Những nỗ lực trong xử lý nợ xấu đã và đang giúp lợi nhuận của các ngân hàng cải thiện đáng kể

Những nỗ lực trong xử lý nợ xấu đã và đang giúp lợi nhuận của các ngân hàng cải thiện đáng kể

Ngành ngân hàng năm nay sẽ có đột biến lợi nhuận

(ĐTCK) Với việc tín dụng được cải thiện, đặc biệt là nỗ lực xử lý nợ xấu sẽ giúp các ngân hàng đột biến lợi nhuận từ các khoản dự phòng rủi ro nợ xấu trước đây.

Tăng xử lý nợ xấu sẽ tăng hoàn nhập dự phòng

Như dự kiến, ngày 21/9, Agribank tiến hành thu giữ tài sản đảm bảo là trạm biến áp tại Hải Phòng thuộc tài sản của Công ty Sửa chữa tàu biển Vinalines Đông Đô. Lý do là công ty này đã vi phạm nghĩa vụ trả nợ theo các hợp đồng tín dụng đã ký kết với Agribank.

Sacombank cho biết, Ngân hàng hiện đang rà soát lại hàng loạt tài sản thế chấp và sẽ thông báo bán đấu giá trong thời gian tới. Trước đó, nhiều ngân hàng (Techcombank, NCB, Vietinbank…) cũng đã rốt ráo thu giữ tài sản đảm bảo để xử lý nợ.

Nhiều chuyên gia cho rằng, Nghị quyết 42/2017/QH14 là cơ hội tốt để các ngân hàng đẩy nhanh tiến độ xử lý nợ xấu, hoàn nhập dự phòng và điều này phần nào được thể hiện trong kết quả 6 tháng đầu năm 2017.

Chẳng hạn, kết thúc 6 tháng 2017, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt 5.254 tỷ đồng, tăng 23% so với cùng kỳ 2016. Tính đến 30/6/2017, dư nợ xấu nội bảng của Vietcombank là 7.882 tỷ đồng; tỷ lệ nợ xấu là 1,47%; dự phòng rủi ro đã trích 3.004 tỷ đồng. Số dư Quỹ dự phòng rủi ro đạt 10.752 tỷ đồng, bằng 136,4% tổng số dư nợ xấu. Thu hồi nợ ngoại bảng đạt 920 tỷ đồng.

Với VietinBank và BIDV, cả 2 ngân hàng cùng đạt mức tăng trưởng lợi nhuận trên 10% trong nửa đầu năm nay, lần lượt là 4.813 tỷ đồng và 3.708 tỷ đồng.

Ông Đỗ Minh Toàn, Tổng giám đốc ACB cho biết, Ngân hàng hiện đang nỗ lực xử lý số trái phiếu VAMC có giá trị sổ sách 1.410 tỷ đồng (đã trích lập lũy kế là 528 tỷ đồng) trong 6 tháng cuối năm 2017. Chỉ cần đạt tỷ lệ thu hồi 30%, ACB có thể được hoàn nhập 423 tỷ đồng.

Theo kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm 2017 được OCB công bố, lợi nhuận trước thuế đạt 494 tỷ đồng, gấp 2,1 lần cùng kỳ. Với chỉ tiêu lợi nhuận 780 tỷ đồng trước thuế đưa ra cho năm 2017, ông Trịnh Văn Tuấn, Chủ tịch HĐQT OCB cho biết, khả năng hoàn thành không khó. Bởi OCB đã và đang đẩy mạnh mua lại nợ xấu bán cho VAMC trước đó để xử lý và hoàn nhập dự phòng.

CTCK TP.HCM (HSC) nhận định,những ngân hàng thương mại có tỷ lệ an toàn tài chính tốt nhờ sớm trích lập dự phòng sẽ có đà tăng trưởng lợi nhuận mạnh nhất trong nay và năm tới. Việc xử lý nợ xấu tại các ngân hàng phần nào được cải thiện đã tác động tích cực lên kết quả kinh doanh, trong đó đóng góp từ hoàn nhập dự phòng là khá đáng kể.

Mở thêm room tín dụng: Cẩn trọng rủi ro nợ xấu

Không chỉ việc xử lý nợ xấu đang theo chiều hướng tích cực hơn, mà hoạt động cho vay của ngành ngân hàng cũng cải thiện rõ nét. Theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia, tín dụng toàn ngành ngân hàng đến cuối tháng 8/2017 tăng 11,5% so với đầu năm. Đây cũng là nguyên nhân giúp lợi nhuận nhiều ngân hàng tăng trưởng đáng kể thời gian qua.

Một tín hiệu lạc quan khác trong những tháng cuối năm, đó là Ngân hàng Nhà nước đã nới room tín dụng cho các ngân hàng thương mại theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng chung khoảng 21-22%.

Các ngân hàng Vietcombank, Vietinbank, ACB đã nâng room tín dụng dao động từ 18-20%, OCB được cấp 22%, trong khi MB, VPBank cũng có thể đặt kế hoạch tăng trưởng cao hơn... Điều này hứa hẹn các ngân hàng sẽ có nhiều triển vọng hoàn thành kế hoạch lợi nhuận 2017 đề ra.

Tích cực là vậy, song theo nhiều chuyên gia kinh tế, các ngân hàng phải hết sức thận trọng khi theo đuổi mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao, bởi sẽ là rất rủi ro nếu vốn tín dụng dồn vào những lĩnh vực nhạy cảm như bất động sản, chứng khoán…

TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết, vẫn còn lượng lớn nợ xấu đang nằm chờ xử lý. Đây là rào cản trong tăng trưởng tín dụng đối với ngành ngân hàng.

“Tại thời điểm cuối tháng 6/2017, tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống ngân hàng là 2,55%, tương ứng khoảng 153.000 tỷ đồng. Nếu tính cả 250.000 tỷ đồng nợ xấu VAMC đang giữ, thì tổng tỷ lệ nợ xấu vào khoảng 6,7%”, TS.Trần Đình Thiên cho biết.

Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, ông Phạm Hồng Hải cho rằng, trước đây, các ngân hàng kỳ vọng sẽ có sự hỗ trợ từ phía Ngân hàng Nhà nước và Chính phủ trong việc đẩy mạnh xử lý nợ xấu. Nhưng với chủ trương không dùng tiền ngân sách để xử lý, nên các ngân hàng phải tự nỗ lực giải bài toán này.

“Khi tín dụng được khơi thông, nợ xấu được xử lý triệt để, hoàn nhập dự phòng sẽ tăng, kéo lợi nhuận tăng theo”, ông Hải nói. 

Tin bài liên quan