Ngân hàng Nhà nước: Kiên định duy trì mức tăng tỷ giá 1 - 2%

Ngân hàng Nhà nước: Kiên định duy trì mức tăng tỷ giá 1 - 2%

(ĐTCK) Những biến động địa chính trị, sự leo thang của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung... đang không ngừng gây sức ép lên tỷ giá VND/USD. Dù vậy, mức tăng tỷ giá từ 1 - 2% sẽ tiếp tục được NHNN duy trì để hỗ trợ doanh nghiệp.

Linh hoạt điều hành tỷ giá để phòng ngừa rủi ro

Tại các ngân hàng thương mại, tỷ giá niêm yết trong ngày cuối tuần qua đã tăng nhẹ so với những ngày trước đó. Ðơn cử, tại Vietcombank, tỷ giá niêm yết chiều ngày 24/5 ở mức 23.335 - 23.455 đồng/USD (mua-bán), tăng 5 đồng/USD so với đầu giờ sáng cùng ngày. Tỷ giá trung tâm do Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố trong ngày 24/5 ở mức 23.066 đồng/USD, tăng 3 đồng/USD so với giữa tuần.

Trên thị trường thế giới, USD đã tăng lên mức cao nhất trong 4 tháng qua, trong bối cảnh các thị trường tài chính biến động mạnh vì căng thẳng thương mại Mỹ - Trung Quốc. Thông điệp từ cuộc họp mới nhất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho biết, cơ quan này sẽ vẫn duy trì thái độ thận trọng đối với chính sách tiền tệ và sẽ còn kéo dài trong thời gian tới.

Những ngày qua, xung đột thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đã giúp USD liên tục tăng, trong khi nhân dân tệ (CNY) mất giá khoảng 2%, từ đó gây sức ép lên tỷ giá đồng Việt Nam. Trong bối cảnh đó, NHNN vẫn kiên định với chính sách duy trì sự ổn định của tỷ giá trong năm nay với mức tăng khoảng 1 - 2% để tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp. Ông Phạm Thanh Hà, Vụ trưởng Chính sách tiền tệ (NHNN) khẳng định, nếu cần thiết, cơ quan điều hành sẵn sàng bán ra ngoại tệ với giá bán phù hợp để bình ổn thị trường.

Diễn biến bất thường của đồng bạc xanh trong thời gian gần đây, theo ông Hà, chủ yếu do những thông tin mới về đàm phán thương mại Mỹ - Trung làm gia tăng quan ngại về khả năng xung đột thương mại quốc tế. Bên cạnh đó, việc CNY tiếp tục giảm giá từ cuối tháng 4/2019 đến nay cũng là nguyên nhân tạo tác động mạnh tới tâm lý thị trường ngoại hối, gây áp lực lên tỷ giá VND/USD. Tuy nhiên, trên giao dịch thực tế, qua theo dõi của NHNN, thanh khoản thị trường vẫn ổn định, cân đối cung cầu ngoại tệ tổng thể vẫn thuận lợi.

TS. Bùi Quang Tín, chuyên gia tài chính - ngân hàng cho rằng, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung đang ngày càng leo thang và tiếp tục tác động đến tỷ giá. Thực tế là tỷ giá tiền đồng đã tăng lên trong thời gian gần đây theo sự điều chỉnh tỷ giá trung tâm của NHNN. Dù vậy, theo ông Tín, NHNN sẽ tiếp tục ưu tiên điều hành tỷ giá theo hướng linh hoạt, ổn định.

Ðồng quan điểm, TS. Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia nhận định, động thái phá giá đồng nhân dân tệ của Trung Quốc mới đây đang tác động mạnh mẽ tới các quốc gia có kim ngạch thương mại lớn với Trung Quốc, bao gồm Việt Nam. Tuy vậy, sự biến động luôn được NHNN theo dõi sát sao, từ đó đưa ra chính sách điều chỉnh tỷ giá USD/VND linh hoạt, phù hợp và chính sách này đã phát huy hiệu quả trong suốt hơn 2 năm qua. 

Không chủ quan trước rủi ro tỷ giá

Mặc dù tỷ giá được nhận định sẽ không tăng cao trong năm nay, nhưng theo các nhà phân tích tài chính - tiền tệ, để tránh rủi ro, các doanh nghiệp cần có sự phòng ngừa và không chủ quan trước biến động tỷ giá.

