Nhiều ngân hàng đang triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất

Nhiều ngân hàng đang triển khai các gói tín dụng ưu đãi lãi suất

Ngân hàng lạc quan về cơ hội mở rộng tín dụng

(ĐTCK) Nhu cầu tín dụng bắt đầu có những dịch chuyển lạc quan cùng với các chỉ số kinh tế vĩ mô tốt hơn đã được các ngân hàng nhanh chóng nắm bắt, đón xu hướng tăng trưởng tín dụng trong những tháng tới.

Dấu hiệu cầu tín dụng sẽ tăng

Ngân hàng TNHH một thành viên HSBC (Việt Nam) phối hợp với Công ty Markit Economics công bố Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất tại Việt Nam trong tháng 3/2014 nhận xét, PMI đạt mức 51,3 điểm trong tháng 3 vừa qua cho thấy sự cải thiện về các điều kiện kinh doanh và hoạt động trong 7 tháng liên tiếp.

Theo báo cáo của HSBC, tháng 3/2014 có số lượng đơn đặt hàng mới tăng với tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 10/2013; số lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới cũng tăng sau khi giảm nhẹ trong tháng trước. Mức tăng của đơn đặt hàng mới đã giúp các công ty sản xuất tăng sản lượng trong suốt 6 tháng và giúp các công ty giải quyết lượng công việc tồn đọng. Yêu cầu sản lượng tăng lên đã làm cho các công ty gia tăng hoạt động mua hàng hóa đầu vào 7 tháng liên tục, với tốc độ nhanh.

Tin từ Tổng cục Thống kê, quý I/2014, tổng sản phẩm trong nước (GDP) ước tăng 4,96% so với cùng kỳ năm 2013, mức tăng cao nhất trong 3 năm trở lại đây. Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,37%; công nghiệp và xây dựng tăng 4,69%; dịch vụ tăng 5,95%. Đặc biệt, trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt mức tăng 7,3%, cao hơn so với các năm trước.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho hay: “Tăng trưởng tín dụng tính đến cuối tháng 3 vẫn còn âm khoảng 0,5% so với cuối năm 2013, nhưng đã tăng xấp xỉ 0,7% so với cuối tháng 2”.

“Những tín hiệu trên cho thấy, tình hình kinh tế vĩ mô đã có những dấu hiệu khởi sắc nhất định, đặc biệt khi nhìn vào con số xuất nhập khẩu, bởi Việt Nam vẫn là quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu hàng hóa để sản xuất rồi lại xuất khẩu”, TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế nói.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, trị giá hàng hoá nhập khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 3/2014 đạt gần 5,97 tỷ USD, tăng 13,7% (tương ứng tăng gần 720 triệu USD) so với nửa cuối tháng 2. Tính đến hết ngày 15/3/2014, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt hơn 25,96 tỷ USD, tăng 11,9% (tương ứng tăng hơn 2,75 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2013.

Kim ngạch hàng hoá xuất khẩu của Việt Nam trong kỳ 1 tháng 3/2014 đạt 5,69 tỷ USD, giảm 3,8% (tương ứng giảm hơn 225 triệu USD) so nửa cuối tháng 2/2014. Tính đến hết ngày 15/3/2014, kim ngạch xuất khẩu của cả nước đạt gần 26,98 tỷ USD, tăng 11,8% (tương ứng tăng gần 2,85 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2013.

Các ngân hàng đón xu hướng

Ông Lê Quang Trung, Phó tổng giám đốc VIB nhận định, tín dụng không tăng trưởng, thậm chí âm trong quý I chỉ mang tính chất thời vụ; tăng trưởng tín dụng trọng điểm sẽ rơi vào khoảng thời gian từ quý II cho đến cuối năm, cùng với những tín hiệu vĩ mô đã tốt hơn. Đối với VIB, trong quý I/2014, tăng trưởng tín dụng bình quân 7,5%. Sau 2 năm sàng lọc khách hàng, tăng thêm thị phần, VIB ưu tiên hỗ trợ tín dụng đối với khách hàng xuất khẩu, hàng tiêu dùng.

Lãnh đạo Ngân hàng TMCP Sài Gòn cho biết, SCB đang triển khai các chương trình cho vay bình thường, nhưng với dự báo tình hình kinh tế vĩ mô tốt hơn, Ngân hàng đã lên kế hoạch mở rộng các hoạt động cho vay liên quan đến nông sản, xuất nhập khẩu…

Tại Maritime Bank, ngân hàng này vừa triển khai trên toàn quốc gói tín dụng ưu đãi lãi suất 8%/năm trong vòng 3 tháng đầu, thời hạn vay tối thiểu là 12 tháng dành cho khách hàng có nhu cầu vay mua nhà, phát triển kinh doanh.

“Triển khai gói tín dụng này, Ngân hàng mong muốn giúp khách hàng hiện thực hóa ước mơ bằng cách tiếp cận với nguồn vốn giá rẻ”, lãnh đạo Maritime Bank chia sẻ.

Ông Nguyễn Ngọc Tâm, Phó tổng giám đốc MHB cho biết, với mong muốn đưa đồng vốn giá rẻ đến với người dân và DN, MHB đã dành 2.000 tỷ đồng cho vay với lãi suất 8,5%/năm trong 3 tháng đầu.

Tin bài liên quan