Nguồn thu của các tổ chức tín dụng đã đa dạng hơn

Nguồn thu của các tổ chức tín dụng đã đa dạng hơn

(ĐTCK) Báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2019 của các ngân hàng cho thấy, so với trước đây, cấu trúc nguồn thu đang dần đa dạng, bền vững hơn, giúp giảm thiểu rủi ro hoạt động…

Thu nhập lãi và thu nhập dịch vụ dẫn dắt tăng trưởng

Một báo cáo của CTCK Rồng Việt cho biết, cơ cấu thu nhập hoạt động của các ngân hàng hiện đã đa dạng và bền vững hơn. Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng thu nhập hoạt động của 10 ngân hàng ACB, BDV, VietinBank, MBBank, Vietcombank, VPBank, HDBank, TPBank, Techcombank, VIB đạt 123.000 tỷ đồng, tăng 14,8% so với cùng kỳ 2018. Tỷ trọng đóng góp của thu nhập lãi và thu nhập dịch vụ tiếp tục tăng lên.

Trong đó, thu nhập lãi tăng trưởng 17,3% và đóng góp khoảng 78% thu nhập hoạt động (6 tháng 2018 đạt 76,2%), thu nhập dịch vụ tăng trưởng 47,2% và đóng góp 10,7% thu nhập hoạt động (6 tháng 2018 đạt 8,3%). Cơ cấu thu nhập cũng bền vững hơn khi các nguồn thu của ngân hàng trở nên đa dạng hơn với doanh thu thẻ, bảo hiểm, thanh toán, dịch vụ trái phiếu…

Ðơn cử, cơ cấu thu nhập dịch vụ nửa đầu năm 2019 của Techcombank cho thấy, thanh toán đạt 505 tỷ đồng, chiếm 26%; bảo hiểm đạt 390 tỷ đồng, chiếm 20%; dịch vụ thẻ đạt 224 tỷ đồng, chiếm 12%; tư vấn phát hành trái phiếu đạt 223 tỷ đồng, chiếm 11%; môi giới chứng khoán đạt 42 tỷ đồng, chiếm 2% và lĩnh vực khác đạt 560 tỷ đồng, chiếm 29%.

Theo đó, Techcombank cho rằng, Ngân hàng đang dẫn đầu trong một số lĩnh vực của phân khúc bán lẻ như phí bảo hiểm (21% thị phần), môi giới trái phiếu (81% thị phần) và khối lượng giao dịch thẻ Visa. Ðiều này đóng góp lớn cho tăng trưởng thu nhập dịch vụ.

Tại MBBank, thu nhập dịch vụ nửa đầu năm 2019 tăng trưởng 85,4% và chiếm 15,6% thu nhập hoạt động, tăng đáng kể so với tỷ lệ 10,8% của nửa đầu năm 2018. Trong đó, thu nhập từ bảo hiểm (do MIC và MB Ageas Life đóng góp) tăng 161,6% và chiếm 60,5% tổng thu nhập dịch vụ. Phí thanh toán tiền mặt (do Ngân hàng mẹ đóng góp) tăng 24,1% và chiếm 19,8% tổng thu nhập dịch vụ.

Kể từ năm 2016, VIB liên tục duy trì tăng trưởng tín dụng ở mức cao bằng việc đẩy mạnh 2 sản phẩm chủ lực là cho vay mua nhà và mua ô tô. Là 1 trong 2 ngân hàng đầu tiên áp dụng Thông tư số 41/2016/TT-NHNN quy định về tỷ lệ an toàn vốn đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, VIB được cho phép tăng trưởng tín dụng cao hơn các ngân hàng khác khi nửa đầu năm 2019, tăng trưởng tín dụng thực tế đạt 17,9%, tỷ trọng cho vay bán lẻ đạt 75,5%.

Bên cạnh đó, tiềm năng tăng trưởng thu nhập bảo hiểm của VIB cũng được đánh giá cao với thu nhập từ hoa hồng bảo hiểm tăng mạnh kể từ khi VIB đẩy mạnh hợp tác với Prudential.

Ðược biết, thu nhập ngoài lãi của VIB trong 6 tháng qua tăng trưởng 68% chủ yếu nhờ lĩnh vực bảo hiểm. Hiện VIB phân phối trên 75% doanh số bancasurrance của Prudential tại Việt Nam. VIB được cho là đứng thứ 3 về doanh số bancassurance và dẫn đầu về hiệu quả doanh số theo từng chi nhánh.

Tại TPBank, với mức tăng 87% năm 2018 và 58% trong nửa đầu năm 2019, ngân hàng này ghi nhận mức tăng trưởng lợi nhuận thuộc nhóm dẫn đầu cũng nhờ đẩy mạnh cho vay mua nhà, mua ô tô và bancassurance. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ tăng trưởng 54%.

