Với những nhà băng có quản trị tốt và biết cách làm thì trong khó khăn chưa hẳn không có cơ hội - Ảnh: Hoài Nam

Với những nhà băng có quản trị tốt và biết cách làm thì trong khó khăn chưa hẳn không có cơ hội - Ảnh: Hoài Nam

Ngân hàng nội: Áp lực đến từ nhiều phía

(ĐTCK-online) Ngân hàng nội trước dư âm căng thẳng lãi suất, lạm phát trong năm 2010, mục tiêu kiểm soát tín dụng năm 2011 và sự "rộng cửa" cho ngân hàng ngoại, cũng như Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước có hiệu lực từ đầu năm 2011 là những vấn đề mà ĐTCK trao đổi với TS. Lê Thẩm Dương, Trưởng khoa Quản trị kinh doanh Trường đại học Ngân hàng TP. HCM.

Theo ông, mục tiêu kiểm soát tín dụng năm 2011 của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ở mức 23% nói lên điều gì?

Mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra cho năm 2011 ở mức 23% thể hiện ý đồ điều hành vĩ mô của cơ quan quản lý. Tuy nhiên, điều quan trọng là có thực hiện được ý đồ đó hay không. Trong năm 2010, chúng ta đặt kỳ vọng lạm phát ở mức 8% và mục tiêu tín dụng được kiểm soát ở mức 25%. Tuy nhiên, đến cuối năm, dư nợ tín dụng toàn ngành vẫn đạt trên 27%. Còn lạm phát bùng lên con số gần 12%.

Năm nay, với mục tiêu kiểm soát tăng trưởng tín dụng 23%, kỳ vọng lạm phát sẽ được kiểm soát ở mức 7%. Như vậy, tương xứng với việc này là bội chi ngân sách và nợ công sẽ phải giảm lại. Đồng thời, lượng hàng sẽ tăng lên, song lượng đầu tư tín dụng sẽ được kiểm soát ở mức phù hợp hơn.

Ngân hàng nội: Áp lực đến từ nhiều phía ảnh 1
TS. Lê Thẩm Dương

Lạm phát lệ thuộc vào nhiều yếu tố: chất lượng đầu tư, lượng tiền, vòng quay tiền tệ…, trong đó lệ thuộc nhiều vào chính sách đầu tư. Trong lượng tiền có chính sách tiền tệ, chính sách tài chính và chính sách đầu tư.

Ba chính sách này hùn vào nhau tạo ra lượng tiền có cân với lượng hàng hay không. Còn trong đầu tư có đầu tư vào ngân sách và đầu tư tín dụng. Nhưng sau khi cân hiệu quả đầu tư với chính sách tài chính, người ta thấy rằng, giữa đầu tư với lạm phát có quan hệ, song không hẳn là quan hệ tỷ lệ thuận. Nếu đầu tư nhiều, lập tức lượng tiền tung ra, ảnh hưởng tới lạm phát. Nhưng đổi lại, đầu tư mới tạo sự phát triển kinh tế (GDP).

Vì vậy, mục tiêu tăng trưởng tín dụng 23% trong năm nay thể hiện rõ ý đồ điều hành của NHNN và quan tâm nhiều hơn đến chất lượng tín dụng. Điều này cũng được thể hiện ở các quy định khắt khe hơn trong hoạt động của ngành ngân hàng tại Thông tư 13/2010/TT-NHNN và Luật Các tổ chức tín dụng, Luật Ngân hàng Nhà nước.

Tín dụng sẽ được "siết" lại để kiểm soát lạm phát, bởi chất lượng tín dụng sẽ quyết định lạm phát ở mức kỳ vọng 7% trong năm 2011. Lấy lạm phát làm mục tiêu, vì để kiểm soát lạm phát từ mức 12% xuống 7% là điều không đơn giản. Tất nhiên, khi kiểm soát tăng trưởng tín dụng ở mức thấp sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và tăng trưởng GDP. Tuy nhiên, theo tôi, nếu kiểm soát tốt chất lượng tín dụng thì tăng trưởng GDP vẫn có thể đạt được. Có nghĩa là, mức 23% tăng trưởng tín dụng trong năm 2011 không cho "chảy" vào chứng khoán, bất động sản, tiêu dùng xa xỉ ở mức cao, mà tập trung vào sản xuất thuần thì GDP vẫn tăng trưởng tốt.

 

Vậy khả năng khi nào lãi suất tiết kiệm tiền đồng sẽ theo xu hướng giảm, thưa ông?

Lãi suất có giảm được hay không là một vòng tròn. Lãi suất trong cấu phần của nó là có lạm phát. Chẳng hạn, lạm phát trong năm 2010 ở mức 12%, lãi suất 14%/năm thì người gửi tiền được lãi dương 2%. Do đó, nếu lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp trong thời gian tới thì chắc chắn lãi suất sẽ được điều chỉnh giảm theo.

Trên thực tế, người ta hay nói rằng, lạm phát là giá thành của lãi suất. Thế nhưng, để lạm phát giảm, lúc đầu phải nâng lãi suất lên để hút bớt tiền trong lưu thông.

Như vậy, vòng tròn giữa lãi suất và lạm phát tiếp tục quay tròn. Song, chỉ nâng lãi suất trong giai đoạn đầu. Đồng thời, Chính phủ sẽ dùng thêm các biện pháp khác như: giảm bội chi ngân sách, siết chặt hơn mục tiêu tăng trưởng tín dụng… Từ đó mới có thể kiểm soát được lạm phát, kéo lãi suất (cả huy động và cho vay) về mức phù hợp.

