Ngân hàng lại báo lợi nhuận lớn quý I

Ngân hàng lại báo lợi nhuận lớn quý I

(ĐTCK) Đã thành "thông lệ", dù năm làm ăn khó khăn hay thuận lợi, các ngân hàng đều công bố con số quý I tốt. Năm nay cũng vậy.

Những con số ấn tượng

Kết quả kinh doanh của SHB trong quý I được ông Nguyễn Văn Lê, Tổng giám đốc Ngân hàng cho biết tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018: “Tăng 60% so với cùng kỳ, cụ thể, tổng tài sản đạt 286.804 tỷ đồng, huy động thị trường 1 đạt 227.040 tỷ đồng, dư nợ cho vay đạt 202.487 tỷ đồng, nợ xấu là 1,97%, lợi nhuận 502,7 tỷ đồng”.

Còn tại VPBank, lợi nhuận hợp nhất trước thuế quý đầu năm của Ngân hàng đạt mức 2.619 tỷ đồng, tăng trưởng 36% so với cùng kỳ năm trước.

Trong khi đó, VIB công bố doanh thu  tăng 49%; lợi nhuận trước thuế đạt hơn 518 tỷ đồng, cao gấp 3,3 lần cùng kỳ năm 2017.  HDBank cũng công bố kết quả kinh doanh quý I ấn tượng với lợi nhuận đạt 1.045 tỷ đồng, tăng gấp 3 lần cùng kỳ 2017.

Tại khối ngân hàng thương mại cổ phần có vốn Nhà nước, Chủ tịch Hội đồng quản trị VietinBank Nguyễn Văn Thắng cho biết, 2018 là năm đầu tiên VietinBank có sự tăng trưởng ngay từ tháng đầu năm. Lợi nhuận trước thuế của Ngân hàng đạt trên 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng 20% so với cùng kỳ. Tỷ suất sinh lời ROA , ROE đạt lần lượt là 1,12 % và 15,32%.

Vietcombank ghi nhận lợi nhuận trước thuế quý I/2018 đạt 4.359 tỷ đồng, tăng trưởng tới 59% so với cùng kỳ.

Còn tại BIDV, ông Phan Đức Tú, Tổng giám đốc cho biết, số liệu tài chính được Ban lãnh đạo cập nhật từng ngày. Cụ thể, tính đến 20/4/2018, tổng tài sản của Ngân hàng tăng trưởng 3,5%, tăng trưởng tín dụng và huy động vốn lần lượt là 2,3% và 5,5%, lợi nhuận trước thuế là 2.700 tỷ đồng, tăng 29% so với cùng kỳ.

OCB công bố đạt lợi nhuận trước thuế quý I khoảng 600 tỷ đồng tại Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018. Còn TPBank lợi nhuận trước thuế đạt hơn 513 tỷ đồng, cao gấp 2,4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Đặc biệt, Sacombank, ngân hàng hoạt động kinh doanh khá chật vật những năm qua cũng báo lãi trước thuế quý I là 504 tỷ đồng, đạt 27,7% kế hoạch năm.

Lãi “khủng” đến từ mảng bán lẻ

Tại Vietcombank, động lực tăng trưởng chính của Ngân hàng được biết lại đến từ việc thu hồi các khoản nợ ngoại bảng, với phần tăng thêm so với cùng kỳ lên tới hơn 1.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, lãi từ hoạt động dịch vụ tăng khá mạnh, đạt 881 tỷ đồng, tăng 35,5% so  với cùng kỳ 2017; lãi từ chứng khoán kinh doanh cũng tăng tới 166%, đạt 277 tỷ đồng.

Còn tại VietinBank, theo ông Lê Đức Thọ, Tổng giám đốc Ngân hàng, trong quý I vừa qua, Ban lãnh đạo Ngân hàng đã cơ cấu nguồn vốn nhằm tối ưu hóa lợi nhuận. Theo đó, VietinBank đã có những bứt phá tăng trưởng ngay từ những tháng đầu năm 2018, tổng tài sản đến cuối quý I tăng 1,6%, lên mức 1,112 triệu tỷ đồng. Tổng dư nợ tín dụng tăng 3,3%, cao hơn mức trung bình toàn ngành (2,23%), đạt khoảng 868.000 tỷ đồng. Huy động vốn đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng trưởng tập trung từ thị trường vốn.

