Nguồn thu từ dịch vụ đóng góp nhiều hơn vào lợi nhuận ngân hàng

Nguồn thu từ dịch vụ đóng góp nhiều hơn vào lợi nhuận ngân hàng

(ĐTCK) Nguồn thu từ dịch vụ đóng góp vào lợi nhuận ngân hàng trong 9 tháng đầu năm tăng khá cao. Các nhà băng đang đẩy mạnh hoạt động dịch vụ, với kỳ vọng nguồn thu tiếp tục gia tăng.

ACB cho biết, trong quý III/2017, thu nhập lãi thuần đạt 2.147 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ năm trước. Các hoạt động kinh doanh khác như dịch vụ, kinh doanh ngoại hối, mua bán chứng khoán đầu tư… đều có kết quả tốt hơn cùng kỳ. Trong đó, đáng chú ý là lãi thuần từ hoạt động dịch vụ, lũy kế 9 tháng đầu năm đạt gần 775 tỷ đồng, tăng 29,5%.

Kết quả, tổng lợi nhuận trước thuế của ACB trong 9 tháng đầu năm 2017 đạt 2.004 tỷ đồng (bằng 90,9% kế hoạch năm là 2.205 tỷ đồng), tăng 61%; lợi nhuận sau thuế đạt 1.526 tỷ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2016.

Tại VIB, trong 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần tăng 28%, đặc biệt lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng 47%; lợi nhuận trước thuế 9 đạt 623 tỷ đồng, hoàn thành 83% kế hoạch năm.

Báo cáo tài chính quý III/2017 của BIDV cho thấy, đến hết ngày 30/9, Ngân hàng đã thực hiện tốt các chỉ tiêu kinh doanh, trong đó hoạt động bán lẻ tăng trưởng cao hơn tốc độ tăng trưởng chung của toàn hệ thống. Theo đó, huy động vốn bán lẻ tăng 14,3%, chiếm tỷ trọng 56,2% tổng huy động vốn; dư nợ tín dụng bán lẻ tăng 19,6% so với đầu năm, chiếm tỷ trọng 26% tổng dư nợ.

Trong 9 tháng đầu năm, thu nhập lãi thuần của BIDV đạt 23.013 tỷ đồng, tăng 37,7%; thu dịch vụ ròng đạt 2.140 tỷ đồng, tăng 24,3%; lợi nhuận trước thuế của riêng Ngân hàng đạt 6.002 tỷ đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước.

Vietcombank vừa công bố kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế đạt 7.934 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm ngoái và hoàn thành 86% kế hoạch năm.

Ngân hàng này đang điều chỉnh đối tượng khách hàng mục tiêu là khách hàng cá nhân, doanh nghiệp tư nhân, thay vì khách hàng doanh nghiệp nhà nước như trước. Đây là một trong những lý do thúc đẩy tăng trưởng tín dụng 9 tháng đầu năm, đạt 536.000 tỷ đồng, tăng 16,3% so với cuối năm 2016.

Ngoài nguồn thu lớn từ hoạt động tín dụng, một đóng góp đáng kể khác vào lợi nhuận của Vietcombank là thu nhập đến từ hoạt động dịch vụ. 9 tháng đầu năm 2017, thu nhập từ hoạt động dịch vụ của Ngân hàng đạt 1.965 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm ngoái đạt 1.581 tỷ đồng.

Nhằm đẩy mạnh phát triển khách hàng cá nhân, cho vay tiêu dùng, ngày 20/10, Vietcombank đã bổ nhiệm ông Thomas William Tobin, Giám đốc phụ trách khu vực Bắc Á của tổ chức thẻ quốc tế Visa giữ chức vụ Giám đốc Khối bán lẻ Vietcombank. Đây là nhân sự cao cấp người nước ngoài đầu tiên được tuyển dụng và bổ nhiệm tại Vietcombank.

Cùng với xu hướng tín dụng được cải thiện, nguồn thu từ dịch vụ tăng là dự phòng rủi ro của ngân hàng giảm, do nợ xấu dần có đầu ra kể từ khi Nghị quyết 42/2017/QH14 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng được ban hành (có hiệu lực trong 5 năm từ ngày 15/8/2017).

Báo cáo về tình hình kinh tế 9 tháng đầu năm, Uỷ ban Giám sát tài chính quốc gia cho biết, lợi nhuận sau thuế toàn hệ thống tổ chức tín dụng đạt khoảng 47.000 tỷ đồng, tăng 39% so với cùng kỳ năm ngoái. Lãi thuần từ hoạt động tín dụng tăng 15,8%. Tỷ lệ lãi cận biên (NIM - chênh lệch lãi suất cho vay và huy động) tăng lên mức 2,8%, trong khi cùng kỳ năm ngoái là 2,7%. Tỷ lệ chi phí dự phòng rủi ro tín dụng/tổng lợi nhuận trước trích lập dự phòng giảm từ 53% xuống 49%.

Đến hết tháng 7/2017, hệ thống tổ chức tín dụng ước tính xử lý được khoảng 45.000 tỷ đồng nợ xấu. Trong đó, nợ xấu thu hồi từ khách hàng chiếm khoảng 33,6%; sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu ước khoảng 26,3%; bán nợ cho VAMC khoảng 31,7%; bán tài sản bảo đảm khoảng 1,5%; còn lại là xử lý bằng các biện pháp khác.

Giới phân tích tài chính dự báo, từ nay đến cuối năm, sẽ có nhiều ngân hàng tích cực xử lý nợ xấu, thị trường mua bán nợ xấu sôi động hơn. Theo đó, một lượng lớn nợ xấu sẽ được xử lý, giúp lợi nhuận ngân hàng tăng cao trong quý cuối cùng của năm.

Theo báo cáo của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, tỷ lệ nợ xấu của ngành ngân hàng đến cuối tháng 9/2017 là 2,9%, tăng so với mức 2,6% của cùng kỳ năm 2016. Tỷ lệ nợ xấu cao tập trung chủ yếu tại một số tổ chức tín dụng yếu kém, năng lực tài chính và khả năng quản trị điều hành yếu, trong diện tái cơ cấu.

Tin bài liên quan