Hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2019 của nhiều ngân hàng sẽ thấp hơn năm 2018.

Hạn mức tăng trưởng tín dụng năm 2019 của nhiều ngân hàng sẽ thấp hơn năm 2018.

Ngân hàng ứng phó với việc bị siết tăng trưởng tín dụng

(ĐTCK) 80% nguồn thu của các ngân hàng Việt đến từ hoạt động cho vay, nên việc bị siết tăng trưởng tín dụng sẽ khiến lợi nhuận các ngân hàng sụt giảm trong bối cảnh nguồn thu từ dịch vụ chưa tăng kịp và các ngân hàng đã và đang lên kế hoạch ứng phó trong trường hợp này.

Cho vay liên ngân hàng sẽ được đẩy mạnh

Một nghiên cứu của Công ty Chứng khoán TP. HCM (HSC) cho biết, năm 2018, tăng trưởng cho vay của HDBank - Ngân hàng mẹ đã sử dụng hết hạn mức (room) tăng trưởng tín dụng, trong khi công ty con là HD Saison mới chỉ sử dụng 1/3 hạn mức.

Cho vay khách hàng hợp nhất tăng trưởng 17,8%, đạt 123.130 tỷ đồng, trong đó tăng trưởng cho vay của HDBank mẹ là 18,3%, đạt 112.470 tỷ đồng. Cho vay ngắn hạn và cho vay trung - dài hạn tăng trưởng 19,7% và 16,8%. HDBank vẫn duy trì hơn 50% tổng dư nợ cho các khoản cho vay ngắn hạn.

Do đó, HDBank không lo lắng quá nhiều về quy định tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung hạn được thắt chặt từ tháng 1/2019 (giảm xuống 40% từ 45% trong năm 2018).

“Cho vay khách hàng cá nhân vẫn đóng góp lớn nhất trong cơ cấu hoạt động của HDBank, với mức tăng trưởng 37-38% trong năm 2018”, nghiên cứu của HSC cho biết.

Dù vậy, việc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) thắt chặt tăng trưởng tín dụng, theo HSC, sẽ vẫn ảnh hưởng tới HDBank.

Cụ thể, trong năm 2018, HDBank đã mở thêm 40 chi nhánh và phòng giao dịch mới, nâng tổng số chi nhánh và phòng giao dịch lên con số 284 (tăng 18,8%) và bắt đầu đẩy mạnh cho vay từ quý I/2018 (tăng 11,5% so với đầu năm) và do đó sử dụng toàn bộ hạn mức tăng trưởng tín dụng ban đầu trong quý II/2018 (tăng 16,2% so với đầu năm).

Sau đó, HDBank tạm ngừng tăng trưởng cho vay trong toàn bộ quý III/2018 và vào cuối quý IV/2018 được phép tiếp tục cho vay. Bởi vậy, với định hướng thắt chặt hơn nữa tăng trưởng tín dụng của NHNN trong năm 2019 và một vài năm tới, HDBank có thể sẽ gặp khó khăn trong việc tối ưu hóa hiệu quả của hệ thống chi nhánh và phòng giao dịch mới thành lập.

Tình trạng này có thể được giải quyết nếu HDBank được cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng lớn hơn sau khi hoàn tất sáp nhập với PG Bank, nhưng khả năng hạn mức mới có thể cao hơn mức 30% là rất thấp và mức 20-25% có lẽ là thực tế hơn. 

Điều chỉnh giảm lợi nhuận

Ông Lê Đức Thọ, Chủ tịch HĐQT VietinBank cho biết, do tỷ lệ an toàn vốn của VietinBank đã tới mức tối thiểu nên từ tháng 9/2018 đến cuối năm, VietinBank không thể tăng trưởng tín dụng, trong khi nhu cầu vốn của nền kinh tế rất lớn, đặc biệt là trong thời gian tới đây khi tăng trưởng kinh tế của đất nước tiếp tục cải thiện, nhu cầu vốn và dịch vụ ngân hàng sẽ tăng mạnh mẽ.

