Sau vụ việc tại Eximbank, nhiều ngân hàng cung cấp thêm các công cụ thông minh để khách hàng có thể tra cứu tài khoản mọi lúc, mọi nơi

Sau vụ việc tại Eximbank, nhiều ngân hàng cung cấp thêm các công cụ thông minh để khách hàng có thể tra cứu tài khoản mọi lúc, mọi nơi

Ngân hàng thêm giải pháp đảm bảo an toàn cho khách gửi tiền

(ĐTCK) Mặc dù đã có những biện pháp đề phòng rủi ro liên quan đến đạo đức nhân viên, song những vụ mất tiền vẫn xảy ra, gây ảnh hưởng đến danh tiếng của ngân hàng. Và vụ việc “bốc hơi” 301 tỷ đồng tại Eximbank vừa qua càng khiến các ngân hàng mạnh mẽ hơn trong việc bảo vệ khách hàng.

Tăng cường công cụ hỗ trợ

VietinBank vốn đã xây dựng các kênh hỗ trợ nhằm giúp khách hàng dễ dàng sử dụng các dịch vụ, công cụ và tiện ích thông minh để kiểm tra tài khoản tiết kiệm của mình tại Ngân hàng mọi lúc, mọi nơi như kênh tại quầy (dịch vụ xác nhận số dư tài khoản), kênh Internet Banking (đối với khách hàng có đăng ký sử dụng dịch vụ iPay) hay kênh tổng đài trả lời tự động (TPIN)…

Dẫu vậy, ngày 12/2/2018, VietinBank chính thức triển khai và cung cấp đến khách hàng thêm công cụ tra cứu số dư sổ/thẻ tiết kiệm trực tuyến thông qua website www.vietinbank.vn bằng cả phiên bản web và mobile. Theo đó, khách hàng chỉ cần thực hiện 2 bước đơn giản: Truy cập website www.vietinbank.vn, chọn mục “Công cụ và tiện ích”, chọn “Tra cứu số dư sổ/thẻ tiết kiệm”.

Tiếp đó, nhập đầy đủ 4 thông tin cá nhân bao gồm: Số tài khoản, số serial sổ/thẻ tiết kiệm, số thẻ căn cước (TCC)/chứng minh nhân dân (CMND)/hộ chiếu (HC) và số điện thoại.

“Việc yêu cầu cung cấp đầy đủ 4 trường thông tin này đảm bảo chỉ chính chủ sở hữu đang nắm giữ sổ/thẻ tiết kiệm mới có thể tra cứu thông tin, giúp khách hàng hoàn toàn yên tâm với tính chính xác, an toàn và bảo mật của công cụ.

Thông qua công cụ này, khách hàng có thể tra cứu các thông tin: Họ và tên chủ sở hữu sổ/thẻ tiết kiệm, số dư hiện tại, số tiền bị phong tỏa (nếu có), kỳ hạn, ngày phát hành, ngày đến hạn của tài khoản tiền gửi tiết kiệm”, một lãnh đạo VietinBank cho biết.

Còn ngày 1/3 vừa qua, Maritime Bank đã giới thiệu đến khách hàng cách thức theo dõi chi tiết các khoản tiết kiệm của khách hàng đang gửi tại Ngân hàng tại bất kỳ đâu và ở bất kỳ lúc nào mà chỉ cần truy cập vào website của Maritime Bank. Phương thức kiểm tra sổ tiết kiệm trực tuyến mới của Maritime Bank sẽ được áp dụng cho những khách hàng gửi tiết kiệm tại quầy và không sử dụng ngân hàng điện tử (Internet Banking).

Để kiểm tra tình trạng sổ của mình, khách hàng Maritime Bank chỉ cần truy cập website ngân hàng, nhấp vào biểu tượng “chú heo tiết kiệm” ở bên phải màn hình trang chủ https://ebank.msb.com.vn/IBSRetail/svonline.jsp, nhập một số thông tin cá nhân được bảo mật khác, khách hàng sẽ tra cứu được mọi thông tin của sổ bao gồm: Tên chủ thẻ, số tiền gốc ban đầu, tiền gốc hiện tại, ngày gửi, ngày đáo hạn, kỳ hạn, lãi suất…

Đối với các khách hàng sử dụng ngân hàng điện tử của Maritime Bank bao gồm Internet Banking https://ebank.msb.com.vn/IBSRetail và ứng dụng Mobile Banking (tải từ Apple Store hoặc Google Play), sau khi đăng nhập, ngay tại trang chủ, mọi thông tin của các thẻ tiết kiệm của khách hàng đang mở tại Maritime Bank đều được hiển thị, bao gồm cả gửi tiết kiệm tại quầy và tiết kiệm online.

