Ngành ngân hàng đang đi quá nhanh?

Ngành ngân hàng đang đi quá nhanh?

(ĐTCK) Theo thông lệ, Nhóm Công tác Ngân hàng (BWG) được trao đổi đầu tiên trong phiên đối thoại với Chính phủ tại Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF).

Các ngân hàng hiện đang không muốn cho vay vì một loạt lý do

Đại diện cho BWG, ông Louis Taylor, Trưởng nhóm đã nhấn mạnh, nhiều vấn đề được nêu trong VBF cuối năm 2011 chưa được giải quyết triệt để, bởi nhu cầu cấp thiết đem lại sự ổn định kinh tế vĩ mô và hệ thống ngân hàng đã chiếm hết nguồn lực của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong những tháng gần đây.

“Vì thế, tiến triển trong chương trình nghị sự dài hạn của BWG tương đối hạn chế. BWG tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của các khuyến nghị và hy vọng các cơ quan có thẩm quyền xem xét lại khi có thể”, ông Louis nhấn mạnh.

Mặc dù cho biết không có bất cứ nghi ngờ gì về nỗ lực của ngành ngân hàng và dự định của các cơ quan có thẩm quyền, nhưng BWG rất quan tâm đến tốc độ và tính chất của một số quy định gần đây.

Cụ thể, thứ nhất, quy chế được soạn thảo và thực hiện một cách nhanh chóng không hẳn luôn là các quy định tốt nhất và có thể có hệ quả ngoài ý muốn và chưa lường trước được. Ví dụ, theo Đề án tái cơ cấu ngân hàng được Chính phủ công bố, các ngân hàng nước ngoài sẽ được tham gia vào việc sáp nhập, hợp nhất và các tiêu chuẩn quốc tế trong quản trị và quản lý rủi ro sẽ được đưa vào các ngân hàng Việt Nam. Nhưng, hiện chưa rõ phương thức để các ngân hàng nước ngoài có thể tham gia vào quá trình này với những giới hạn về quyền sở hữu như hiện tại. Hơn nữa, trong lúc nhiều ngân hàng nước ngoài đã là “nhà đầu tư chiến lược” tại các ngân hàng Việt Nam, các quy định hiện hành về quyền sở hữu đang hạn chế khả năng của các ngân hàng nước ngoài này trong việc thực hiện các tiêu chuẩn quốc tế về quản trị và quản lý rủi ro tại các ngân hàng Việt Nam mà họ đầu tư.

“Để có thể hợp nhất ngành ngân hàng tốt hơn, ứng dụng các tiêu chuẩn quản lý rủi ro và quản trị quốc tế nhiều hơn, vẫn cần phải làm rõ phạm vi và thời điểm tăng tỷ lệ cổ phần nước ngoài được phép. Việc này sẽ khuyến khích các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài và giúp thực hiện những thay đổi mà NHNN muốn thấy ở các ngân hàng Việt Nam”, ông Louis nói.

Thứ hai, một số quy định gần đây có những hạn chế mới về mặt hành chính trong những lĩnh vực nên được dựa trên cơ chế thị trường. Một lộ trình tương lai cho ngành ngân hàng cần khai thác sức mạnh thị trường chứ không phải các biện pháp hạn chế hành chính để tiếp tục xu hướng tăng trưởng. Cụ thể, NHNN đã phân loại các ngân hàng thành 4 nhóm, mỗi nhóm có một tỷ lệ tăng trưởng tín dụng khác nhau. Tuy nhiên, trong cùng một loại ngân hàng, vẫn còn có sự ưu ái cho các ngân hàng lớn.

Mặc dù đã có hướng dẫn rõ ràng về tăng trưởng tín dụng, nhưng tăng trưởng tín dụng trong năm 2012 cho đến nay thấp hơn so với mục tiêu của Chính phủ, với việc nhiều ngân hàng không muốn cho vay vì một loạt lý do. Do vậy, cần khuyến khích tăng trưởng tín dụng cao hơn đối với các tổ chức tín dụng có quy trình quản lý rủi ro tín dụng tốt và nhiều khách hàng là doanh nghiệp vừa và nhỏ, xuất khẩu và sản xuất. Các nhu cầu vốn lớn cho các dự án công nghiệp cũng nên được xem xét cấp hạn mức cao hơn.

Bên cạnh đó, đối với các ngân hàng nhỏ hơn nằm trong nhóm mạnh nhất, NHNN nên xem xét cho phép tăng trưởng tín dụng đến giới hạn là tỷ lệ đòn bẩy hơn là một tỷ lệ phần trăm cố định. Điều này sẽ cho phép các ngân hàng nhỏ hơn sử dụng vốn của mình đến mức độ vừa bảo đảm an toàn, vừa hiệu quả về lợi nhuận.

“Ngoài ra, hạn mức cho vay đối với một khách hàng (15% vốn tự có của ngân hàng) chỉ nên được áp dụng cho các khoản vay trung và dài hạn, theo giấy phép đầu tư của doanh nghiệp. Không nên đặt ra trần hạn mức cho vay đối với một khách hàng có nhu cầu vay vốn lưu động”, ông Louis nói.

Đặc biệt, Thông tư 15 đưa ra trần lãi suất cho vay đối với một số ngành. BWG hiểu ý định của NHNN trong việc giảm chi phí tín dụng cho các ngành gặp khó khăn của nền kinh tế. Tuy nhiên, biện pháp hành chính này dẫn đến việc các ngân hàng sẽ cho các ngành này vay ít hơn so với trước kia, bởi vì những ngành này sẽ ít có khả năng đạt được lợi nhuận thích hợp tương xứng với khả năng rủi ro.

Đề án tái cơ cấu ngành ngân hàng của Chính phủ đưa ra yêu cầu cho các ngân hàng thực hiện quy trình quản lý rủi ro tốt hơn, gồm cả yêu cầu định giá khoản vay có rủi ro.

Thứ ba, trong khi gần đây có một số biện pháp được thực hiện với dự định cắt giảm hoạt động của các ngân hàng được xác định “yếu kém”, nhưng BWG tin rằng, những biện pháp này cũng đang có tác động bất lợi đến hoạt động kinh doanh của những ngân hàng được xác định “mạnh khỏe”, hạn chế những ngân hàng phát huy khả năng của mình để giúp nền kinh tế trong thời kỳ khó khăn.

“BWG ủng hộ chiến lược đề ra trong Đề án tái cơ cấu và mong muốn kế hoạch được thực hiện nhanh chóng và chắc chắn”, ông Louis nhấn mạnh.