VIB đã mua lại toàn bộ Chi nhánh TP.HCM của CBA

VIB đã mua lại toàn bộ Chi nhánh TP.HCM của CBA

Ngân hàng ngoại: Chiến lược “sói gửi chân” phát huy tác dụng

Việc thay đổi chiến lược tại Việt Nam của một số ngân hàng nước ngoài cho thấy, sự “đe dọa” đến từ khối ngoại vẫn chưa thực sự đáng lo như những cảnh báo trước đó.

Chiến lược “sói gửi chân” phát huy tác dụng

Đầu tuần này, Ngân hàng Quốc tế (VIB) và Ngân hàng Commonwealth Bank of Australia (CBA) chính thức công bố, VIB đã mua lại toàn bộ Chi nhánh TP.HCM của CBA. Điều đặc biệt là, CBA chính là cổ đông chiến lược, nắm giữ tới 20% vốn điều lệ của VIB.

Lý giải việc bán chi nhánh cho VIB, ông Steve Ellis, Giám đốc phụ trách thị trường Việt Nam của CBA cho biết: “Quyết định này thể hiện cam kết của chúng tôi đối với thị trường Việt Nam khi chúng tôi tăng cường quan hệ đối tác chiến lược với VIB. Đây cũng là minh chứng cho sự tin tưởng mà CBA dành cho VIB”.

Sự “rút lui” của CBA cũng cho thấy, nhà đầu tư này đã rất khôn ngoan khi vừa mở chi nhánh với số vốn khá nhỏ để “thử” thị trường, vừa thực hiện chiến lược “sói gửi chân” nhằm đầu tư vào ngân hàng nội.

Làn sóng đầu tư của ngân hàng ngoại vào Việt Nam rộ lên trong những năm gần đây. Tuy nhiên, không phải ngân hàng nào cũng muốn duy trì, phát triển ngân hàng hoặc chi nhánh ngân hàng 100% vốn ngoại tại Việt Nam.

Các ngân hàng trong khu vực sang Việt Nam chủ yếu nhắm tới mục đích phục vụ doanh nghiệp nước họ đang đầu tư tại đây

Theo các chuyên gia kinh tế, sở dĩ các ngân hàng nước ngoài cân nhắc mở rộng ngân hàng hoặc chi nhánh 100% vốn ngoại tại Việt Nam bởi việc duy trì chi nhánh hoặc ngân hàng con rất tốt kém, trong khi không dễ thu hút được lượng lớn khách bán lẻ. Trong khi đó, nếu hợp tác với ngân hàng nội, họ có thể vừa chăm sóc được các khách hàng truyền thống của mình, vừa có thể tiếp cận khách hàng bán lẻ thông qua mạng lưới của ngân hàng nội.

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia ngân hàng, cách đây 20 năm, tất cả các ngân hàng trên thế giới đều nhìn thấy tiềm năng và tìm cách gia nhập thị trường Việt Nam. Song mấy năm gần đây, một số ngân hàng Mỹ, châu Âu có xu hướng rút khỏi Việt Nam hoặc thu hẹp hoạt động. Việc ANZ bán lại mảng bán lẻ của Việt Nam cho Shinhan Bank hay CBA nhượng lại chi nhánh cho VIB là những ví dụ điển hình.

Cạnh tranh không trực diện

Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, hiện nay, các ngân hàng trong khu vực ASEAN và Đông Á vẫn rất quan tâm tới Việt Nam. Bằng chứng là thời gian qua, khá nhiều ngân hàng trong khu vực đã đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cấp phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài, mà mới đây nhất là các ngân hàng UOB (Singapore) và Woori Bank (Hàn Quốc).

Theo ông Hiếu, các ngân hàng trong khu vực sang Việt Nam chủ yếu nhắm tới mục đích phục vụ doanh nghiệp nước họ đang đầu tư tại đây, chứ không hẳn nhắm vào khách nội, bởi các ngân hàng này không am hiểu về văn hóa và con người Việt Nam. Đó là chưa kể, hiện khả năng sinh lời của các ngân hàng Việt Nam cũng không thật sự hấp dẫn.

Đây cũng là lý do mà nhiều ngân hàng nước ngoài đã đầu tư vào ngân hàng nội từ lâu, song chưa ý định thành lập ngân hàng con tại Việt Nam.

Các chuyên gia ngân hàng khuyến cáo, trong bối cảnh ngân hàng ngoại chưa thực sự am hiểu thị trường, các ngân hàng nội cần tận dụng ưu thế của đối tác, nâng cao năng lực điều hành, trình độ quản trị rủi ro, cũng như nghiên cứu sản phẩm mới. Bởi đến khi đối tác am hiểu thị trường, thì sự cạnh tranh sẽ trực diện hơn.

Thực tế, nhóm ngân hàng đến từ Hàn Quốc, ASEAN gần đây đang gia tăng dần mức độ ảnh hưởng và bắt đầu “tấn công” mảng bán lẻ, tiếp cận người tiêu dùng Việt.

Đây cũng là điều dễ hiểu khi Hàn Quốc đang là nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam và làn sóng hàng hóa, làn sóng đầu tư của ASEAN đang ồ ạt tràn Việt Nam khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN được hình thành. Do đó, dù trước mắt, các ngân hàng này chưa phải là mối đe dọa, song về lâu dài, ngân hàng nội sẽ có nguy cơ bị thu hẹp thị phần khi các ngân hàng đến từ Hàn Quốc và ASEAN tăng dần sức mạnh tại Việt Nam.

Tin bài liên quan