Nếu VietinBank không thể tăng trưởng tín dụng thì sẽ ảnh hưởng rất lớn tới việc đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế, cũng như tham gia tài trợ vốn cho các dự án quan trọng của đất nước, từ đó tác động tới tăng trưởng kinh tế và nguồn thu ngân sách do các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận tín dụng.

Thực tế 3 năm gần đây, tăng trưởng tín dụng của VietinBank thường đến gần giới hạn do không được tăng vốn điều lệ. Trong bối cảnh tín dụng vẫn là nguồn thu chính, điều này khiến tăng trưởng lợi nhuận bị hạn chế.

Tại Đại hội đồng cổ đông bất thường vào đầu tháng 12/2018, VietinBank đã phải điều chỉnh giảm lợi nhuận riêng lẻ xuống 6.200 tỷ đồng (hợp nhất 6.700 tỷ đồng) và đến cuối năm, VietinBank báo lãi năm 2018 đạt khoảng 6.834 tỷ đồng (giảm so với kế hoạch là 10.800 tỷ đồng).

“Do phương án tăng vốn chưa được phê duyệt nên trong năm 2018, VietinBank đã phải giảm dư nợ cho vay trong quý IV/2018 (trên 26.000 tỷ đồng)”, ông Thọ nói.

Tổng giám đốc VietinBank Trần Minh Bình cho biết, VietinBank đặt ra 2 kịch bản kế hoạch kinh doanh cho năm 2019, với điều kiện bỏ ngỏ là việc liệu có được phê duyệt kế hoạch tăng vốn hay không.

Cụ thể, ở kịch bản 1, trong trường hợp không được phê duyệt tăng vốn, VietinBank đặt kế hoạch tăng trưởng tổng tài sản 5%, tăng trưởng tín dụng 6,8%, lợi nhuận trước thuế ước đạt 9.500 tỷ đồng. Với kịch bản 2 là được phê duyệt tăng vốn, mức tăng trưởng tín dụng sẽ cao hơn, nhưng vẫn chưa có con số cụ thể.

Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank trong cuộc gặp mặt báo chí ngày hồi giữa tháng 8/2018 cho biết, chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế năm 2018 điều chỉnh giảm từ 1.800 tỷ đồng xuống còn 1.200 tỷ đồng.

Lý giải nguyên nhân điều chỉnh, ông Thắng cho biết: Thứ nhất, kế hoạch đầu năm xây dựng dựa trên mức tăng trưởng tín dụng là 20%, nhưng phê duyệt của NHNN chỉ là 14% khiến LienVietPostBank phải điều chỉnh các chỉ tiêu tổng tài sản, huy động vốn và dư nợ thị trường 1 để tương ứng với room tín dụng cho phép, nên lợi nhuận cũng phải điều chỉnh.

Thứ hai, trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng bị siết lại giai đoạn 2018-2019, LienVietPostBank xác định chiến lược là tập trung đầu tư cho cơ sở hạ tầng, trong đó ưu tiên phát triển mạng lưới.

Cụ thể, chỉ tính riêng số lượng điểm giao dịch của LienVietPostBank được mở mới trong 6 tháng đầu năm 2018 là 95 phòng giao dịch bưu điện nâng cấp, 2 chi nhánh và 1 phòng giao dịch trực thuộc, tức là gần bằng một nửa trong tổng số hơn 200 chi nhánh, phòng giao dịch được mở trong suốt 9 năm hoạt động từ 2008 đến 2017.

“Mở rộng mạng lưới sẽ làm tăng chi phí đầu tư xây dựng cơ bản, hạ tầng công nghệ và đặc biệt là chi phí nhân sự, quản lý…, trong khi room tín dụng lại thấp khiến lợi nhuận của các ngân hàng sụt giảm. Nếu chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng vẫn thấp trong năm 2019, kịch bản của năm 2018 không loại trừ khả năng sẽ lặp lại”, các chuyên gia phân tích nhận định.   

Tin bài liên quan