Ông Ngô Ðăng Khoa, Giám đốc toàn quốc Khối kinh doanh ngoại hối và thị trường vốn, Ngân hàng HSBC Việt Nam đánh giá, diễn biến tỷ giá trong thời gian tới sẽ phụ thuộc chủ yếu vào tình hình địa chính trị, thương mại quốc tế và NHNN có đủ tiềm lực để VND thay đổi thích ứng với những biến động đó. Ông Khoa cho biết, sau gần 4 tháng gần như neo chặt ở tỷ giá mua của NHNN, tỷ giá trong nước đã tăng trong những ngày qua, nhưng ở mức độ nhẹ, xấp xỉ 0,7%.

Về phía NHNN, ngay từ đầu năm, cơ quan này đã chủ động mua ngoại tệ để tăng dự trữ ngoại hối, đồng thời phát đi thông điệp sẵn sàng sử dụng các công cụ chính sách tiền tệ để ổn định thị trường ngoại hối, đáp ứng cầu ngoại tệ hợp pháp của người dân, doanh nghiệp. Dù vậy, ông Khoa đưa ra khuyến nghị, trong dài hạn, các yếu tố cơ bản trên thị trường quốc tế được dự báo vẫn sẽ diễn biến phức tạp. Ðể có thể quản trị dòng tiền, kiểm soát rủi ro hiệu quả, các doanh nghiệp cần chủ động trong công tác phòng vệ rủi ro tỷ giá, rủi ro lãi suất thông qua việc nâng cao nhận thức về rủi ro thị trường và các công cụ phòng vệ rủi ro.

Nêu dẫn chứng về công cụ phòng vệ rủi ro, TS. Bùi Quang Tín cho biết, doanh nghiệp có thể mua các sản phẩm phái sinh mà các ngân hàng đang cung cấp như sản phẩm phái sinh kỳ hạn hoặc quyền chọn...  Chuyên gia tài chính Huỳnh Trung Minh cũng cho hay, để hợp đồng giao dịch không phụ thuộc vào USD, doanh nghiệp nên sử dụng chính đồng tiền của quốc gia mà mình đang giao dịch.

Về phía ngân hàng thương mại, các chuyên gia cho rằng, để ứng phó với rủi ro trong bối cảnh hiện tại, các ngân hàng cần rà soát lại cơ chế tín dụng, đặc biệt với những khách hàng lớn, để đánh giá lại toàn bộ tình hình tài chính của khách hàng trong cả ngắn, trung và dài hạn, từ đó đưa ra chính sách tín dụng phù hợp...

Theo Phó thống đốc NHNN Ðào Minh Tú, tỷ giá đang là một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt, bởi ổn định tỷ giá, lãi suất là vấn đề quan trọng trong ổn định vĩ mô. Trong khi đó, việc giá điện và giá xăng tăng đang gây sức ép lên lạm phát, cũng như chủ trương tăng trưởng tín dụng toàn ngành năm 2019 ở mức 14% - là những yếu tố có thể ảnh hưởng tới ổn định vĩ mô. Do đó, NHNN sẽ cân nhắc kỹ khi điều chỉnh chính sách tiền tệ.

Công ty cổ phần Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, trong trường hợp muốn giữ ổn định tỷ giá, NHNN có thể sẽ tính đến phương án bán ra USD và hút VND về. Theo số liệu phân tích của BVSC, trong tuần từ 6/5 đến 10/5, NHNN đã bơm ròng 24.111 tỷ đồng qua kênh tín phiếu. Cụ thể, tín phiếu phát hành mới là 25.887 tỷ đồng (kỳ hạn 7 ngày với lãi suất vẫn ở mức 3%/năm) và có 49.998 tỷ đồng đáo hạn trong tuần. Trên thị trường mở (OMO), NHNN cũng hút ròng 515 tỷ đồng  (là số tiền phát hành từ tuần trước đáo hạn). Lũy kế kể từ đầu năm 2019 đến nay, NHNN đã hút ròng tổng cộng 55.993 tỷ đồng qua 2 kênh OMO và tín phiếu.

TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, việc điều hành tỷ giá trung tâm từ năm ngoái đến nay, cũng như giảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng xuống mức 14% và kiên định với mục tiêu này của NHNN là đúng đắn. Theo ông Nghĩa, NHNN có các kênh thông tin để phân tích, dự đoán tác động của tình hình thị trường tài chính - tiền tệ thế giới lên tỷ giá, nên cần có chính sách đón đầu.

Tin bài liên quan