường tài chính - tiền tệ quốc tế, từ đó đưa ra các kịch bản phù hợp và có biện pháp ứng xử, can thiệp kịp thời, linh hoạt, chủ động.
Bên cạnh đó, cần chú trọng tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế nói chung, thị trường tài chính - tiền tệ nói riêng với các cú sốc bên ngoài thông qua việc đẩy nhanh xử lý những tồn tại, tăng các “gối đệm” như dự trữ ngoại hối, tỷ lệ an toàn vốn, cùng với việc tích cực dùng các công cụ quản lý rủi ro tỷ giá, lãi suất, phái sinh tài chính...
Đặc biệt, đối với báo cáo về chính sách kinh tế vĩ mô thương mại và tỷ giá của các nước đối tác có quan hệ thương mại lớn với Hoa Kỳ và danh sách 9 quốc gia cần phải theo dõi, giám sát, trong đó có Việt Nam do Bộ Tài chính Mỹ công bố, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng cho biết: “Trong thời gian tới, theo chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng, NHNN sẽ tiếp tục cùng với các bộ, ngành trao đổi, cung cấp thông tin cần thiết cho phía Hoa Kỳ, làm rõ định hướng điều hành, cũng như diễn biến kinh tế vĩ mô, thương mại và đầu tư của Việt Nam với Hoa Kỳ”.