Ảnh Internet

Ảnh Internet

Ngân hàng “siết nợ” chung cư, nhìn từ vụ Khang Gia Tân Hương

(ĐTCK) Việc nhiều dự án chung cư bị ngân hàng “siết nợ” khiến cư dân đang sống tại đây lo sợ mất nhà. Tuy nhiên, để thu hồi và xử lý nợ xấu, các nhà băng không còn cách nào khác. 

Ngày 7/3 vừa qua, Ngân hàng TMCP NamA Bank đã chính thức thông báo về việc tiến hành thu giữ và xử lý quyền sử dụng đất, tài sản gắn liền với Chung cư Khang Gia Tân Hương. Ðây là dự án do CTCP Ðầu tư và phát triển địa ốc Khang Gia (Công ty Khang Gia) làm chủ đầu tư, được Công ty Khang An đem ra làm tài sản đảm bảo cho khoản vay tại NamA Bank từ năm 2011.

Khoản vay phát sinh nợ xấu từ năm 2015, sau nhiều lần làm việc và thảo luận phương án trả nợ, đến nay Công ty Khang Gia vẫn chưa giải quyết dứt điểm khoản vay. Theo NamA Bank, việc thu giữ chung cư sẽ diễn ra vào ngày 15/4/2019. Nếu Công ty Khang Gia trả nợ trước thời điểm xử lý tài sản thì có quyền nhận lại tài sản đó.

NamA Bank cho biết, việc ra thông báo xử lý, thu giữ tài sản đảm bảo là hoàn toàn phù hợp với Nghị quyết 42 của Quốc hội về việc xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng.

Theo ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc NamA Bank, chủ đầu tư Khang Gia Tân Hương đã thế chấp toàn bộ dự án cho NamA Bank, số nợ tuy chỉ còn vài chục tỷ đồng nhưng chủ đầu tư bất hợp tác, Ngân hàng phải xiết nợ.

Ðược biết, phía Công ty Khang Gia đã phối hợp với Ngân hàng lên phương án tất toán khoản vay.

Trường hợp trên chỉ là một ví dụ cụ thể, thời gian gần đây, trên thị trường xuất hiện hàng loạt dự án chung cư bị ngân hàng “xiết nợ” do chủ đầu tư dự án cầm cố cho ngân hàng nay mất khả năng thanh toán. Ðiều này khiến hàng trăm khách hàng của các khu chung cư đó hoang mang về rủi ro bị xiết nhà và cũng cảnh báo rủi ro tiềm ẩn lớn cho phía ngân hàng.

Cuối năm 2018, VAMC có thông báo gửi đến CTCP Tư vấn đầu tư và phát triển Trung Ðông (TP.HCM) yêu cầu giao tài sản bảo đảm để xử lý thu hồi nợ. Chung cư này có quy mô 120 căn hộ. Lý do là công ty này có khoản nợ tạm tính đến giữa tháng 10/2018 hơn 82 tỷ đồng, trong đó nợ gốc là hơn 33,7 tỷ đồng, lãi hơn 48,7 tỷ đồng.

Trước đó, VietinBank cũng chào bán khoản nợ hơn 21 tỷ đồng của Công ty Ðịa ốc Gia Phú. Theo thông tin từ VietinBank, tính đến ngày 11/7/2018, dư nợ khoản vay của Công ty Gia Phú tại Ngân hàng là gần 21,6 tỷ đồng (nợ gốc là 6 tỷ đồng và nợ lãi là gần 15,6 tỷ đồng)…

Trước nữa, vào cuối năm 2017, BIDV “rao bán” chung cư nghìn tỷ 584 Tân Kiên ở TP.HCM để xiết nợ 1.100 tỷ đồng. Chung cư Gia Phú (Thủ Ðức, TP.HCM) cũng được BIDV rao bán đấu giá để thu hồi khoản nợ hơn 232 tỷ đồng (trong đó, nợ gốc 88,9 tỷ đồng, còn lại là lãi vay)…

Thực tế, khi các khoản nợ đến hạn trả nợ, nhưng chủ nợ mất khả năng thanh toán sẽ bị ngân hàng hoặc VAMC (nếu khoản nợ đó đã được ngân hàng bán cho VAMC) xiết nợ để xử lý nợ xấu. Ðặc biệt, kể từ khi Nghị quyết 42 của Quốc hội về xử lý nợ xấu ra đời, chủ nợ được trao quyền nhiều hơn trong phát mãi tài sản đảm bảo, cả khi phía đi vay không đồng tình. Tuy nhiên, khi dự án chung cư bị xiết nợ, không phải chủ đầu tư nào cũng đảm bảo quyền lợi cho khách hàng. Ðể có thể thu hồi được nợ xấu, phía ngân hàng sẽ phải đứng ra giải quyết.

Chẳng hạn, trong vụ việc PVcomBank phát mãi dự án Tokyo Tower (do Tổng công ty Lâm nghiệp Việt Nam - Vinafor và CTCP Sông Ðà 1.01 làm chủ đầu tư) để thu hồi khoản nợ xấu khoảng 400 tỷ đồng tại dự án trên, PVcomBank phải gặp gỡ người mua nhà thống nhất phương án giải quyết quyền lợi cho họ và các bước xử lý tiếp theo của Ngân hàng trong thời gian tới. Sau vai trò là đơn vị cấp tín dụng, nay khi thu giữ dự án với vai trò mới là đơn vị tài trợ dự án, PVcomBank cam kết quá trình xử lý tài sản để thu hồi nợ sẽ chú trọng quyền lợi hợp pháp người mua nhà.

Giải pháp được đưa ra, nếu muốn nhận lại tiền đã đầu tư mua nhà, ngân hàng sẽ thu xếp hỗ trợ người mua nhà chuyển nhượng lại hợp đồng mua bán căn hộ chung cư cho đối tác có nhu cầu nhận chuyển nhượng, sau đó người mua nhà sẽ thu hồi vốn tối đa bằng số tiền đã thanh toán cho chủ đầu tư.

Từ thực tế trên cho thấy, đã có tiền lệ thị trường thời gian qua xuất hiện những vụ việc nhiều dự án bất động sản đã được chủ đầu tư đem cầm cố ngân hàng, nhưng vẫn rao bán khiến người mua nơm nớp lo sợ khi bị dọa đuổi ra khỏi nhà.

Những vụ việc xảy ra vừa qua có trách nhiệm trong quản lý nhà nước và cần phải nhanh chóng chấn chỉnh tình trạng này, bắt buộc nhà đầu tư có dự án đã thế chấp cho ngân hàng phải thông báo kèm theo hợp đồng mua bán nhà nêu rõ việc dự án đang được thế chấp. Nếu không làm động tác đó thì sự giấu giếm thông tin mang tính chất lừa đảo, cần được xử lý, luật cần chặt chẽ.

Ðối với nhà đầu tư, người mua nhà, TS. Trần Du Lịch, Thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Chính phủ khuyến nghị, để hạn chế rủi ro, cần nhờ tư vấn kỹ trước khi đặt bút ký vào hợp đồng mua bán.

Tin bài liên quan