Ngay đầu Xuân mới, BIDV triển khai gói tín dụng quy mô 30.000 tỷ đồng với nhiều ưu đãi. Ảnh: Đức Thanh

Ngay đầu Xuân mới, BIDV triển khai gói tín dụng quy mô 30.000 tỷ đồng với nhiều ưu đãi. Ảnh: Đức Thanh

Ngân hàng mạnh tay đẩy vốn

Với mục tiêu đề ra tham vọng cho năm 2019, ngay sau Tết Nguyên đán, các nhà băng đã mạnh tay đẩy vốn ra thị trường.

Ồ ạt đẩy vốn

BIDV triển khai gói tín dụng “Xuân Kỷ Hợi 2019” quy mô 30.000 tỷ đồng với nhiều ưu đãi, giải ngân từ nay đến ngày 30/4. Lãi vay được nhà băng này áp dụng cho gói tín dụng trên từ 7%/năm đối với các khoản vay có thời hạn đến 5 tháng và từ 7,5%/năm đối với các khoản vay từ trên 5 tháng đến 11 tháng.

Trong khi đó, Sacombank đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, bên cạnh ồ ạt cho vay ra nền kinh tế, hướng vốn đến các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh. Tín dụng của Sacombank trong năm 2018 đạt 258.000 tỷ đồng, tăng 14% so với năm trước đó. Tuy nhiên, ông Dương Công Minh, Chủ tịch HĐQT Sacombank đề nghị Ngân hàng Nhà nước cấp hạn mức tăng trưởng tín dụng cho năm nay ở mức 19% để có dư địa cho vay, bởi Sacombank đang trong quá trình tái cơ cấu.

Nhằm phục vụ nhu cầu tiêu dùng, phương án sản xuất - kinh doanh, Nam A Bank vừa triển khai chương trình tín dụng xanh với lãi suất ưu đãi từ 7%/năm trong thời gian lên đến 24 tháng. Trước đó, Nam A Bank đã ký với Quỹ Hợp tác khí hậu toàn cầu (Global Climate Partnership Funds - GCPF) triển khai chương trình tín dụng xanh, với lãi suất ưu đãi. Ông Trần Ngọc Tâm, Tổng giám đốc Nam A Bank cho biết, trong thời gian tới, Ngân hàng tiếp tục đẩy mạnh cho vay ở lĩnh vực trên, đồng thời thực hiện chiến lược đẩy mạnh cho vay ở phân khúc khách hàng nhỏ lẻ trong hạn mức tín dụng cho phép.

Với những kết quả đạt được của năm 2018, Vietcombank đặt mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận trước thuế khoảng 12% trong năm 2019 (tương đương trên 20.000 tỷ đồng); tăng trưởng tổng tài sản đạt 12%, trong đó tăng trưởng tín dụng đạt 15%; huy động vốn từ nền kinh tế tăng 13%; duy trì nợ xấu dưới 1%. Vì thế, ngay từ những tháng đầu năm 2019, nhà băng này cũng mạnh tay cho vay.

Lãi suất cho vay với lĩnh vực phi sản xuất sẽ tăng

Mặc dù các nhà băng mạnh tay đẩy vốn ra thị trường, song lãi suất ưu đãi cũng chỉ được áp dụng trong một thời gian ngắn và chỉ dành cho lĩnh vực ưu tiên. Trong khi đó, lãi suất cho vay cá nhân, nhất là với tín dụng mua nhà, có chiều hướng tăng 0,5 - 1,5% trong thời gian gần đây.

Tại Eximbank, Techcombank…, lãi suất cho khách hàng vay mua nhà dao động ở mức 10 - 11%/năm. VIB có lãi suất cho vay kỳ hạn 6 tháng cố định ở mức 7,9%/năm, nhưng từ tháng thứ 7 trở đi, khách hàng chịu lãi suất thả nổi, được tính dựa trên công thức lãi suất cơ sở cộng biên độ 3,7%.

Eximbank đưa ra mức lãi suất ưu đãi 24 tháng, 36 tháng là 11%/năm; trong khi mức lãi suất tương tự tại Sacombank là 13,5%/năm và Vietbank là 12,2%/năm. Còn tại một số ngân hàng 100% vốn nước ngoài, mức lãi suất cạnh tranh hơn, song cũng chỉ ưu tiên trong thời gian đầu. Shinhan Bank hiện áp dụng mức lãi suất cho vay mua nhà năm đầu tiên là 7,8%/năm. Dù Shinhan Bank có xu hướng tăng lãi suất cho vay, nhưng nhìn chung vẫn nằm trong nhóm thấp trên thị trường. Hết thời gian ưu đãi, Shinhan Bank và Ngân hàng Standard Chartered sẽ áp dụng mức lãi suất 9,5%/năm. Cao nhất trong nhóm ngân hàng nước ngoài, như UOB, cũng chỉ đẩy lãi suất cho vay mua nhà sau khi hết thời gian ưu đãi lên mức 9,89%/năm.

Với mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14% mà ngành ngân hàng đưa ra cho năm nay, ông Nguyễn Quốc Hùng, Vụ trưởng Vụ Tín dụng (Ngân hàng Nhà nước) cho biết, dòng vốn được hướng vào sản xuất, kinh doanh, đồng thời, Ngân hàng Nhà nước sẽ kiểm soát chặt lĩnh vực phi sản xuất.

Theo chuyên gia ngân hàng Huỳnh Bửu Sơn, với chủ trương hướng dòng vốn vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, đồng thời giảm nguồn vốn vào lĩnh vực phi sản xuất, có rủi ro cao, trong đó, bất động sản được xem là một trong những lĩnh vực được quan tâm để kiểm soát chặt chất lượng tín dụng từ năm 2019, lãi suất cho vay sẽ theo xu hướng tăng đối với lĩnh vực phi sản xuất. Đặc biệt, với tín dụng bất động sản, lãi vay sẽ tăng, kể cả với cho vay mua nhà, bởi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã được siết lại còn 40% từ đầu năm nay.

Với chi phí huy động ở mức thấp hơn so với khối cổ phần nhỏ và vừa, các ngân hàng cổ phần có vốn nhà nước đang có động thái giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng doanh nghiệp, nhưng với cá nhân, lãi vay được áp dụng ở mức cao. Trong đó, tại Vietcombank, lãi suất cho vay mua nhà cố định trong 12 tháng là 9%/năm, 24 tháng là 8,9% và 36 tháng là 9,4%. BIDV đang áp dụng mức lãi suất cho vay đối với khách hàng cá nhân vay VND là 11,4%/năm và VietinBank là 11%/năm.

    Tin bài liên quan