Ngân hàng Việt chủ động đón đầu xu hướng 4.0

Ngân hàng Việt chủ động đón đầu xu hướng 4.0

(ĐTCK) Trong làn sóng cách mạng công nghiệp 4.0, ngành ngân hàng Việt Nam không nằm ngoài vòng ảnh hưởng và các ngân hàng nội đang chủ động chuyển đổi số để đón đầu những cơ hội từ cuộc cách mạng này.

Tác động của cách mạng 4.0 tới ngành ngân hàng

Tại Hội thảo “Phát triển và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ trong lĩnh vực ngân hàng” do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức, ông Nghiêm Thanh Sơn, Phó vụ trưởng Vụ Thanh toán, NHNN Việt Nam cho biết, nhiều ngân hàng thương mại Việt Nam đang thực hiện quá trình chuyển đổi số, số hóa dịch vụ ngân hàng.

Nhiều công nghệ hiện đại, đột phá như Cloud, BigData, AI, Blockchain… đã được các ngân hàng ứng dụng vào hoạt động, dịch vụ ngân hàng - tài chính hoặc tăng cường hợp tác với công ty FinTech.

Điều này sẽ đưa đến một số tác động lớn trong hệ thống ngân hàng như nguồn nhân lực phải thay đổi theo hướng tinh gọn, có kỹ năng số và tinh thông nghiệp vụ; các hạ tầng thị trường tài chính, trong đó có hệ thống thanh toán cần phải thay đổi để thích ứng với bối cảnh cách mạng công nghệ 4.0 (Big Data, AI, Blockchain…);

Làm thay đổi căn bản mô hình kinh doanh, quản trị ở các ngân hàng theo xu hướng ngân hàng số, ứng dụng mạnh mẽ các công nghệ thành tựu của cách mạng công nghệ 4.0; thay đổi kênh phân phối theo hướng số hóa, đa kênh đồng nhất (Omni - Chanel), đòi hỏi tái thiết kế các sản phẩm dịch vụ lấy khách hàng làm trung tâm.

“Điều này cũng dẫn đến rủi ro an ninh mạng lớn hơn và thường trực hơn do sự phát triển của vô vàn các kết nối mở, liên tục, đa chiều, phức tạp”, ông Sơn nhận định.

Cũng theo ông Sơn, các ngân hàng thương mại Việt Nam nhận ra rằng sức mạnh của chuyển đổi số thực sự nằm ở việc tạo ra một lõi kỹ thuật số (digital core).

Lõi kỹ thuật số này là nền tảng cho sự phát triển ngân hàng số, giúp mở rộng giao tiếp với hệ sinh thái số của khách hàng và các công ty FinTech qua các giao diện chương trình ứng dụng (APIs).

Bên cạnh đó, các ngân hàng Việt Nam thực hiện chuyển đổi số thông qua hai cách tiếp cận chính: Tự đổi mới, xây dựng các khả năng, công nghệ của ngân hàng số và tăng cường hợp tác với FinTech để nhanh chóng tận dụng khả năng, thế mạnh của đôi bên. 

Phát triển ngân hàng số - Chiến lược của ngành ngân hàng

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Kim Anh thông tin, ngày 8/8/2018, Thủ tướng Chính phủ đã chính thức phê duyệt chiến lược phát triển ngành ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030.

Trong đó, việc chú trọng phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ ngành ngân hàng và phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng hiện đại, tăng cường khả năng tiếp cận dịch vụ ngân hàng được xác định là hai trong số nhiều nhiệm vụ giải pháp trọng tâm trong chiến lược phát triển ngành ngân hàng những năm tới.

Hiện nhiều ngân hàng Việt Nam đã bắt đầu quá trình chuyển đổi số, triển khai cung ứng một số dịch vụ ngân hàng đổi mới, sáng tạo, chẳng hạn như TPBank với dịch vụ ngân hàng tự động LiveBank; VPBank với ứng dụng ngân hàng số Timo; Vietcombank với không gian giao dịch công nghệ số Digital Lab; MB với ứng dụng trợ lý ảo ChatBot phục vụ khách hàng 24x7 trên mạng xã hội…

Tại Vietinbank, ông Trần Công Quỳnh Lân, Phó tổng giám đốc chia sẻ, Ngân hàng đã thay thế thành công hệ thống CoreBanking vào tháng 2/2017; kho dữ liệu doanh nghiệp EDW đã chính thức đưa vào khai thác, vận hành từ tháng 4/2017; kiến trúc SOA hoàn thành triển khai vào năm 2016 và năm 2017, Vietinbank chính thức cung cấp API ra bên ngoài.