Trong khi đó, thu nhập lãi thuần vẫn là nguồn thu chính trong hoạt động của VPBank trong quý I/2018, với hơn 6.026 tỷ đồng; trong đó có gần 90% đến từ các phân khúc chiến lược bao gồm tín dụng tiêu dùng, khách hàng cá nhân, khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ, khách hàng tiểu thương. Thu nhập từ hoạt động dịch vụ đạt 314 tỷ đồng và thu từ nợ đã xử lý rủi ro đạt gần 290 tỷ đồng, tăng 58% so với cùng kỳ năm 2017. Mặt khác, chi phí hoạt động vẫn đang được kiểm soát tốt, giúp cho tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập (CIR) giảm từ 34,6% cuối năm 2017 xuống mức 31,2% cuối quý I.

Doanh thu của mảng ngân hàng bán lẻ của VIB đạt mức tăng trưởng 101% so với cùng kỳ năm trước. Dư nợ khách hàng cá nhân tiếp tục tăng 12% trong quý I, đạt 56.500 tỷ đồng. Năm 2017, tốc độ tăng trưởng dư nợ khách hàng cá nhân của VIB là 83%. Trong các sản phẩm của mảng ngân hàng bán lẻ, 4 sản phẩm đang tiếp tục có mức tăng trưởng rất cao,  bao gồm cho vay mua nhà, vay mua ô tô, bảo hiểm và thẻ. Trong quý I, doanh số bán mới của cho vay mua nhà và mua ô tô tăng lần lượt 77% và 114% so với cùng kỳ năm trước.

“VIB tiếp tục dẫn đầu thị trường về sản phẩm cho vay ô tô với doanh số bán mới ước tính chiếm 18% tổng số xe bán ra trên thị trường (theo báo cáo của VAMA). Đối với sản phẩm bảo hiểm, đầu năm nay, VIB đã có sự thay đổi quan trọng về mô hình kinh doanh của sản phẩm này, khiến doanh thu quý I tăng 62% so năm trước. Trong đó, doanh số tháng 3/2018 bằng doanh số của cả quý I/2017”, một lãnh đạo VIB cho biết.

Ngân hàng kỳ vọng một năm tích cực

Theo kết quả cuộc điều tra xu hướng kinh doanh mới nhất do Vụ Dự báo, thống kê, Ngân hàng Nhà nước tiến hành vào tháng 3/2018, hầu hết các tổ chức tín dụng đánh giá môi trường kinh doanh và kết quả kinh doanh của đơn vị mình cải thiện trong quý I/2018 và kỳ vọng tăng tốc trong quý II/2018.

Trên cơ sở nhận định và kỳ vọng môi trường kinh doanh thuận lợi, mặt bằng lãi suất duy trì ổn định, các tổ chức tín dụng kỳ vọng huy động vốn toàn hệ thống tăng trưởng bình quân 4,71% trong quý II/2018 và tăng 16,65% trong cả năm 2018. Dư nợ tín dụng của hệ thống ngân hàng được kỳ vọng tăng trưởng 4,85% trong quý II/2018 và tăng 16,3% trong năm 2018.

Kết quả điều tra cũng cho thấy, có 84% tổ chức tín dụng kỳ vọng tình hình kinh doanh sẽ “cải thiện” trong cả năm 2018.

“Kết quả hoạt động kinh doanh tốt và có xu hướng mở rộng khiến 44% tổ chức tín dụng cho biết mặc dù tuyển thêm lao động trong quý I/2018, nhưng vẫn có 23,2% tổ chức tín dụng nhận định đang thiếu lao động cần thiết cho nhu cầu công việc hiện tại và 61% tổ chức tín dụng dự kiến tiếp tục tuyển thêm lao động trong quý II/2018”, lãnh đạo Vụ Dự báo, thống kê, Ngân hàng Nhà nước cho biết.

Tin bài liên quan