Trong 10 ngân hàng nêu trên, tăng trưởng thu nhập dịch vụ của VIB dẫn đầu ở mức 142,6% , tiếp đó là VPBank với 141,2%, TPBank là 98,5%, MBBank là 85,4% và VietinBank là 63%.

Hoạt động dịch vụ còn nhiều tiềm năng tăng trưởng

Thực tế cho thấy, thu nhập từ thanh toán dự kiến tăng trưởng tích cực do các ngân hàng chú trọng đầu tư mở rộng ngân hàng số. Ðơn cử, Vietcombank đã hoàn thành nâng cấp ngân hàng lõi và sẽ tiếp tục đẩy mạnh ngân hàng số với kỳ vọng sẽ cải thiện hiệu quả hoạt động, chất lượng dịch vụ khách hàng.

Techcombank đang tập trung nâng cao trải nghiệm số của khách hàng với chương trình Zero Fee và hoàn tiền 1% trên kênh số, CASA (tiền gửi không kỳ hạn của khách hàng - Current Account and Saving Account) đã cải thiện liên tục từ mức 22,7% của năm 2016 lên 30,4% như hiện tại, từ đó hỗ trợ việc duy trì, cải thiện chi phí vốn.

Cùng với đó, phí dịch vụ thẻ, dịch vụ trái phiếu dự kiến sẽ mở rộng tỷ trọng đóng góp khi các ngân hàng tập trung phân khúc bán lẻ và thị trường trái phiếu được đẩy mạnh.

Trong đó, phí bảo hiểm được kỳ vọng sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng chính của thu nhập dịch vụ, bởi thống kê chưa đầy đủ từ các công ty bảo hiểm cho biết, năm 2018, doanh thu phí bảo hiểm mới qua kênh bancassurance chiếm 20% tổng phí bảo hiểm mới, vẫn thấp hơn các nước trong khu vực. Các ngân hàng MBBank, VPBank, TPBank và VIB dự kiến có tăng trưởng thu nhập từ phí hoa hồng bảo hiểm tích cực nhất.

Các ngân hàng chưa có đối tác bảo hiểm độc quyền như Vietcombank, BIDV và ACB có tiềm năng thu được phí trả trước một lần khi lựa chọn được đối tác.

Thực tế, Vietcombank đang tìm kiếm đối tác ký kết hợp đồng độc quyền phân phối bảo hiểm nhân thọ. Ngân hàng này có thể thu được một khoản lớn từ phí trả trước một lần, cũng như hoa hồng hàng năm tăng trưởng tốt, từ đó đóng góp tích cực cho thu nhập dịch vụ. ACB tăng thu nhập dịch vụ bằng cách thúc đẩy nhiều hoạt động như giao dịch, thanh toán, bảo hiểm, bảo lãnh, môi giới chứng khoán và các hoạt động khác.

ACB cũng là một trong số ít ngân hàng còn có thể thu phí trả lần đầu cao theo thỏa thuận phân phối bảo hiểm nhân thọ độc quyền.

Với HDBank, tăng trưởng thu nhập dịch vụ đạt 26,9% trong 6 tháng qua phụ thuộc hầu hết vào HD Saison. Phí dịch vụ và thu nhập ngoài lãi chiếm lần lượt 5,5% và 10,3% thu nhập hoạt động hợp nhất, thấp hơn đáng kể so với các ngân hàng niêm yết khác.

HD Saison đang gặp khó khăn trong việc mở rộng cho vay khách hàng và biên lãi ròng (NIM) do cạnh tranh ngày càng tăng trong tài chính tiêu dùng khi có thêm nhiều đối thủ gia nhập thị trường này. Bên cạnh đó, nhu cầu tiêu thụ xe máy và hàng tiêu dùng đang có xu hướng bão hòa - vốn là 2 nhóm chiếm tỷ trọng lớn trong danh mục cho vay của HD Saison.

“Tuy vậy, việc tập trung vào cho vay có mục đích sẽ giúp HD Saison ít có khả năng bị ảnh hưởng nếu Ngân hàng Nhà nước phê duyệt dự thảo kiểm soát chặt vay tiêu dùng bằng tiền mặt. Do đó, dịch vụ này vẫn còn nhiều tiềm năng tăng trưởng”, một chuyên gia kinh tế nhận định.

Chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đặt ra mục tiêu phấn đấu tăng tỷ trọng thu nhập từ hoạt động dịch vụ phi tín dụng trong tổng thu nhập của các ngân hàng thương mại lên 12-13% vào cuối năm 2020 và 16-17% đến cuối năm 2025.

Tin bài liên quan