VietABank cũng chính thức mở trang công cụ tra cứu sổ tiết kiệm trực tuyến trên website www.vietabank.com.vn. Với trang công cụ này, VietABank “trao quyền” cho khách hàng trong việc tự tra cứu thông tin về tình trạng của sổ tiết kiệm đã được cập nhật trên hệ thống ngân hàng, kể cả trường hợp chưa có tài khoản thanh toán. Cụ thể, sau khi khách hàng nhập số tài khoản sổ tiết kiệm, màn hình sẽ hiển thị các thông tin: Tên sản phẩm, số tiền gửi, kỳ hạn gửi tiền, ngày mở sổ, ngày đến hạn thanh toán, lãi suất…

Khách hàng cũng cần “tự bảo vệ mình”

Thực tế, việc đảm bảo an toàn cho khách hàng là điều các ngân hàng luôn đặt lên hàng đầu và được triển khai theo nhiều cách. Đối với người viết bài này, năm 2015, khi gửi tiết kiệm tại BAC A BANK đã được nhân viên ngân hàng hướng dẫn cụ thể về cách tra cứu thông tin tự động khi gọi tới tổng đài chăm sóc khách hàng 1800 588 828 bằng số điện thoại đã đăng ký SMS Banking với Ngân hàng, nhập đúng mã số khách hàng hoặc CMND.

Với dịch vụ này, khách hàng có thể tra cứu tự động hoàn toàn miễn phí các thông tin sau: Số dư tài khoản, số tài khoản, 5 giao dịch gần nhất của tài khoản, số dư sổ tiết kiệm, tình trạng thẻ, tỷ giá, lãi suất tiết kiệm, thông tin về các sản phẩm, dịch vụ, chương trình khuyến mại, địa chỉ ATM... Được biết, dịch vụ này được triển khai từ tháng 12/2014.

Còn nếu là khách hàng của TPBank, từ năm 2016, mỗi sổ tiết kiệm TPBank phát hành đều gắn một mã QR để khi tra cứu có thể đưa ra thông tin về tình trạng sổ tiết kiệm. Người gửi chỉ cần tải ứng dụng TPBank eBank, mở tính năng quét mã QR và scan mã QR trên sổ tiết kiệm của mình. Chỉ sau vài giây, toàn bộ thông tin liên quan đến sổ tiết kiệm lưu trên hệ thống của TPBank sẽ hiện ra và khách hàng có thể đối chiếu ngay với số tiền gửi vừa được nhập vào hệ thống của ngân hàng này, hay còn cho biết trạng thái của sổ.

“Không chỉ quét mã QR, hàng tháng, TPBank còn gửi số dư tài khoản qua email tôi đã đăng ký, nhưng quả thật, tôi gần như không kiểm tra. Khi có sự việc của Eximbank, tôi mới giật mình vì sự chủ quan của chính bản thân”, chị Vũ Hồng (Cầu Giấy, Hà Nội), khách hàng của TPBank chia sẻ.

Trao đổi với Báo Đầu tư Chứng khoán, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại có trụ sở tại TP.HCM cho biết, một trong những giải pháp đơn giản nhất được các ngân hàng triển khai trong nhiều năm qua đó là tin nhắn gửi thông báo cho khách hàng về những biến động của sổ tiết kiệm hay tài khoản thông qua số điện thoại khách hàng đăng ký. Tuy vậy, dịch vụ này có thu phí, dao động từ 8.000-10.000 đồng mỗi tháng (chưa bao gồm thuế) tùy từng ngân hàng.

“Rất nhiều lần tôi chứng kiến nhân viên ngân hàng thuyết phục khách hàng đăng ký dịch vụ thông báo qua SMS Banking để nắm bắt được thông tin sổ tiết kiệm hay tài khoản của mình, nhưng đều nhận được sự từ chối của khách vì phải trả thêm chút chi phí hàng tháng. Tôi rất mong các khách hàng sẽ thay đổi tư duy này trong thời gian tới để cùng ngân hàng kiểm soát sự an toàn trong hệ thống”, vị tổng giám đốc trên nói.

Giám đốc Pháp chế một ngân hàng cổ phần cho biết: “Dịch vụ tra cứu của các ngân hàng đã có từ lâu. Tuy nhiên, một số ngân hàng miễn phí dịch vụ đối với khách hàng doanh nghiệp, còn thu phí đối với khách hàng cá nhân. Có thể nhiều khách hàng cá nhân không muốn trả phí nên đã không đăng ký. Nhưng hiện tại, với việc nâng cấp dịch vụ trên nền tảng công nghệ hiện đại hơn, đưa đến sự thuận lợi hơn cho khách hàng, bên cạnh việc khách hàng không phải trả thêm phí cho một số dịch vụ cho thấy sự nỗ lực của các ngân hàng”.

Tin bài liên quan