Ngân hàng nội khó tạo “sóng” M&A

Làn sóng mua bán, sáp nhập (M&A) giữa các ngân hàng nội vốn trầm lắng trong 3 năm qua được dự báo khó sôi động trong thời gian tới, ngoại trừ thương vụ PGBank sáp nhập HDBank dự kiến hoàn tất vào cuối năm nay.
M&A giữa ngân hàng nội sẽ không sôi động như giai đoạn đầu của quá trình tái cấu trúc ngành, bởi hệ thống ngân hàng đã dần thanh lọc được các ngân hàng yếu kém.

M&A giữa ngân hàng nội sẽ không sôi động như giai đoạn đầu của quá trình tái cấu trúc ngành, bởi hệ thống ngân hàng đã dần thanh lọc được các ngân hàng yếu kém.

Hiếm thương vụ đình đám

Cách đây 4-5 năm, thị trường M&A Việt Nam đã chứng kiến nhiều thương vụ sáp nhập, hợp nhất giữa các nhà băng nội như MHB - BIDV, Mekongbank - MSB, DaiA Bank sáp nhập HDBank, Habubank sáp nhập SHB, Southern Bank sáp nhập Sacombank, hợp nhất SCB - Ficombank - TinNghiaBank...

Cùng với đó, một số ngân hàng yếu kém phải bán lại cho Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và tái cơ cấu dưới sự hỗ trợ của Vietcombank, VietinBank; BIDV như CBBank, OceanBank, GPBank và DongA Bank là ngân hàng bị NHNN kiểm soát đặc biệt. Các thương vụ M&A trên đã diễn ra với sự đồng thuận giữa hai nhóm cổ đông, được sự chấp thuận của NHNN và Chính phủ để lớn mạnh hơn trong giai đoạn ngành đẩy mạnh tái cấu trúc.

Các dự báo đưa ra cho thấy, thị trường tài chính sẽ hiếm có thương vụ M&A đình đám giữa các ngân hàng nội trong thời gian tới. Việc Vietcombank sáp nhập bất thành Saigonbank hay VietinBank không đi đến đoạn kết trong thương vụ với PGBank đến nay vẫn “im hơi lặng tiếng”, cho dù cổ đông Vietcombank, VietinBank từng thông qua chủ trương sáp nhập thêm một ngân hàng khác.

Theo một lãnh đạo cấp cao ngành tài chính, việc các ngân hàng quốc doanh tham gia tái cơ cấu ngân hàng yếu kém như Vietcombank tham gia tái cơ cấu CBBank là thực hiện chủ trương của NHNN. Còn thực tế, M&A không phải là phương án được các ngân hàng ưu tiên.

TS. Lê Xuân Nghĩa, chuyên gia cấp cao lĩnh vực tài chính cho rằng, M&A giữa ngân hàng nội sẽ không sôi động như giai đoạn đầu của quá trình tái cấu trúc ngành, bởi hệ thống ngân hàng đã dần thanh lọc được các ngân hàng yếu kém.

Cách đây không lâu, thị trường từng có thông tin DongA Bank sẽ về tay một ngân hàng nội. Trước đó, DongA Bank được cho là sáp nhập với ABBank, nhưng cả hai chưa tìm được tiếng nói chung, thì DongA Bank bị thua lỗ do rót mạnh vốn vào bất động sản và đã rơi vào tình trạng kiểm soát đặc biệt. Sau đó, có thông tin DongA Bank sẽ được sáp nhập HDBank, song HDBank đã nhanh chóng “đám hỏi” với PGBank sau một thời gian tìm hiểu.

Có hoàn tất vào cuối năm?

Tuy cổ đông thông qua kế hoạch sáp nhập trong kỳ họp Đại hội đồng cổ đông năm trước, NHNN đã chấp thuận về nguyên tắc, song đến nay, thương vụ M&A HDBank - PGBank vẫn chưa hoàn tất. Ông Nguyễn Hữu Đặng, thành viên HĐQT, Tổng giám đốc HDBank cho biết, tiến độ thương vụ này đang diễn ra theo chiều hướng khá thuận lợi. Ngân hàng đang tiến hành nhiều bước chuẩn bị thiết yếu, dự kiến hoàn tất sáp nhập PGBank cuối năm 2019.

So với sáp nhập DaiABank trước đây, thương vụ M&A với PGBank có vẻ mất nhiều thời gian hơn cho HDBank. Sau gần 1 năm chuẩn bị và thương thảo, HDBank chính thức sáp nhập DaiA Bank vào cuối năm 2013. Không hoàn toàn giống những cuộc sáp nhập trong mấy năm qua, thương vụ này được đôi bên khẳng định là không xuất phát từ yêu cầu bắt buộc phải tái cấu trúc của NHNN. HDBank còn mua lại Công ty TNHH một thành viên Tài chính Việt - Societe (SGVF), sau đó bán lại 49% cho đối tác Nhật Bản và đổi tên thành HD Saison.

Có thể thấy, cổ đông của những ngân hàng được M&A như DaiA Bank, Habubank, MHB, PGBank... đều tỏ rõ sự đồng thuận khi được sáp nhập vào các ngân hàng quy mô hơn. Đến nay, các nhà băng đã sớm hòa nhập được nền văn hóa giữa hai ngân hàng, song vẫn có khó khăn nhất định trong xử lý nợ xấu thời hậu M&A.

Tuy nhiên, để kỳ vọng có thêm thương vụ M&A ngân hàng đình đám thời gian tới là không dễ. TS. Lê Xuân Nghĩa đánh giá, các ngân hàng nội đang nỗ lực tự hoàn thiện để đáp ứng chuẩn Basel II. Vì vậy, những ngân hàng mạnh khó có thể “ôm” thêm nhà băng yếu kém. Còn nếu hai ngân hàng yếu M&A sẽ trở thành ngân hàng quy mô, nhưng yếu hơn.

Trong khi đó, theo TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia ngân hàng, việc rót vốn của các tập đoàn, doanh nghiệp trong nước vào ngân hàng nội không dễ dàng như trước. Bởi nguồn tiền đầu tưvào ngân hàng hiện nay đòi hỏi tiền sạch, loại trừ vốn ảo, nhằm xử lý triệt để tình trạng sở hữu chéo. Đó cũng là lý do khiến làn sóng M&A giữa ngân hàng và doanh nghiệp trong nước không còn sôi động như trước.

Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 11 – năm 2019:

Diễn đàn M&A Việt Nam lần thứ 11 – năm 2019 do Báo Đầu tư và AVM Vietnam phối hợp tổ chức dưới sự bảo trợ của Bộ Kế hoạch và Đầu tư được tổ chức tại Trung tâm Hội nghị GEM (TP.HCM) vào thứ Ba, ngày 6/8/2019.

Với chủ đề “Thay đổi để bứt phá/Going for breakthrough”, Diễn đàn M&A Việt Nam 2019 sẽ bàn thảo các cơ hội M&A trong kỷ nguyên mới, những thay đổi cần có để thị trường M&A Việt Nam thực sự bứt phá, đem lại lợi ích cho các thành viên tham gia.

Diễn đàn có các hoạt động chính: hội thảo chính với các diễn giả hàng đầu Việt Nam và quốc tế; vinh danh thương vụ và nhà tư vấn M&A tiêu biểu 2018 – 2019; tiệc tối kết nối đầu tư; phát hành Đặc san Toàn cảnh thị trường M&A 2019 (tiếng Việt - Anh); Khoá đào tạo quốc tế Chiến lược M&A để tăng trưởng đột phá.

Tin bài liên quan