Ngân hàng và chiếc phao cứu sinh “thủng” khi cho vay

Ngân hàng và chiếc phao cứu sinh “thủng” khi cho vay

(ĐTCK) Nhiều DN Tại các ngân hàng, cho vay bảo đảm bằng hàng hóa tồn kho luân chuyển chiếm tỷ lệ lớn nhất về số lượng đối với khách hàng là DN.

Đây cũng là tài sản chủ đạo của các DN sản xuất, DN càng lớn thì càng thường xuyên sử dụng kho hàng làm tài sản bảo đảm. Tuy nhiên, nhận bảo đảm tiền vay bằng hàng hóa trong kho có rất nhiều rủi ro. Xin nêu một vài trường hợp để bạn đọc tham khảo.

Khi tài sản thế chấp tại nhiều ngân hàng

Cách đây ít lâu, một công ty thủy sản đã làm hồ sơ vay vốn tại 5 ngân hàng, tài sản bảo đảm chính là hàng hóa tồn kho luân chuyển, hay nói đơn giản tài sản bảo đảm chính là thủy sản mà công ty sử dụng khoản vay để mua. Vấn đề là khi cho vay, các ngân hàng không hề biết công ty này dùng kho hàng để vay nhiều nơi khác. Khi công ty mất khả năng thanh toán, các ngân hàng mới phát hiện không chỉ kho hàng này đã bị thế chấp nhiều lần, mà công ty khi mua thủy sản còn nợ tiền bà con nông dân. Ngân hàng đầu tiên cử bảo vệ xuống canh giữ kho hàng chắc mẩm giữ được tài sản bảo đảm, nhưng không ngờ bà con nông dân ùa vào đòi cá, mở kho hàng. Cuối cùng, 5 ngân hàng ngậm ngùi ngồi nhìn kho hàng trống rỗng!

Về  nguyên tắc, khi nhận tài sản bảo đảm là hàng hóa tồn kho luân chuyển, giá trị tài sản bảo đảm phải lớn hơn giá trị khoản vay do DN mua hàng về, nhập kho và chế biến, sản xuất thành thành phẩm có giá trị lớn hơn so với nguyên liệu. Tuy nhiên, khi thị trường biến động, giá thành phẩm giảm hoặc không xuất khẩu được, DN sẽ khó có khả năng trả nợ.

Khi xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ, ngân hàng thường đối mặt nguy cơ giá giảm, khó bán tài sản, nếu tiếp tục duy trì kho hàng thì tốn chi phí vận hành như: đông lạnh, bảo vệ... Tuy nhiên, đây chưa phải nguy cơ lớn nhất, bởi nhiều khi khoản vay có giá trị một phần so với kho hàng và DN chỉ dùng phần hàng hóa được mua bằng khoản vay làm tài sản bảo đảm. DN cũng có thể dùng kho hàng làm tài sản bảo đảm để vay nợ nhiều nơi, khi đó, ngân hàng không thể biết đâu là tài sản bảo đảm của ngân hàng mình. Chưa kể, DN khi dùng khoản vay mua hàng có thể xuất hiện tình huống chưa trả hết cho bên bán hàng. Như vậy, tài sản đó chưa phải là tài sản của DN và bên bán hàng cũng có quyền xử lý kho hàng đó để thu hồi nợ.

Một đặc điểm nữa của loại tài sản bảo đảm này là hàng hóa tồn kho luân chuyển, tức là liên tục có việc nhập hàng, xuất hàng dẫn đến khối lượng hàng hóa thay đổi liên tục. Nhằm đề phòng DN “rút ruột” kho hàng, ngân hàng thỏa thuận bên thế chấp phải bảo đảm luôn duy trì một lượng xác định hàng hóa tài sản bảo đảm trong kho ở mọi thời điểm. Trường hợp số lượng hàng hóa này sụt giảm thì DN phải trả nợ trước hạn tương ứng với giá trị số hàng hóa giảm hoặc bù đắp một tài sản bảo đảm khác thay thế. Nếu không, ngân hàng sẽ chuyển toàn bộ nợ quá hạn và thu hồi nợ trước hạn. Trên thực tế, ngân hàng gần như quản lý tài sản vô hình, vì không phải hàng hóa cụ thể nào, mà chỉ là khối lượng hàng hóa xác định trên giấy tờ.

  Ngân hàng và chiếc phao cứu sinh “thủng” khi cho vay ảnh 1

Nhận bảo đảm tiền vay bằng hàng hóa trong kho có rất nhiều rủi ro

Xét về các biện pháp bảo đảm nghĩa vụ tiền vay bằng hàng hóa kho hàng, hiện các ngân hàng thường sử dụng biện pháp thế chấp. Tài sản bảo đảm được quản lý tại kho của khách hàng với bảo vệ trông kho do phía ngân hàng thuê hoặc thuê kho của bên thứ ba. Tuy nhiên, với biện pháp này, ngân hàng không trực tiếp nắm giữ tài sản nên có rủi ro tuồn kho, giảm lượng hàng trong kho. Hiện có ngân hàng muốn lựa chọn biện pháp cầm cố. Biện pháp cầm cố thì hàng hóa được quản lý trong kho của chính ngân hàng nên dễ quản lý hơn và không lo “đụng hàng” giữa những người cùng nhận bảo đảm. Tuy nhiên, việc lập kho hàng sau đó trực tiếp quản lý hàng hóa trong kho lại vướng phải rào cản pháp lý, bởi các ngân hàng không có chức năng cho thuê kho. Nếu muốn, ngân hàng thường phải thành lập công ty con có chức năng quản lý nợ và khai thác tài sản. Kho hàng sẽ do công ty này quản lý. Tuy nhiên, thủ tục rất phức tạp và phải được Ngân hàng Nhà nước cho phép.