Mobile Banking cũng được phát triển mạnh mẽ với giao diện mới, tiện ích người sử dụng cao, tăng cường trải nghiệm khách hàng; hạ tầng công nghệ Big Data đã được thử nghiệm triển khai thành công năm 2018. Vietinbank cũng luôn chú trọng vào đầu tư hạ tầng an ninh bảo mật.

“Vietinbank mong muốn được hợp tác với các chuyên gia, các công ty FinTech để tăng cường khả năng công nghệ, đưa ra các sản phẩm sáng tạo và phục vụ khách hàng ngày một tốt hơn”, ông Lân cho biết.

Thông tin được ông Trần Chí Mạnh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Giải pháp thanh toán Việt Nam (VNPAY) chia sẻ, VNPAY đã cùng 18 ngân hàng tại Việt Nam xây dựng hệ thống thanh toán bằng mã QR, cho phép khách hàng thanh toán tiền hàng hóa dịch vụ cho đơn vị bán hàng từ tài khoản ngân hàng thông qua tính năng QRPAY trên ứng dụng Mobile Banking của các ngân hàng hợp tác.

Bên cạnh đó, VNPAY đã và đang từng bước ứng dụng thành công trí tuệ nhân tạo (AI) trong việc thực hiện các giao dịch và thanh toán như ứng dụng AI trên VCB Pay và ứng dụng AI trên máy bán hàng tự động.

Còn nhiều việc phải làm

Khẳng định quan điểm của NHNN là luôn ủng hộ và thúc đẩy sự hợp tác giữa công ty FinTech và ngân hàng, xem sự phát triển của FinTech và việc hợp tác giữa ngân hàng - FinTech là tiền đề cho việc nâng cao tiếp cận dịch vụ tài chính - ngân hàng, thúc đẩy phổ cập tài chính quốc gia, ông Nghiêm Thanh Sơn cho biết,

NHNN đang tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý đối với các sản phẩm, dịch vụ mới ứng dụng công nghệ, mô hình kinh doanh mới (ngân hàng số, ví điện tử, nhận biết khách hàng điện tử (eKYC), Open API)… đáp ứng yêu cầu quản lý trong bối cảnh mới.

Đồng thời, NHNN tạo dựng môi trường pháp lý thúc đẩy đổi mới, sáng tạo của các tổ chức FinTech, khuyến khích các sản phẩm, giải pháp FinTech an toàn, hiệu quả (ưu tiên xây dựng khuôn khổ pháp lý thử nghiệm); triển khai biện pháp đảm bảo an ninh, an toàn trong ngành ngân hàng, áp dụng tiêu chuẩn an ninh, bảo mật tiên tiến, phù hợp với xu hướng phát triển của ngành ngân hàng và chuẩn mực quốc tế, đảm bảo các giao dịch thực hiện nhanh chóng, an toàn, thuận tiện.

Bên cạnh đó, NHNN cũng chú trọng phát triển các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trên nền tảng số, hạ tầng công nghệ thông tin hiện đại, nâng cao khả năng tiếp cận sản phẩm, dịch vụ ngân hàng tới số đông dân chúng; hiện đại hóa hệ thống công nghệ thông tin, nâng cấp hệ thống ngân hàng lõi thế hệ mới, đầu tư các công nghệ nền tảng của cách mạng công nghệ 4.0 đáp ứng xu thế phát triển ngân hàng số, hợp tác ngân hàng – FinTech; phát triển các giải pháp thanh toán an toàn, hiệu quả, tiện lợi ứng dụng công nghệ mới (như thanh toán phi tiếp xúc - NFC, thanh toán QR Code, số hóa thông tin thẻ - Tokenization…).

“Đặc biệt, có cơ chế đãi ngộ, thu hút các tài năng về công nghệ, xây dựng cơ chế, chính sách đào tạo, tái trang bị kỹ năng cho lực lượng lao động ngành ngân hàng thích ứng với yêu cầu, đòi hỏi của cách mạng công nghệ 4.0”, ông Sơn nói.

Tin bài liên quan