Theo tôi, với quyết tâm được Chính phủ đưa ra là kiểm soát lạm phát trong 6 tháng đầu năm 2011 chỉ ở mức 3,5% thì khả năng mặt bằng lãi suất sẽ sớm được điều chỉnh giảm.

Tuy nhiên, để thực hiện được điều này, tôi cho rằng,  đòi hỏi phải có thời gian, bởi chính sách đưa ra bao giờ cũng có độ trễ của nó. Vì thế, khả năng đến quý II/2011, mặt bằng lãi suất mới có thể được điều chỉnh giảm. Nhưng để giảm được lãi suất tiền đồng, trước hết cũng nên xem xét để điều chỉnh giảm lãi suất ngoại tệ. Bởi lãi suất ngoại tệ cũng là một nhân tố ảnh hưởng tiêu cực tới tiền đồng, vì khi lãi suất USD cao, giá trị đồng USD tăng lên. Mặt khác, trước áp lực lãi suất thỏa thuận tiền đồng ở mức cao hiện nay, nhiều doanh nghiệp vẫn thấy vay USD lợi hơn. Do đó, các ngân hàng đã nâng lãi suất huy động ngoại tệ lên để hút vốn, khiến nhiều người chọn gửi ngoại tệ. Ở Mỹ, lãi suất USD chưa đến 1%, trong khi Việt Nam huy động trên 5%, nên cần giảm lãi suất ngoại tệ.

 

Đánh giá của ông về cơ hội và thách thức của ngành ngân hàng trong năm 2011 như thế nào?

Thực ra, trong khủng hoảng, không chỉ ngành ngân hàng, mà tất cả các doanh nghiệp đều có khó khăn. Năm 2010, có ngân hàng khó hoàn thành chỉ tiêu lợi nhuận đề ra cả năm. Song, so với các lĩnh vực, ngành nghề khác, hoạt động của ngân hàng cũng có những lợi thế riêng và thực tế, nhiều ngân hàng đã đạt lợi nhuận trước thuế trong năm 2010 ở mức khá cao.

Tuy nhiên, với các quy định mới được NHNN đưa ra tại Thông tư 13 cũng như ở Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước vừa có hiệu lực, hoạt động ngân hàng được kiểm soát chặt chẽ hơn. Nhưng với những nhà băng có quản trị tốt và biết cách làm thì trong khó khăn chưa hẳn không có cơ hội, nếu các ngân hàng biết nắm bắt cơ hội đó. Vì thế, khó khăn hay không là tuỳ vào từng ngân hàng, nếu lúc thuận lợi không cố gắng thì lúc nào cũng có khó khăn.

 

Bắt đầu từ năm 2011, theo lộ trình cam kết WTO, Việt Nam sẽ rộng cửa hơn trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng và nhà băng ngoại được đối xử như ngân hàng nội. Theo ông, như vậy có đáng lo ngại cho ngân hàng trong nước?

Rất đáng lo. Các ngân hàng nước ngoài đã có kinh nghiệm từ nước sở tại nên rất chuyên nghiệp. Do đó, trong 2 năm qua, mặc dù doanh thu của các ngân hàng con 100% vốn tại Việt Nam còn hạn chế, nhưng chất lượng rất cao. Đây cũng là điều đáng gờm cho các ngân hàng trong nước. Tuy nhiên, theo tôi, thị trường cũng cần có cú hích về cạnh tranh. Bởi nếu không có "cú hích" như vậy thì các ngân hàng Việt Nam khó lớn lên. Song, giả sử một trong số các nhà băng Việt Nam chưa có sự chuẩn bị kỹ và năng lực cạnh tranh còn yếu kém chắc hẳn sẽ dễ dàng bị đào thải và lúc đó phải sáp nhập hoặc bán lại. Thị trường sẽ sàng lọc và những ngân hàng nào quản trị tốt, năng lực cạnh tranh cao sẽ phát triển mạnh.

 

Luật Các tổ chức tín dụng và Luật Ngân hàng Nhà nước bắt đầu có hiệu lực kể từ ngày 1/1/2011. Điều đó sẽ có tác động như thế nào đến hoạt động của các nhà băng, thưa ông?

Chắc chắn khi đi vào thực tiễn sẽ có những tác động nhất định đến các ngân hàng và sẽ kiểm soát chặt hơn ở một số lĩnh vực hoạt động, nhằm đảm bảo an toàn cho cả hệ thống. Tuy nhiên, theo tôi, sự ra đời của Thông tư 13/2010/TT-NHNN và Thông tư 19/2010/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 13 là tiền đề cho các ngân hàng thực hiện 2 luật nói trên. Vì thế, hai luật trên nếu tác động nữa thì tác động của nó "bài bản" hơn.

Thứ hai là độ chính quy, chuyên nghiệp cao hơn.

Thứ ba là, trong khó khăn thì các ngân hàng mới phát huy được tài năng, còn cứ lỏng lẻo sẽ rất khó cạnh tranh được.

Trong khó khăn mới tạo ra chuyên nghiệp, nhất là trong hoạt động của ngành ngân hàng. Mặt khác, 2 luật trên cũng điều tiết nhiều định chế, kể cả NHNN. Nên bây giờ, nếu các ngân hàng có sai phạm sẽ được chiếu theo Luật để xử lý một cách nghiêm minh.