Các DN sản xuất là các đối tượng có nhu cầu vốn cao để mua nguyên liệu sản xuất, đa phần tài sản bảo đảm là hàng hóa tồn kho luân chuyển. Biết rằng loại tài sản bảo đảm này có nhiều rủi ro, nhưng các ngân hàng vẫn cho vay. Nếu sử dụng biện pháp thế chấp thì cũng không khác gì tín chấp, ngân hàng luôn phải theo dõi hoạt động của DN, đề phòng “phao thủng”. Sử dụng biện pháp cầm cố thì chắc chắn có kho hàng, ngân hàng có thể tính toán chi phí kho hàng vào lãi vay, khách hàng chịu thêm chi phí, nhưng đổi lại, ngân hàng cũng sẵn sàng mở hầu bao hơn. Tuy nhiên, biện pháp này cần sự hỗ trợ của cơ quan quản lý, tạo điều kiện cho ngân hàng dễ dàng có chức năng thành lập, quản lý kho hàng. 

 

Khi tài sản bảo đảm là dữ liệu và sắt vụn

Một DN hoạt động trong lĩnh vực khoa học công nghệ, cung cấp các thẻ cào trên thị trường. Công ty này mua dữ liệu từ MobiFone, Vinaphone, Viettel... để sản xuất các thẻ cào và bán. Chi phí mua thiết bị và gói dữ liệu từ các nhà cung cấp dịch vụ là rất lớn, ngoài ra, DN không còn tài sản nào đáng kể. Bởi vậy, khi vay vốn ngân hàng, DN đưa hệ thống thiết bị và dữ liệu này làm tài sản thế chấp. Khi DN khó khăn đầu ra, không trả được nợ, ngân hàng cho vay bế tắc trong việc xử lý: thiết bị không vận hành thì để lâu hỏng hóc; vận hành thì tốn kém chi phí cho kỹ sư, xăng dầu nguyên liệu; bán dữ liệu thì không ai mua; sản xuất thẻ cào thì ngân hàng không có công nghệ, chưa kể vấn đề bế tắc việc bán ra thị trường.

Tương tự như vậy, một ngân hàng khác tài trợ cho một DN sản xuất công nghệ cao ở Khu công nghệ cao Láng - Hòa Lạc để nhập khẩu hệ thống máy móc thiết bị. Chủ DN là những nhà khoa học kỳ vọng rằng, việc nhập hệ thống này về sẽ giúp họ sản xuất những thiết bị máy móc đầu vào cho các nhà máy khác. Khoản vay trị giá 80 tỷ đồng, trong đó 20 tỷ đồng được bảo đảm bằng nhà đất của các cá nhân giới chủ, còn lại được bảo đảm bằng chính hệ thống máy móc đó.

Khi thị trường khó khăn, kinh tế đi xuống, giới chủ vốn là những kỹ sư đầy nhiệt huyết song thiếu nhạy cảm kinh doanh, không trả được nợ. Ngân hàng tiến hành xử lý tài sản bảo đảm thu hồi khoản vay. Khi xử lý hệ thống thiết bị mới phát hiện ra trong danh mục thiết bị thiếu một thiết bị quan trọng: nồi hơi. Không có nồi hơi ra thì toàn bộ hệ thống thiết bị kia chẳng khác gì sắt vụn. Bán không được, cũng không thể sử dụng cho mục đích sản xuất, ngân hàng đành ôm đống sắt vụn và ghi thêm vào nợ xấu hàng chục tỷ đồng.

Với tài sản bảo đảm là thiết bị máy móc, rủi ro lớn nhất là sự giảm giá trị ngay sau khi sử dụng, bởi vậy, để an toàn, các ngân hàng thường chỉ cho vay tối đa số tiền bằng 50% giá trị thiết bị được ngân hàng định giá. Tuy nhiên, điều này cũng không ngăn được rủi ro khác như bị đánh cắp, chi phí vận hành bảo quản quá lớn, hết niên hạn sử dụng hay bị cấm sử dụng bởi cơ quan chức năng.

Rủi ro lớn nhất nằm ở năng lực thẩm định phương án kinh doanh của khách hàng. Trong các trường hợp trên, ngân hàng đã đánh giá không đúng về phương án kinh doanh của khách hàng và cơ cấu khoản vay không hợp lý. Điều này đẩy cả DN và ngân hàng vào thế bí. Tuy nhiên, để thẩm định phương án của khách hàng đòi hỏi nhân viên thẩm định phải am hiểu thiết bị máy móc, khả năng ứng dụng và khả năng khai thác nguồn thu…

Luật sư Trần Minh Hải