Chia sẻ với Báo Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo OCB cho hay, Ngân hàng sẽ chốt room ngoại trước khi niêm yết trên sàn chứng khoán trong năm nay. HĐQT OCB đã thông qua giới hạn sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài là 23,66%. Hiện tại, VinaCapital là cổ đông ngoại lớn nhất tại OCB với tỷ lệ sở hữu 5% vốn.
Trước đó, OCB đã chia tay đối tác chiến lược BNP Paribas (Pháp) khi nhà đầu tư ngoại này thoái hết hơn 74,705 triệu cổ phiếu OCB, tương đương 18,68% vốn. BNP Paribas trở thành cổ đông chiến lược của OCB từ ngày 22/2/2008 với sở hữu ban đầu là 10% vốn. Thời điểm đó, trào lưu kết hợp đối tác chiến lược nội - ngoại trong ngành ngân hàng đang rất sôi động. Trong 3 năm sau đó, BNP Paribas nâng tỷ lệ sở hữu lên 20%.
"Trong quá trình đàm phán để chốt bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài lần này, OCB mong muốn tìm được nhà đầu tư chiến lược để cùng Ngân hàng phát triển trong lâu dài, thay vì đơn thuần là thu hút vốn tăng năng lực tài chính", lãnh đạo OCB nói.
Với Nam A Bank, trong kế hoạch tăng vốn lên 5.000 tỷ đồng năm nay có nội dung thu hút thêm vốn từ cổ đông chiến lược nước ngoài. Theo ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank, đây là vấn đề cần thiết để Ngân hàng nâng cao năng lực cạnh tranh. Hiện Nam A Bank đang trong quá trình đàm phán với các nhà đầu tư.
Trao đổi với phóng viên, tổng giám đốc một ngân hàng cổ phần cũng cho hay, sau giai đoạn tái cơ cấu, ngân hàng này có kế hoạch bán vốn cho nhà đầu tư nước ngoài. Mặc dù, nhà quản lý đã "bật đèn xanh" để nhà đầu tư ngoại có thể sở hữu vượt mức quy định (30% vốn), song công cuộc tìm kiếm không dễ thực hiện trong một sớm một chiều.
Trên thực tế, không phải nhà đầu tư nước ngoài nào cũng gắn bó dài lâu với ngân hàng mà sẽ kết thúc khi hết thời hạn hợp tác, hoặc khi sự hợp tác không còn như kỳ vọng. Mới đây,
SeABank đã xác nhận, cổ đông chiến lược nước ngoài Société Générale đã thoái toàn bộ phần vốn sở hữu sau 10 năm. Société Générale đầu tư vào SeABank từ năm 2008 và từng nâng sở hữu lên mức tối đa 20%.
Không chỉ SeABank, chỉ trong 2 năm qua, đã có 5 nhà đầu tư ngoại chia tay các ngân hàng nội. Dù vậy, sức hút của các ngân hàng Việt vẫn rất lớn đối với nhà đầu tư nước ngoài.
Trào lưu “tìm rể ngoại” của các ngân hàng trong nước khởi phát cách đây hơn một thập kỷ, đặc biệt là giai đoạn 2005-2011, với mở đầu là 3 thương vụ hợp tác năm 2005 giữa ACB - Standard Chartered, Techcombank - HSBC và Sacombank - ANZ.
Tuy nhiên, hiện nay, thay vì “bán sỉ” như trước đây, nhiều ngân hàng bán có xu hương "bán lẻ" vốn cho nhà đầu tư ngoại. Đơn cử, trong đợt phát hành riêng lẻ vừa qua, TPBank thu hút được nhiều nhà đầu tư cả trong và ngoài nước, thu về hơn 2.190 tỷ đồng. Tại ACB, trong khi Standard Chartered Bank chấm dứt vai trò nhà đầu tư chiến lược vào đầu năm nay sau hơn 12 năm hợp tác, thì nhóm Alp Asia Finance Limited đã trở thành cổ đông lớn với sở hữu gần 10% vốn.
Trước khi niêm yết đầu năm 2018, HDBank đã thu hút nhiều quỹ đầu tư và ngân hàng ngoại tham gia mua cổ phần như Credit Saison (Nhật), Aozora Bank (Nhật), Deutsche Bank AG (Anh), JPMorgan Vietnam Opportunities Fund (Anh), Dragon Capital (Anh), RWC Frontier Markets Opportunity Master Fund (Anh), Chalemass (Anh), Macquarie Bank (Úc)… Các nhà đầu tư này đã chi khoảng 300 triệu USD (hơn 6.800 tỷ đồng) trong đợt chào bán riêng lẻ 14,26 triệu cổ phiếu, tương ứng tỷ lệ sở hữu 20%, trong đó mỗi nhà đầu tư sở hữu không quá 3%.
Techcombank đã bán lượng cổ phần trị giá 370 triệu USD cho 2 nhà đầu tư là Vesta VN Investments B.V và COG Investments B.V (Hà Lan) trước khi niêm yết vào đầu tháng 6/2018. Đây là 2 quỹ do Warburg Pincus quản lý.
Kế hoạch hút vốn ngoại của ngân hàng Việt đang dần được đẩy mạnh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh, đặc biệt khi áp lực tăng vốn theo chuẩn Basel II cận kề. Trong khi đó, các nhà đầu tư ngoại cũng sẵn sàng hỗ trợ. Tổng giám đốc Mitsubishi UFJ Financial Group (MUFG) cho biết, ngân hàng này sẵn sàng hỗ trợ VietinBank tăng vốn và mong muốn được Chính phủ ủng hộ. Vietcombank muốn mở thêm room ngoại lên mức tối đa, so với tỷ lệ 20,79% như hiện nay.